10:41 04/10/2011

Cuộc chiến tỷ giá Mỹ - Trung lại bị kéo căng

Hồng Ngọc

Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu chấp thuận việc xem xét dự luật trừng phạt các quốc gia thao túng tiền tệ, mà trọng tâm là Trung Quốc

Nhiều người cho rằng, cuộc xung đột tỷ giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây ra những tác hại không đáng có.
Nhiều người cho rằng, cuộc xung đột tỷ giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây ra những tác hại không đáng có.
Hôm qua (3/10), với tỷ lệ 79 phiếu thuận trên 19 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã chính thức bắt đầu tuần làm việc xem xét kế hoạch hành động cải tổ giám sát tỷ giá ngoại hối 2011, trong đó cho phép Chính phủ Mỹ đánh thuế đối kháng các sản phẩm từ những quốc gia được cho là bảo hộ xuất khẩu bằng cách định giá thấp đồng nội tệ.

Bản kế hoạch hành động này do các nghị sỹ đảng Dân chủ Sherrod Brown từ bang Ohio và Charles Schumer từ New York đề xuất, với tâm điểm chính là tập trung vào quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Thượng nghị sỹ Schumer từng đề xuất các biện pháp tương tự trong 6 năm qua, nhưng không được Chính phủ Mỹ thông qua.

Dự luật kêu gọi trừng phạt Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nhiều nghị sỹ Mỹ bất bình trước việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng như của người tiền nhiệm George W. Bush đã từ chối chính thức chỉ rõ Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong các bản báo cáo tài chính hàng năm, từ đó gây thiệt hại về kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ.

Đánh giá về động thái này, hôm 2/10 vừa qua, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đưa bài bình luận, trong đó phê phán những nỗ lực của các nghị sỹ Mỹ nhằm gây sức ép với Bắc Kinh về chính sách tiền tệ là nông cạn và thủ đoạn, đồng thời cáo buộc Mỹ đang lặp lại thói quen cũ đổ trách nhiệm cho Trung Quốc.

Thực tế, tranh cãi về tỷ giá USD với Nhân dân tệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài trong nhiều năm khi giá trị nhập siêu từ Trung Quốc vào Mỹ năm sau luôn cao hơn năm trước. Mỹ cho rằng, Trung Quốc duy trì đồng Nhân dân tệ ở mức thấp để hưởng lợi về xuất khẩu. Căng thẳng này tạm lắng trong cuộc khủng hoảng 2008-2009 nhưng đã gia tăng trở lại theo đà hồi phục kinh tế.

Trong một nghiên cứu gần đây của Học viện Chính sách kinh tế, kể từ năm 2001, thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã làm mất gần 2,8 triệu việc làm ở Mỹ.

"Chúng tôi đang chịu mức thất nghiệp tới 10%, trong khi Trung Quốc hưởng thụ thặng dư thương mại khổng lồ nhờ đồng Nhân dân tệ giá thấp. Điều đó thật khó mà chịu đựng", Kenneth Lieberthal, cựu quan chức chính quyền Clinton, hiện là giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Brookings của Mỹ, từng cho biết hồi năm 2010.

Phát biểu hôm 30/9/2011, nghị sỹ Schumer cho rằng, văn kiện trên sẽ được thông qua với số phiếu áp đảo tại Thượng viện trước khi chuyển sang Hạ viện xem xét. "Thời điểm đề nghị Trung Quốc một cách lịch sự đã qua rồi", ông nói. Điểm tựa của vị nghị sỹ này chính là kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn, trong khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc không hề hạ nhiệt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, dự luật trên vẫn sẽ vấp phải sự phản đối của chính quyền Tổng thống Barack Obama và các nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện. Tuần trước, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney phát biểu với báo giới rằng chính quyền Obama sẽ xem xét lại dự luật và chưa đưa ra lập trường chính thức về vấn đề này.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, mặc dù vấn đề kinh tế là trọng tâm hội đàm song phương, nhưng ông Biden chủ yếu trấn an các chủ nợ Trung Quốc tin vào tương lai của đồng USD. Tỷ giá Nhân dân tệ đã không được chính thức đề cập. Ông Biden chỉ nêu vấn đề với Trung Quốc một cách chung chung, chủ yếu để gây ấn tượng với các nghị sĩ trong nước.

Trong khi đó, về phía Hạ viện, các nhà lãnh đạo Cộng hòa tại đây cũng không có kế hoạch đưa dự luật ra thảo luận và bỏ phiếu, trừ phi đây là một trong những vấn đề chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2012. Năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã từng bỏ phiếu chống lại một đạo luật tương tự.

Hầu hết những ý kiến ủng hộ cho rằng, kế hoạch hành động tỷ giá hối đoái mới sẽ giúp tạo thêm việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang gần 10%. Trong khi, theo những người phản bác, việc áp dụng dự luật sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay.

Trên thực tế, vài tháng qua, vấn đề này đã không còn giữ được tầm quan trọng. Thứ nhất, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá so với đồng USD. Thứ hai là các cuộc chiến tranh về tiền tệ đã trở nên phổ biến hơn giữa các nước và trở thành một cớ để bảo vệ thương mại để các nước giành lợi thế trong cạnh tranh.

Quan trọng hơn, những thống kê về thương mại không minh chứng được là sự thâm hụt thương mại của Mỹ giảm thiểu khi tỷ giá của đồng Nhân dân tệ tăng lên so với đồng USD Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong báo cáo đưa ra hồi tháng 7, đã chỉ ra rằng “một đồng nhân dân tệ mạnh không nhất thiết sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm ở Mỹ”.

Một số ý kiến khác còn cho rằng, Nhân dân tệ mạnh hơn cũng không hẳn đã tốt cho người tiêu dùng Mỹ. Bởi lẽ điều đó đồng nghĩa với việc giá hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ đắt hơn, càng khiến cho người Mỹ hạn chế chi tiêu do còn phải trả nợ vay ngân hàng và bị ám ảnh bởi nỗi lo thất nghiệp.

Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ mạnh cũng không khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại Mỹ, tức là không có việc làm mới được tạo ra. Chẳng hạn, những nhà máy xuất khẩu tại Trung Quốc có xu hướng di chuyển sang những quốc gia đang phát triển khác như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, nơi có chi phí thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Sự thực là, vào những năm 2005-2008, khi Nhân dân tệ tăng khoảng 21% so với USD, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng lên, bởi Trung Quốc sản xuất quá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà người Mỹ cần. Do đó, việc giải quyết tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia này phải cần đến nhiều động thái hơn là chỉ can thiệp tiền tệ.

Về phía Trung Quốc, cuối tuần trước, ngân hàng trung ương nước này (PBoC) cũng đã tái khẳng định việc duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và bình ổn giá cả tiếp tục là ưu tiên trọng tâm. Theo PBoC, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh và ổn định, sức ép lạm phát đã dịu bớt song vẫn ở mức cao. Vì vậy, tỷ giá đồng Nhân dân tệ cần được giữ ổn định ở mức cân bằng và hợp lý.