Cuộc đua chip AI: Ai có thể cạnh tranh với NVIDIA?
NVIDIA đã trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp AI, đứng đầu thị trường với các GPU mạnh mẽ. Tuy nhiên, vị thế thống trị của công ty đang đối mặt với những thách thức lớn, từ áp lực pháp lý đến sự cạnh tranh của đối thủ ...
Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở thành nền tảng của các công nghệ hiện đại, nhu cầu về phần cứng mạnh mẽ để hỗ trợ các thuật toán phức tạp đã đưa NVIDIA lên đỉnh cao của ngành công nghiệp AI.
Từ những ngày đầu phát triển GPU dành cho trò chơi điện tử, NVIDIA đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trụ cột không thể thiếu cho các trung tâm dữ liệu và ứng dụng AI.
NVIDIA TRỞ THÀNH “THẾ LỰC THỐNG TRỊ” TRONG LĨNH VỰC AI NHƯ THẾ NÀO?
NVIDIA đã trở thành biểu tượng trong ngành chip AI, gắn liền với sức mạnh tính toán hiệu năng cao cho trí tuệ nhân tạo. Các GPU của hãng thúc đẩy các đột phá trong nhiều lĩnh vực, từ y tế đến tài chính, giúp công ty vươn lên trở thành doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2025. Tuy nhiên, những thách thức gần đây, bao gồm việc giá cổ phiếu giảm do cuộc điều tra chống độc quyền từ Trung Quốc, đang thử thách sự thống trị của NVIDIA.
Vào ngày 9/12/2024, Cục Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc (SAMR) đã mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với NVIDIA, xoay quanh việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến thương vụ mua lại Mellanox Technologies vào năm 2020. Mellanox, với các hoạt động quan trọng tại Trung Quốc, đóng vai trò chiến lược trong danh mục sản phẩm của NVIDIA, cung cấp các giải pháp mạng cho trung tâm dữ liệu. Thông tin này đã làm nhà đầu tư lo lắng, khiến cổ phiếu NVIDIA giảm 2,7%, trong bối cảnh thị trường tài chính cũng đang biến động mạnh.
Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực phần cứng AI ngày càng gay gắt. Các công ty như AMD, dưới sự lãnh đạo của CEO Lisa Su, đã gia tăng đáng kể thị phần trong trung tâm dữ liệu và ứng dụng AI. Đồng thời, các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon, và Microsoft cũng đang phát triển các chip AI nội bộ, giảm sự phụ thuộc vào GPU của NVIDIA. Điều này cho thấy dù NVIDIA đóng vai trò quan trọng trong ngành phần cứng AI, vị thế của hãng đang bị thách thức bởi áp lực từ quy định và đối thủ.
NVIDIA đã trở thành trụ cột của hạ tầng AI nhờ việc tập trung vào đổi mới và tích hợp dọc chiến lược. Hành trình phát triển của NVIDIA là một bài học về tầm nhìn dài hạn, đầu tư chiến lược và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Trong suốt hàng thập kỷ, công ty đã đầu tư hàng tỷ USD vào hệ sinh thái CUDA, đào tạo nhà phát triển và xây dựng cộng đồng xoay quanh AI. Điều này tạo ra một nền tảng mà các nhà phát triển tin tưởng và phụ thuộc.
NVIDIA sớm nhận ra tiềm năng của GPU trong xử lý AI. Khác với CPU, vốn xử lý tuần tự, GPU vượt trội nhờ khả năng xử lý song song, rất quan trọng cho việc huấn luyện và vận hành mô hình AI. Điều này mang lại cho NVIDIA lợi thế tiên phong quan trọng. Nền tảng CUDA đã biến phần cứng NVIDIA thành một hệ sinh thái thống nhất. Việc thiết lập CUDA như tiêu chuẩn công nghiệp cho phát triển AI đã tạo ra chi phí chuyển đổi cao đối với các công ty muốn thay thế NVIDIA bằng phần cứng khác.
AMD, INTEL, GOOGLE, AMAZON VÀ MICROSOFT VÀ LOẠT STARTUP ĐANG CẠNH TRANH VỚI NVIDIA
Tuy nhiên, bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi nhanh chóng. AMD đang ngày càng khẳng định vị thế với dòng GPU MI và thương vụ mua lại Xilinx, bổ sung năng lực FPGA cho danh mục sản phẩm của mình. Intel, dù gặp khó khăn trong triển khai các sản phẩm tăng tốc AI, vẫn đang cam kết đổi mới với bộ xử lý Gaudi của Habana Labs.
Các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon và Microsoft cũng đang dần tự chủ trong sản xuất chip AI. Google với bộ xử lý TPU đã hỗ trợ cả các ứng dụng AI nội bộ và trên Google Cloud, trong khi Amazon và Microsoft cũng phát triển các chip nội bộ như Trainium và Athena, giảm sự phụ thuộc vào NVIDIA. Bên cạnh đó, các công ty khởi nghiệp như Graphcore, Cerebras Systems và Tenstorrent đang tập trung vào những giải pháp ngách, tối ưu hiệu suất cho các ứng dụng AI cụ thể, tạo ra những sản phẩm cạnh tranh đáng chú ý.
Trong tương lai, NVIDIA có thể phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Sự gia tăng của các ASIC chuyên dụng cho khối lượng công việc cụ thể có thể thách thức GPU truyền thống. ASIC (Application-Specific Integrated Circuit) là một loại vi mạch tích hợp được thiết kế đặc biệt để thực hiện một nhiệm vụ hoặc ứng dụng cụ thể, trái ngược với các vi mạch đa năng như CPU hoặc GPU, vốn được thiết kế để xử lý nhiều loại công việc khác nhau.
Bên cạnh đó, phụ thuộc vào TSMC khiến NVIDIA dễ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng. Các yêu cầu về hiệu suất năng lượng ngày càng cao cũng có thể thúc đẩy các giải pháp cạnh tranh hơn. Đặc biệt, áp lực pháp lý từ các cơ quan quản lý như cuộc điều tra chống độc quyền tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến vị thế của công ty.
Mặc dù vậy, NVIDIA vẫn giữ vị trí dẫn đầu nhờ chiến lược dài hạn và sự đổi mới không ngừng. Tương lai của ngành phần cứng AI sẽ tiếp tục được định hình bởi sự cạnh tranh khốc liệt và những tiến bộ công nghệ mới, giống như cố CEO Apple Steve Jobs từng nói: “Sự đổi mới là thứ phân biệt một người dẫn đầu và một kẻ theo sau”.