14:42 30/12/2010

Cuộc đua năng lượng Trung-Ấn

An Huy

Cuộc đua giữa Bắc Kinh và New Delhi trong lĩnh vực năng lượng đang diễn ra với quy mô và tốc độ lớn chưa từng có

Trung Quốc và Ấn Độ đều "khát" năng lượng.
Trung Quốc và Ấn Độ đều "khát" năng lượng.
Tốc độ hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây đồng nghĩa với cuộc đua giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng diễn ra với quy mô và tốc độ lớn chưa từng có, tờ Business Week nhận xét.

Những con số phía sau “cơn khát” của hai cường quốc kinh tế châu Á là rất đáng lưu ý.

Chẳng hạn, nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2010 của Trung Quốc đạt mức 8,6 triệu thùng/ngày và dự báo lên tới 14,2 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Mặc dù Trung Quốc đã tăng mạnh công suất lọc hóa dầu, nhưng theo giới chuyên gia, nước này vẫn sẽ phải nhập khẩu 11,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2030, từ mức nhập 4,8 triệu thùng hiện nay. Điều này có nghĩa là 70-80% nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ được đáp ứng bằng con đường nhập khẩu.

Các thống kê về mức độ tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ có nhỏ hơn, nhưng vẫn là những con số đáng nể. Ấn Độ hiện tiêu thụ 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó 2/3 là dầu nhập khẩu. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sẽ đến lúc Ấn Độ nhập khẩu khoảng 7,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương với 90% nhu cầu tiêu thụ dầu “vàng đen” hàng ngày của nước này.

Như vậy, cho dù Trung Quốc và Ấn Độ đang gia tăng việc sử dụng các nguồn năng lượng khác như than và khí tự nhiên, “con rồng” và “con hổ” châu Á sẽ đóng góp khoảng 50-65% vào tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong vòng 2 thập kỷ tới.

Bản thân sự gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu thụ dầu thô và các nguồn tài nguyên khác của Trung Quốc và Ấn Độ không phải là nguyên nhân gây ra sự đua tranh giữa hai nước trong lĩnh vực này.

Nhiều người có lý khi cho rằng, lợi ích chung của hai nước là tăng cường ảnh hưởng tập thể của họ với các nước cung cấp năng lượng hàng đầu như Nga, Saudi Arabia và Australia, nhằm trở thành đối tượng thiết lập giá năng lượng thay vì chấp nhận mức giá được đưa ra. Tuy nhiên, những bằng chứng trên thực tế cho thấy, sự cạnh tranh đang gia tăng trong chính sách an ninh năng lượng của Trung Quốc và Ấn Độ. Sự đua tranh này sẽ còn mạnh lên thay vì dịu bớt theo thời gian.

Mô hình phát triển của Trung Quốc lấy khu vực kinh tế nhà nước làm đầu tàu dựa nhiều vào lĩnh vực đầu tư cố định, mà lĩnh vực này thì phụ thuộc nhiều vào năng lượng. Từ kh nhận thức được rằng, đảm bảo nguồn cung năng lượng cần thiết là điều kiện sống còn cho tăng trưởng, Trung Quốc đã thúc đẩy chiến lược sở hữu và kiểm soát nguồn tài nguyên dầu lửa nước ngoài tại các khu vực như Trung Đông và châu Phi.

Với quan niệm cho rằng, thị trường năng lượng quốc tế và quyền tiếp cận mở với thị trường này có thể bị thao túng bởi ảnh hưởng của nước Mỹ, Trung Quốc xem chiến lược năng lượng của họ là hướng đi khôn ngoan.

Thay vì ngồi chờ hệ thống quốc tế về quyền tiếp cận mở với tài nguyên dầu lửa được tăng cường và phụ thuộc vào giá thị trường để đảm bảo nguồn cung năng lượng, Bắc Kinh cung cấp cho các công ty dầu lửa quốc doanh của họ những công cụ cần thiết như các khoản vay lãi suất thấp và các biện pháp hỗ trợ khác để tìm kiếm những nguồn năng lượng phục vụ riêng cho nhu cầu của Trung Quốc. Hiện các công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc đang có trong tay 200 dự án năng lượng tại 50 quốc gia, với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD.

Chiến lược của Trung Quốc rốt cục đã thúc đẩy Ấn Độ có cách làm tương tự. New Delhi cũng thông qua các công ty dầu khí quốc doanh của họ để tìm đường tiếp cận với nguồn cung năng lượng từ các thị trường bên ngoài. Chẳng hạn, các công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ như ONGC Videsh đã và đang đầu tư lớn vào các quốc gia như Sudan, Angola và Nga.

Mặc dù Ấn Độ không thể hiện rõ thái độ lo ngại về những rủi ro mà sự phụ thuộc vào thị trường hàng hóa quốc tế có thể đem lại như Trung Quốc, New Delhi vẫn đang ngày càng học theo chiến lược năng lượng của Bắc Kinh. Có thể Ấn Độ đang lo ngại rằng, với chiến lược hiện này, Trung Quốc sẽ lấy mất đi của Ấn Độ cơ hội tiếp cận các mỏ dầu trên thế giới trong tương lai.

Tuy nhiên, xu hướng sử dụng các công ty dầu khí quốc doanh để giành quyền tiếp cận các mỏ dầu ở ở nước ngoài có thể gây ra những vấn đề không mong muốn. Xét tới mối quan hệ mật thiết giữa các doanh nghiệp này và chính phủ nước họ, cạnh tranh thương mại và các vụ tranh chấp giữa các công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc và Ấn Độ có thể trở thành mâu thuẫn chính trị.

Vào năm 2005, công ty ONGC Videsh của Ấn Độ tìm cách “hớt tay trên” của đối thủ Trung Quốc CNPC quyền mua lại tài sản từ công ty dầu lửa PetroKazakhstan có trụ sở ở London. Tiếp đó, đến năm 2006, ONGC thất bại trước công ty Sinopec của Trung Quốc trong cuộc đua giành quyền mua lại một mỏ dầu ở Nigeria. Những cuộc đua tranh này đã dẫn tới những căng thẳng chính trị giữa hai bên.

Như vậy, vấn đề ở đây là xu hướng sử dụng chiến lược mang tính dân tộc chủ nghĩa để đảm bảo an ninh năng lượng rất có khả năng làm phương hại tới mối quan hệ chính trị giữa hai nước.

Đến năm 2030, khoảng 70-80% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng sẽ xuất phát từ Vùng Vịnh. Đối với Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với việc các tàu chở dầu sẽ phải rời vịnh Persian, sau đó đi qua Ấn Độ Dương, qua eo Malacca, rồi cập bến các cảng của Trung Quốc như cảng Qianwan ở tỉnh Sơn Đông.

Lo ngại ảnh hưởng của Mỹ trên tuyến đường này có thể cản trở hoạt động vận chuyển dầu, Trung Quốc đang tỏ thái độ chỉ trích ngày càng rõ ràng đối với các kế hoạch của Ấn Độ nhằm mở rộng sự hiện diện trên các tuyến đường biển then chốt trên Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đã xem Ấn Độ Dương là khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng trong lợi ích của mình.

Mặc dù Bắc Kinh chưa có khả năng triển khai mạnh lực lượng hải quân trên Ấn Độ Dương, mối quan hệ vốn dĩ không “xuôi chèo mát mái” giữa hải quân của Trung Quốc và Ấn Độ một phần xuất phát từ những mối lo liên quan tới an ninh năng lượng.