Cuộc thử thách cho Việt Nam
Tờ International Herald Tribune của Mỹ và hãng thông tấn AFP của Pháp viết về những khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt
Thời gian gần đây, nhiều tờ báo và báo cáo của các chuyên gia nước ngoài liên tiếp lên tiếng cảnh báo về những khó khăn mới mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, mà nổi cộm là vấn đề lạm phát. Mới đây nhất, tờ International Herald Tribune của Mỹ và hãng thông tấn AFP của Pháp cũng có hai bài viết về vấn đề này. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả những nội dung chính của hai bài viết.
Trong bài viết nhan đề "A test for Vietnam" (tạm dịch: Cuộc thử thách cho Việt Nam), tác giả Philip Bowring của tờ International Heral Tribune cho rằng, những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thường xuống dốc nhanh nhất mỗi khi kinh tế toàn cầu đi vào thời kỳ khó khăn.
Ngổn ngang thách thức
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang lao dốc mạnh mẽ. Những nhà đầu tư trước đây từng rất tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam - với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5% trong suốt một thập kỷ qua, cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc - lúc này đang băn khoăn tự hỏi: nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương tới mức nào?
Liệu sự chao đảo của thị trường trong nước và nước ngoài sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam suy yếu?
Đã có những dấu hiệu đáng lo ngại rõ nét. Năm ngoái, dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào đã dẫn tới sự hình thành một “bong bóng” lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Và lúc này, “bong bóng” đó đã vỡ, đẩy chỉ số VN-Index xuống quá nửa mức đỉnh của năm ngoái.
Trong khi đó, thị trường tín dụng Việt Nam cho tới tận gần đây vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 35%/năm, một tốc độ rõ ràng không phải là bền vững. Cùng với đó, tình trạng “bong bóng” đã lan từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản.
Lạm phát ở Việt Nam hiện đã ở mức khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, lạm phát tăng cao ở Việt Nam là kết quả của giá lương thực và tăng mạnh, nhưng tình hình ở Việt Nam có vẻ như căng thẳng hơn do tín dụng thả lỏng và đồng VND của Việt Nam được neo buộc vào USD.
Với bài viết nhan đề “Vietnam's overheating economy, victim of its success” (tạm dịch: Việt Nam trở thành nạn nhân của sự tăng trưởng kinh tế quá nóng), hãng thông tấn AFP cũng đề cập thêm một số nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao ở Việt Nam, bao gồm đầu tư nước ngoài tăng mạnh, chất lượng sống được nâng cao và hoạt động đầu tư của Chính phủ diễn ra mạnh mẽ.
Những tham vọng tăng trưởng trước đây đã khiến Việt Nam trì hoãn việc thắt chặt tín dụng, nhưng tới lúc này, những biện pháp mạnh đã được áp dụng để hạn chế dòng tiền ra, như lãi suất tăng và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn chiếm hơn một nửa lượng tiền tiết kiệm ở Việt Nam, nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần lại phát triển với tốc độ nhanh chóng hơn và cho vay nhiều hơn các khách hàng đầu tư chứng khoán và bất động sản. Sự thiếu hụt các nhà quản lý đủ tài năng và kinh nghiệm, cộng với việc phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng nước ngoài trong thời gian không xa, có lẽ sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.
Nhiều lo lắng cũng đang nổi lên về thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam. Năm ngoái, thâm hụt này đã tăng từ mức dưới 1% so với GDP lên mức khoảng 6% do dòng hàng hóa tiêu dùng và đầu tư đổ vào quá mạnh. Trong khi đó, điều kiện của thị trường chứng khoán thế giới đột ngột xấu đi trông thấy, khiến Chính phủ Việt Nam phải hoãn lại việc phát hành trái phiếu ra bên ngoài.
Các chuyên gia, bao gồm các nhà phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam về tỷ lệ lạm phát cao cũng như thâm hụt thương mại lớn. Ước tính, năm ngoái thâm hụt thương mại của Việt Nam là 12,4 tỷ USD.
Việt Nam cũng dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc toàn cầu từ khi gia nhập WTO cách đây một năm.
Những nhân tố nói trên cho thấy, rất có thể Việt Nam sẽ phải đối mặt với một cú sốc mạnh nếu kinh tế toàn cầu theo chân kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Nhưng đó mới chỉ là một nửa của câu chuyện.
Hy vọng vẫn nhiều
Tình trạng “bong bóng” trên thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam là rõ ràng, nhưng lại có hai tác động tích cực.
Thứ nhất, tình trạng này đã giúp tạo ra một cơ sở lớn cho thị trường chứng khoán. Sau một thời kỳ điều chỉnh, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn có giá trị vốn hóa 15 tỷ USD, gấp 10 lần so với cách đây 2 năm. Và thứ hai, tình trạng này đã giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu to lớn đối với căn hộ, văn phòng và khách sạn.
Với nợ nước ngoài chỉ chiếm 30% GDP, Việt Nam vẫn còn khả năng để vay nợ và thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ phát triển thêm nữa để bù đắp cho thâm hụt cán cân vãng lai. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là những người mua ròng các loại cổ phiếu của Việt Nam và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Mặc dù viễn cảnh thị trường toàn cầu đã xấu đi và nhu cầu của các thị trường lớn đối với hàng hóa của Việt Nam cũng giảm xuống, Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất Hàn Quốc và Đài Loan chuyển các cơ sở sản xuất của họ từ phía Nam Trung Quốc sang nhằm tránh những bất lợi của chi phí tăng cao và cũng để phân tán rủi ro.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự tăng giá của nguyên vật liệu trên thị trường thế giới, vì Việt Nam là nước xuất khẩu dầu, than, gạo, cao su, cà phê và thủy sản. Sản lượng của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều năm trước mắt để hưởng những lợi ích từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tốc độ mở cửa nhanh chóng cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, bao gồm lĩnh vực ngân hàng, sẽ gây ra những khó khăn nhất định đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng ngược lại cũng sẽ đem đến thêm nhiều vốn và thúc đẩy năng suất.
Hệ thống cảng biển, mạng lưới điện và đường xá của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, đồng thời sự thiếu hụt nhân lực có trình độ cũng là một hạn chế đối với tăng trưởng. Nhưng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam là một chính phủ thân thiện với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình thế giới đối với Việt Nam hiện nay đã trở nên khó khăn hơn nhiều so với tình hình thế giới đối với Trung Quốc cách đây một thập kỷ hay đối với Thái Lan vào những năm 1980. Trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam có lẽ sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nữa, khi mà những phát triển thái quá thời gian qua đi vào hồi kết.
Trong dài hạn, có lẽ Việt Nam sẽ phải hạ kỳ vọng tăng trưởng vì việc thu hút vốn và xuất khẩu sẽ khó khăn hơn. Nhưng công bằng nhìn nhận thì kinh tế Việt Nam trong tương lai vẫn còn những chuyện vui để nói.
Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, ông Benedict Bingham, cho biết: “Việt Nam vẫn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu tiếp tục giữ tốc độ cải cách kinh tế. Tuy nhiên, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề rất quan trọng”.
Theo các chuyên gia, để chống lạm phát hiệu quả, Chính phủ cần kết hợp các biện pháp tài chính, tiền tệ và giá cả. “Sẽ chẳng có tác dụng gì nếu Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi Chính phủ tăng giá xăng dầu”, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi nhận xét.
IMF thì cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào việc kiểm soát lãi suất hơn là hút bớt thanh khoản vì hạn chế cung tiền có thể đẩy lãi suất tăng vọt. Chuyên gia Bingham nói: “Việt Nam nên kiểm soát lãi suất ngắn hạn và tăng lãi suất tới mức đủ để thực dương và duy trì ở mức này cho tới khi lạm phát bắt đầu hạ xuống”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để kiềm chế lạm phát, Việt Nam cũng phải chịu sự đánh đổi vì tăng trưởng trong ngắn hạn chắc chắn sẽ chậm lại.
Trong bài viết nhan đề "A test for Vietnam" (tạm dịch: Cuộc thử thách cho Việt Nam), tác giả Philip Bowring của tờ International Heral Tribune cho rằng, những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thường xuống dốc nhanh nhất mỗi khi kinh tế toàn cầu đi vào thời kỳ khó khăn.
Ngổn ngang thách thức
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang lao dốc mạnh mẽ. Những nhà đầu tư trước đây từng rất tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam - với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5% trong suốt một thập kỷ qua, cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc - lúc này đang băn khoăn tự hỏi: nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương tới mức nào?
Liệu sự chao đảo của thị trường trong nước và nước ngoài sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam suy yếu?
Đã có những dấu hiệu đáng lo ngại rõ nét. Năm ngoái, dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào đã dẫn tới sự hình thành một “bong bóng” lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Và lúc này, “bong bóng” đó đã vỡ, đẩy chỉ số VN-Index xuống quá nửa mức đỉnh của năm ngoái.
Trong khi đó, thị trường tín dụng Việt Nam cho tới tận gần đây vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 35%/năm, một tốc độ rõ ràng không phải là bền vững. Cùng với đó, tình trạng “bong bóng” đã lan từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản.
Lạm phát ở Việt Nam hiện đã ở mức khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, lạm phát tăng cao ở Việt Nam là kết quả của giá lương thực và tăng mạnh, nhưng tình hình ở Việt Nam có vẻ như căng thẳng hơn do tín dụng thả lỏng và đồng VND của Việt Nam được neo buộc vào USD.
Với bài viết nhan đề “Vietnam's overheating economy, victim of its success” (tạm dịch: Việt Nam trở thành nạn nhân của sự tăng trưởng kinh tế quá nóng), hãng thông tấn AFP cũng đề cập thêm một số nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao ở Việt Nam, bao gồm đầu tư nước ngoài tăng mạnh, chất lượng sống được nâng cao và hoạt động đầu tư của Chính phủ diễn ra mạnh mẽ.
Những tham vọng tăng trưởng trước đây đã khiến Việt Nam trì hoãn việc thắt chặt tín dụng, nhưng tới lúc này, những biện pháp mạnh đã được áp dụng để hạn chế dòng tiền ra, như lãi suất tăng và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn chiếm hơn một nửa lượng tiền tiết kiệm ở Việt Nam, nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần lại phát triển với tốc độ nhanh chóng hơn và cho vay nhiều hơn các khách hàng đầu tư chứng khoán và bất động sản. Sự thiếu hụt các nhà quản lý đủ tài năng và kinh nghiệm, cộng với việc phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng nước ngoài trong thời gian không xa, có lẽ sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.
Nhiều lo lắng cũng đang nổi lên về thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam. Năm ngoái, thâm hụt này đã tăng từ mức dưới 1% so với GDP lên mức khoảng 6% do dòng hàng hóa tiêu dùng và đầu tư đổ vào quá mạnh. Trong khi đó, điều kiện của thị trường chứng khoán thế giới đột ngột xấu đi trông thấy, khiến Chính phủ Việt Nam phải hoãn lại việc phát hành trái phiếu ra bên ngoài.
Các chuyên gia, bao gồm các nhà phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam về tỷ lệ lạm phát cao cũng như thâm hụt thương mại lớn. Ước tính, năm ngoái thâm hụt thương mại của Việt Nam là 12,4 tỷ USD.
Việt Nam cũng dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc toàn cầu từ khi gia nhập WTO cách đây một năm.
Những nhân tố nói trên cho thấy, rất có thể Việt Nam sẽ phải đối mặt với một cú sốc mạnh nếu kinh tế toàn cầu theo chân kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Nhưng đó mới chỉ là một nửa của câu chuyện.
Hy vọng vẫn nhiều
Tình trạng “bong bóng” trên thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam là rõ ràng, nhưng lại có hai tác động tích cực.
Thứ nhất, tình trạng này đã giúp tạo ra một cơ sở lớn cho thị trường chứng khoán. Sau một thời kỳ điều chỉnh, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn có giá trị vốn hóa 15 tỷ USD, gấp 10 lần so với cách đây 2 năm. Và thứ hai, tình trạng này đã giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu to lớn đối với căn hộ, văn phòng và khách sạn.
Với nợ nước ngoài chỉ chiếm 30% GDP, Việt Nam vẫn còn khả năng để vay nợ và thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ phát triển thêm nữa để bù đắp cho thâm hụt cán cân vãng lai. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là những người mua ròng các loại cổ phiếu của Việt Nam và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Mặc dù viễn cảnh thị trường toàn cầu đã xấu đi và nhu cầu của các thị trường lớn đối với hàng hóa của Việt Nam cũng giảm xuống, Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất Hàn Quốc và Đài Loan chuyển các cơ sở sản xuất của họ từ phía Nam Trung Quốc sang nhằm tránh những bất lợi của chi phí tăng cao và cũng để phân tán rủi ro.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự tăng giá của nguyên vật liệu trên thị trường thế giới, vì Việt Nam là nước xuất khẩu dầu, than, gạo, cao su, cà phê và thủy sản. Sản lượng của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều năm trước mắt để hưởng những lợi ích từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tốc độ mở cửa nhanh chóng cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, bao gồm lĩnh vực ngân hàng, sẽ gây ra những khó khăn nhất định đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng ngược lại cũng sẽ đem đến thêm nhiều vốn và thúc đẩy năng suất.
Hệ thống cảng biển, mạng lưới điện và đường xá của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, đồng thời sự thiếu hụt nhân lực có trình độ cũng là một hạn chế đối với tăng trưởng. Nhưng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam là một chính phủ thân thiện với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình thế giới đối với Việt Nam hiện nay đã trở nên khó khăn hơn nhiều so với tình hình thế giới đối với Trung Quốc cách đây một thập kỷ hay đối với Thái Lan vào những năm 1980. Trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam có lẽ sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nữa, khi mà những phát triển thái quá thời gian qua đi vào hồi kết.
Trong dài hạn, có lẽ Việt Nam sẽ phải hạ kỳ vọng tăng trưởng vì việc thu hút vốn và xuất khẩu sẽ khó khăn hơn. Nhưng công bằng nhìn nhận thì kinh tế Việt Nam trong tương lai vẫn còn những chuyện vui để nói.
Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, ông Benedict Bingham, cho biết: “Việt Nam vẫn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu tiếp tục giữ tốc độ cải cách kinh tế. Tuy nhiên, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề rất quan trọng”.
Theo các chuyên gia, để chống lạm phát hiệu quả, Chính phủ cần kết hợp các biện pháp tài chính, tiền tệ và giá cả. “Sẽ chẳng có tác dụng gì nếu Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi Chính phủ tăng giá xăng dầu”, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi nhận xét.
IMF thì cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào việc kiểm soát lãi suất hơn là hút bớt thanh khoản vì hạn chế cung tiền có thể đẩy lãi suất tăng vọt. Chuyên gia Bingham nói: “Việt Nam nên kiểm soát lãi suất ngắn hạn và tăng lãi suất tới mức đủ để thực dương và duy trì ở mức này cho tới khi lạm phát bắt đầu hạ xuống”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để kiềm chế lạm phát, Việt Nam cũng phải chịu sự đánh đổi vì tăng trưởng trong ngắn hạn chắc chắn sẽ chậm lại.