Cựu bộ trưởng trở thành doanh nhân
Hỏi chuyện ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB)
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB) Trần Xuân Giá tiếp chúng tôi vào một buổi tối cuối tuần. Cuộc trò chuyện xoay quanh cương vị mới của vị cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khi quyết định nhận lời mời làm việc cho ACB, người thân, bạn bè nói gì với ông?
Một số người cùng trang lứa với tôi thì nói vào cái tuổi thất thập rồi, ông nên nghỉ ngơi với con cháu, viết sách, viết báo...; mỗi người nói một kiểu nhưng phần lớn là không bàn lùi. Những người can cũng có, trong đó có cả người thân, lý do là lo lắng cho sức khỏe của tôi. Về phần mình, trước khi nghỉ hưu, tôi đã quyết định dứt khoát phải làm một việc gì đấy. Tôi không thể ngừng làm việc được.
Khi tôi chuẩn bị nghỉ hưu, có hơn 10 nơi mời làm việc. Tôi đã nói rất rõ ràng với họ là tôi không thể dừng làm việc, làm việc gì cũng được, miễn là phù hợp với kinh nghiệm, kỹ năng mà mình có. Như vậy, một bên cần có người làm việc, tức là có nhu cầu và bên kia là tôi thì không câu nệ.
Đương nhiên bên mời tôi làm việc thì họ cũng đặt ra những yêu cầu, những tiêu chí cho riêng mình khi chọn người. Từ đó, nếu thích hợp thì người ta mời, không thích hợp thì người ta thôi. Đơn giản là ở đây không có gì gượng ép, hoàn toàn tự nguyện.
Nhiều bộ trưởng khác khi về hưu thường nghỉ hẳn hoạt động hoặc tham gia một hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp nào đó, ít ai làm kinh doanh. Ông có nghĩ hành động của mình hơi đặc biệt?
Thực ra, tôi không phải là bộ trưởng đầu tiên sau khi nghỉ hưu thì đi làm cho tư nhân. Trước đây, anh Hoàng Minh Thắng (Bộ trưởng Bộ Thương mại) sau khi nghỉ hưu cũng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VP Bank. Có lẽ trường hợp của tôi hơi khác một chút là hiện tôi đã hơn 70 tuổi mà vẫn còn làm chủ tịch hội đồng quản trị cho một ngân hàng.
Kinh nghiệm làm bộ trưởng có giúp ông trở thành một chủ tịch hội đồng quản trị giỏi?
Trước đây, tôi đã từng biết rõ có 3 giám đốc doanh nghiệp lên làm bộ trưởng. Tôi rút ra kinh nghiệm rằng, làm giám đốc giỏi chưa chắc đã làm bộ trưởng giỏi và ngược lại.
Trong nhiều năm làm việc với các chính sách kinh tế vĩ mô, tôi dần dần nhận thấy rằng, không có bất kỳ một hoạt động vi mô nào lại không gắn với vĩ mô. Khi được ACB mời, tôi thấy những kinh nghiệm về kinh tế vĩ mô của mình có thể giúp họ ít nhiều trong kinh doanh. Đó là điều quan trọng nhất khi tôi nhận lời ACB.
Làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB nhưng ông lại không có cổ phần, cổ phiếu nào của ACB. Điều đó có làm ông băn khoăn?
Vấn đề là thế này. Cách đây hơn 10 năm, lúc còn làm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi chỉ đạo chuẩn bị Luật Doanh nghiệp tôi đã từng tham gia thảo luận về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của thành viên hội đồng quản trị không phải là cổ đông của công ty, tức thành viên độc lập trong hội đồng quản trị.
Sau khi nghỉ hưu, tôi có tham gia làm thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của một công ty niêm yết ở nước ngoài. Luật pháp của rất nhiều nước quy định rất khắt khe về tỷ lệ cần có của các thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Qua hơn một năm làm việc ở đó, tôi thấy được vai trò của các thành viên hội đồng quản trị độc lập này là để điều hòa lợi ích của các nhóm cổ đông khác nhau, điều hòa lợi ích của công ty với toàn xã hội và ngược lại.
Ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp có quy định thành viên hội đồng quản trị không nhất thiết là cổ đông của công ty và tại các văn bản pháp quy về lĩnh vực ngân hàng cũng có quy định rõ về vấn đề này.
Tại ACB, tôi tham gia với tư cách là thành viên độc lập của Hội đồng Quản trị . Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì thành viên hội đồng quản trị độc lập có thể là chủ tịch hội đồng quản trị và người ta bầu tôi làm.
Ông có gặp khó khăn khi chuyển đổi từ tư duy quản lý nhà nước sang tư duy kinh doanh kiếm tiền?
Từ lúc tôi làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho đến khi rời Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đúng 10 năm. Theo một nghĩa nào đó, làm bộ trưởng cũng là kiếm tiền cho đất nước.
Tôi quan niệm làm bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế là phải biết đi kiếm tiền cho Nhà nước, kiếm lợi cho dân. Vì vậy, thực chất khái niệm làm lợi giữa Nhà nước và tư nhân khác nhau không nhiều. Cái khác nhau là ở chỗ: một bên là hẹp, cụ thể; một bên thì rộng hơn.
Hầu hết các chính khách khi rời chính trường đều chọn một việc yên bình hơn, nhưng ông lại chọn làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB - một môi trường chắc chắn phải đối đầu rất quyết liệt. Phải chăng ông vẫn tiếp tục thích đối đầu?
Ở bất kỳ một tổ chức nào, kể cả chính phủ, phi chính phủ, kinh tế, xã hội... thì luôn luôn xuất hiện vấn đề này, vấn đề khác. Nói to tát hơn là luôn có mâu thuẫn mà người phụ trách buộc phải có trách nhiệm xử lý.
Thành thử nói là tôi thích đối đầu thì không hẳn, bởi ai lại đi thích điều đó. Nhưng hiểu theo nghĩa nó là đương nhiên khi ngồi vào bất kỳ một cái ghế nào thì nó lại bình thường. Anh đã ngồi vào ghế thì anh phải chấp nhận. Thế thôi.
Làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB có rủi ro hơn làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư không?
Nếu hiểu theo cái nghĩa có những quyết định sai dẫn đến thiệt hại thì làm bộ trưởng rủi ro hơn nhiều. Chỉ có điều nó ít cụ thể và rủi ro không xảy ra tức khắc. Có những quyết định thì 5 năm sau mới thấy lù lù thiệt hại. Còn các quyết định liên quan đến ngân hàng thì khác, rủi ro nhìn thấy ngay lập tức.
Bây giờ có khá nhiều quan chức đương nhiệm, có năng lực nhưng xin thôi việc để ra làm tư nhân, chứ không thấy trường hợp ngược lại, ông nghĩ gì về điều đó?
Tôi nghĩ, đứng về mặt đường lối và mong muốn thì lãnh đạo của chúng ta muốn có những con người từ khu vực tư nhân, dù là ngoài Đảng, nhưng có tài, có tâm giữ các trọng trách trong hệ thống quản lý nhà nước. Thế nhưng, với cơ chế đề bạt cán bộ như bây giờ là không thể.
Tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ nhỏ. Chưa nói đến cấp thứ trưởng mà chỉ vụ trưởng thôi thì cũng phải qua trường Đảng, mà trường Đảng thì chưa có quy định mời người ngoài Đảng đến học, chưa nói đến chuyện học xong có được đề bạt không.
Suốt cả cuộc đời làm hành chính của mình, tôi vẫn luôn tin rằng Chính phủ cần phải có những con người kỹ trị. Con người thích hợp thì không phân biệt anh ở đâu tới. Mong muốn này của Đảng ta chắc là đến một lúc nào đó cũng sẽ được thực thi.
Hoàng Ly (Thanh Niên)
Khi quyết định nhận lời mời làm việc cho ACB, người thân, bạn bè nói gì với ông?
Một số người cùng trang lứa với tôi thì nói vào cái tuổi thất thập rồi, ông nên nghỉ ngơi với con cháu, viết sách, viết báo...; mỗi người nói một kiểu nhưng phần lớn là không bàn lùi. Những người can cũng có, trong đó có cả người thân, lý do là lo lắng cho sức khỏe của tôi. Về phần mình, trước khi nghỉ hưu, tôi đã quyết định dứt khoát phải làm một việc gì đấy. Tôi không thể ngừng làm việc được.
Khi tôi chuẩn bị nghỉ hưu, có hơn 10 nơi mời làm việc. Tôi đã nói rất rõ ràng với họ là tôi không thể dừng làm việc, làm việc gì cũng được, miễn là phù hợp với kinh nghiệm, kỹ năng mà mình có. Như vậy, một bên cần có người làm việc, tức là có nhu cầu và bên kia là tôi thì không câu nệ.
Đương nhiên bên mời tôi làm việc thì họ cũng đặt ra những yêu cầu, những tiêu chí cho riêng mình khi chọn người. Từ đó, nếu thích hợp thì người ta mời, không thích hợp thì người ta thôi. Đơn giản là ở đây không có gì gượng ép, hoàn toàn tự nguyện.
Nhiều bộ trưởng khác khi về hưu thường nghỉ hẳn hoạt động hoặc tham gia một hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp nào đó, ít ai làm kinh doanh. Ông có nghĩ hành động của mình hơi đặc biệt?
Thực ra, tôi không phải là bộ trưởng đầu tiên sau khi nghỉ hưu thì đi làm cho tư nhân. Trước đây, anh Hoàng Minh Thắng (Bộ trưởng Bộ Thương mại) sau khi nghỉ hưu cũng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VP Bank. Có lẽ trường hợp của tôi hơi khác một chút là hiện tôi đã hơn 70 tuổi mà vẫn còn làm chủ tịch hội đồng quản trị cho một ngân hàng.
Kinh nghiệm làm bộ trưởng có giúp ông trở thành một chủ tịch hội đồng quản trị giỏi?
Trước đây, tôi đã từng biết rõ có 3 giám đốc doanh nghiệp lên làm bộ trưởng. Tôi rút ra kinh nghiệm rằng, làm giám đốc giỏi chưa chắc đã làm bộ trưởng giỏi và ngược lại.
Trong nhiều năm làm việc với các chính sách kinh tế vĩ mô, tôi dần dần nhận thấy rằng, không có bất kỳ một hoạt động vi mô nào lại không gắn với vĩ mô. Khi được ACB mời, tôi thấy những kinh nghiệm về kinh tế vĩ mô của mình có thể giúp họ ít nhiều trong kinh doanh. Đó là điều quan trọng nhất khi tôi nhận lời ACB.
Làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB nhưng ông lại không có cổ phần, cổ phiếu nào của ACB. Điều đó có làm ông băn khoăn?
Vấn đề là thế này. Cách đây hơn 10 năm, lúc còn làm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi chỉ đạo chuẩn bị Luật Doanh nghiệp tôi đã từng tham gia thảo luận về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của thành viên hội đồng quản trị không phải là cổ đông của công ty, tức thành viên độc lập trong hội đồng quản trị.
Sau khi nghỉ hưu, tôi có tham gia làm thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của một công ty niêm yết ở nước ngoài. Luật pháp của rất nhiều nước quy định rất khắt khe về tỷ lệ cần có của các thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Qua hơn một năm làm việc ở đó, tôi thấy được vai trò của các thành viên hội đồng quản trị độc lập này là để điều hòa lợi ích của các nhóm cổ đông khác nhau, điều hòa lợi ích của công ty với toàn xã hội và ngược lại.
Ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp có quy định thành viên hội đồng quản trị không nhất thiết là cổ đông của công ty và tại các văn bản pháp quy về lĩnh vực ngân hàng cũng có quy định rõ về vấn đề này.
Tại ACB, tôi tham gia với tư cách là thành viên độc lập của Hội đồng Quản trị . Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì thành viên hội đồng quản trị độc lập có thể là chủ tịch hội đồng quản trị và người ta bầu tôi làm.
Ông có gặp khó khăn khi chuyển đổi từ tư duy quản lý nhà nước sang tư duy kinh doanh kiếm tiền?
Từ lúc tôi làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho đến khi rời Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đúng 10 năm. Theo một nghĩa nào đó, làm bộ trưởng cũng là kiếm tiền cho đất nước.
Tôi quan niệm làm bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế là phải biết đi kiếm tiền cho Nhà nước, kiếm lợi cho dân. Vì vậy, thực chất khái niệm làm lợi giữa Nhà nước và tư nhân khác nhau không nhiều. Cái khác nhau là ở chỗ: một bên là hẹp, cụ thể; một bên thì rộng hơn.
Hầu hết các chính khách khi rời chính trường đều chọn một việc yên bình hơn, nhưng ông lại chọn làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB - một môi trường chắc chắn phải đối đầu rất quyết liệt. Phải chăng ông vẫn tiếp tục thích đối đầu?
Ở bất kỳ một tổ chức nào, kể cả chính phủ, phi chính phủ, kinh tế, xã hội... thì luôn luôn xuất hiện vấn đề này, vấn đề khác. Nói to tát hơn là luôn có mâu thuẫn mà người phụ trách buộc phải có trách nhiệm xử lý.
Thành thử nói là tôi thích đối đầu thì không hẳn, bởi ai lại đi thích điều đó. Nhưng hiểu theo nghĩa nó là đương nhiên khi ngồi vào bất kỳ một cái ghế nào thì nó lại bình thường. Anh đã ngồi vào ghế thì anh phải chấp nhận. Thế thôi.
Làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB có rủi ro hơn làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư không?
Nếu hiểu theo cái nghĩa có những quyết định sai dẫn đến thiệt hại thì làm bộ trưởng rủi ro hơn nhiều. Chỉ có điều nó ít cụ thể và rủi ro không xảy ra tức khắc. Có những quyết định thì 5 năm sau mới thấy lù lù thiệt hại. Còn các quyết định liên quan đến ngân hàng thì khác, rủi ro nhìn thấy ngay lập tức.
Bây giờ có khá nhiều quan chức đương nhiệm, có năng lực nhưng xin thôi việc để ra làm tư nhân, chứ không thấy trường hợp ngược lại, ông nghĩ gì về điều đó?
Tôi nghĩ, đứng về mặt đường lối và mong muốn thì lãnh đạo của chúng ta muốn có những con người từ khu vực tư nhân, dù là ngoài Đảng, nhưng có tài, có tâm giữ các trọng trách trong hệ thống quản lý nhà nước. Thế nhưng, với cơ chế đề bạt cán bộ như bây giờ là không thể.
Tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ nhỏ. Chưa nói đến cấp thứ trưởng mà chỉ vụ trưởng thôi thì cũng phải qua trường Đảng, mà trường Đảng thì chưa có quy định mời người ngoài Đảng đến học, chưa nói đến chuyện học xong có được đề bạt không.
Suốt cả cuộc đời làm hành chính của mình, tôi vẫn luôn tin rằng Chính phủ cần phải có những con người kỹ trị. Con người thích hợp thì không phân biệt anh ở đâu tới. Mong muốn này của Đảng ta chắc là đến một lúc nào đó cũng sẽ được thực thi.
Hoàng Ly (Thanh Niên)