19:20 19/08/2024

Cựu CEO Google rút lại tuyên bố: Chính sách làm việc tại nhà khiến công ty tụt hậu

Sơn Trần

Cựu CEO Eric Schmidt tuyên bố chính sách làm việc tại nhà của Google đang khiến công ty hụt hơi trong trong cuộc đua AI. Tuy nhiên, ông đã rút lại tuyên bố của mình bởi "đã nói sai về Google"...

Ông Eric Schmidt, cựu Giám đốc Điều hành Google giai đoạn 2001-2011.
Ông Eric Schmidt, cựu Giám đốc Điều hành Google giai đoạn 2001-2011.

Mới đây, cựu CEO Google đã rút lại tuyên bố trước đây của mình rằng Google đang tụt hậu trong cuộc đua AI so với các công ty khởi nghiệp như OpenAI vì chính sách làm việc từ xa, theo Business Insider.

Ông Eric Schmidt nói trong một tiết giảng hồi tháng tư tại Đại học Stanford rằng Google đang tự đặt mình vào thế bất lợi khi thúc đẩy chính sách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

Sau đó, bản ghi âm bài giảng được đăng trên YouTube và nhanh chóng lan truyền, gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, ông Schmidt nhận xét: “Google quyết định cân bằng giữa cuộc sống – công việc bằng cách tan làm sớm, làm việc ở nhà quan trọng hơn chiến thắng. Và lý do mà các công ty khởi nghiệp làm việc hiệu quả là vì mọi người rất chăm chỉ”.

Cựu Giám đốc Google tiếp tục dự đoán những người mới thành lập công ty "sẽ không cho phép nhân viên làm việc tại nhà và chỉ đến một ngày một tuần, nếu bạn muốn cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp khác".

Ông còn khen ngợi công ty sản xuất chip TSMC vì quy định nhóm tiến sĩ mới được tuyển dụng phải làm việc trong nhà máy.

Tuy nhiên, cựu CEO Google đang cố gắng rút lại tuyên bố. Trong email gửi The Wall Street Journal, ông Schmidt thừa nhận "đã nói sai về Google và giờ làm việc của công ty. Tôi hối hận về sai lầm của mình".

Ông Eric Schmidt từng giữ chức Giám đốc Điều hành Google từ năm 2001 đến năm 2011, trước khi trao quyền cho đồng sáng lập Google Larry Page. Ông vẫn làm cố vấn kỹ thuật cho gã khổng lồ công nghệ và rút lui hoàn toàn vào đầu năm 2020.

Trong thời kỳ dịch bệnh, Google triển khai chính sách làm việc từ xa. Năm 2022, công ty sử dụng mô hình kết hợp, trong đó, nhân viên phải đi làm khoảng ba ngày mỗi tuần tại văn phòng và hai ngày làm việc tự do.

Người phát ngôn của Google chưa trả lời yêu cầu bình luận.

NHIỀU CEO CÔNG NGHỆ KHÁC CŨNG KHÔNG ỦNG HỘ LÀM VIỆC TỪ XA

Bên cạnh đó, ông Schmidt cũng nhấn mạnh một số quan điểm mà nhiều CEO công nghệ khác từng nói trước đây về chính sách làm việc từ xa. 

Giám đốc Điều hành OpenAI Sam Altman nói với Tạp chí Fortune vào năm 2023 rằng ông tin một trong những "sai lầm tồi tệ nhất" của ngành công nghệ là cho phép nhân viên làm việc "hoàn toàn từ xa".

"Tôi cho rằng thử nghiệm này cần kết thúc và ngành công nghệ vẫn chưa đủ tốt để mọi người có thể làm việc hoàn toàn từ xa, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp", ông Sam Altman bày tỏ.

Về phần mình, OpenAI vẫn thực hiện kết hợp chính sách làm việc từ xa và kết hợp. Phát ngôn viên của OpenAI khẳng định công ty yêu cầu nhân viên trực tiếp đến văn phòng ba ngày một tuần và một số nhân viên vẫn được làm việc tại nhà.

Google cũng có chính sách tương tự, yêu cầu hầu hết người lao động có mặt tại văn phòng ít nhất ba ngày một tuần, theo blog công ty. 

Giám đốc Điều hành Salesforce Marc Benioff, từng tuyên bố mình là người làm việc từ xa lâu năm, cũng cho rằng một số nhân viên cần có mặt ở văn phòng.

Ông Benioff nói: "Họ cần kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Đội ngũ kỹ sư của chúng tôi cực kỳ năng suất khi ở nhà. Nhưng cũng phải có bộ phận nhân viên bán hàng làm việc trực tiếp tại văn phòng".

Giám đốc Điều hành Meta Mark Zuckerberg dựa vào dữ liệu hiệu suất nội bộ của công ty, nói rằng "những người làm việc tại nhà thường không hiệu quả. Khi đến văn phòng, các kỹ sư hoàn thành được nhiều công việc hơn".

Năm 2023, Giám đốc Điều hành Tesla Elon Musk gọi chính sách làm việc từ xa là "sai về mặt đạo đức" trong cuộc phỏng vấn với CNBC.

Các nghiên cứu đánh giá về năng suất khi làm việc từ xa cho thấy kết quả không nhất quán. Một số nghiên cứu chỉ rõ năng suất tăng mạnh, trong khi những nghiên cứu khác lại chứng minh tác động tiêu cực. Theo phân tích của Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư đa quốc gia tại Hoa kỳ, sự khác biệt có thể nằm ở cách đo lường năng suất.

Cùng với đó, một bài báo phân tích đã xem xét 20 triệu nghiên cứu khoa học và 4 triệu đơn xin cấp bằng sáng chế, tiết lộ rằng làm việc trực tiếp có lợi hơn cho sự thúc đẩy sáng tạo, đổi mới.

"Tôi sẽ không nói rằng tất cả các công ty nên quay trở lại làm việc hoàn toàn tại văn phòng", ông Carl Benedikt Frey, nhà kinh tế tại Đại học Oxford, đồng tác giả của bài phân tích cho hay. "Nhưng nếu đứng ở góc độ phát triển công nghệ đột phá, có lẽ bạn nên có mặt tại văn phòng càng nhiều càng tốt".