10:33 05/03/2010

Cựu chủ tịch PepsiCo khu vực Đông Dương: Sống để yêu thương

Hỏi chuyện ông Phạm Phú Ngọc Trai, cựu Chủ tịch PepsiCo Đông Dương, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC)

Ông Phạm Phú Ngọc Trai.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai.
Người đảo ngược thế cờ cuộc chiến “đỏ và xanh” (Coca-Cola và Pepsi) tại thị trường Việt Nam, đưa Pepsi “qua mặt” Coca-Cola, liên tục tạo nên những kỳ tích bằng “cách nghĩ toàn cầu, văn hoá Việt Nam”, chính là anh.

Việc Phạm Phú Ngọc Trai rời PepsiCo, trở thành nhà tư vấn chiến lược cho các công ty Việt Nam ở đoạn cuối của cuộc đời là một lựa chọn đầy thách thức.

Là CEO đầu tiên và lâu dài của tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh ngay sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, 18 năm vượt qua bao giông gió thời mở cửa, đưa đội ngũ hội nhập sâu vào môi trường kinh doanh toàn cầu, anh không chỉ mang về cho PepsiCo những con số ấn tượng, mà sau đó là chuỗi giá trị chuẩn mực trong hành xử của một doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững.

Từng trải qua những ngày cầm chai nước ngọt đi chào hàng để gầy dựng Tribeco, từng có cổ phần lớn trong một số công ty tên tuổi, nhiều bạn bè thắc mắc sao anh không theo đuổi nghiệp làm giàu như các đại gia, mà lại chọn con đường trở thành nhà quản trị, dù sao cũng chỉ là một… giám đốc làm thuê?

Nhiều khi tôi cũng tự hỏi mình như thế, bởi không ít cơ hội để tôi làm giàu, kiếm tiền nhiều hơn. Nhưng tôi không tiếc, có ai muốn kinh doanh chỉ để trở thành trọc phú đâu. Thước đo lợi nhuận tuỳ thuộc vào suy nghĩ, lý tưởng của mỗi người.

Ngay từ thời còn trẻ, đang làm bia hơi Hải Âu rất phát đạt, qua Đức, thấy nhà máy của họ hiện đại quá, tôi mơ ước đem về Việt Nam, và gầy dựng Tribeco. Khi đất nước còn cấm vận, bằng mối quan hệ của mình, tôi đã cùng vài người bạn trực tiếp đàm phán không nhờ tư vấn với Coca-Cola trước, để rồi lại chọn Pepsi đưa vào Việt Nam qua liên doanh tay ba SP.CO (Việt Nam, Macondary Company Inc (Singapore) và PepsiCo).

Ở tuổi 30, đảm nhận vị trí chủ chốt một doanh nghiệp lớn của Mỹ là tham vọng, thách thức về khả năng. Bản tính tôi là người rất hiếu kỳ, nên lúc nào cũng muốn học, cộng thêm tính tự ái dân tộc, nên muốn làm việc trong môi trường đa quốc gia, để chứng tỏ khả năng của người Việt Nam.

Quản trị một số vốn vài tỉ khác biệt nhiều lắm so với vài ngàn tỉ. PepsiCo là môi trường rất tốt để tôi được tiếp xúc với cái mới, hội nhập được với những xu hướng marketing hiện đại từ sớm nhất để xây dựng thương hiệu. Suy nghĩ quốc tế nhưng hành động rất địa phương, thấm nhuần văn hoá Việt Nam, biết gắn bó với cộng đồng, có như vậy mới tạo được sự khác biệt, bền vững.

Con người chiến lược trong tôi được hình thành từ tính cách, tri thức, kinh nghiệm, cộng thêm bản tính của một người rất ham hoạt động xã hội… khiến tôi lúc nào cũng muốn dấn thân.

Trong kinh doanh, có bao giờ anh phải tranh cãi quyết liệt để bảo vệ chủ kiến của mình?

Tôi còn nhớ một lần, khi xu hướng khuyến mại trúng thưởng bằng xe máy, xe hơi đang nở rộ, thì miền Trung, miền Nam bị lũ lụt nặng nề. Tôi đã tranh cãi dữ dội để gác bỏ hết các chương trình khuyến mại khác, tập trung PR cho chiến dịch “Uống một lon Pepsi là dành 50 đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt”.

Rất nhiều người lúc đó nghi ngờ, phản đối quyết liệt, nhưng tôi có niềm tin. Cái được lớn nhất là khách hàng biết Pepsi luôn sống với hơi thở của đồng bào mình, gắn bó với quê hương mình. Chữ “đồng bào” của người Việt mình lớn lắm, tinh thần lá lành đùm lá rách lớn lắm. Đây cũng là một khái niệm hết sức mới mẻ trong marketing.

Tôi rất vui là sau khi PepsiCo phát động, phong trào đã trở thành phản ứng dây chuyền, một số công ty khác cũng làm theo. Giá trị vật chất nhỏ thôi nhưng ý nghĩa rất lớn, doanh nghiệp bắt đầu có ý thức cộng đồng mạnh hơn. Một công ty thành công phải là một công dân xã hội tích cực.

Sau 18 năm làm việc tại PepsiCo, anh đã học được điều gì từ những người lãnh đạo tập đoàn, để chinh phục họ, và tạo lập niềm tin?

Đó là tầm nhìn của một công ty đa quốc gia, tính thực tế và những nguyên tắc trong quy trình quản trị để có những quyết định vượt lên chính mình, có thể làm những điều tốt đẹp cho chính tập đoàn, bảo đảm sự phát triển bền vững, sòng phẳng, không bị lay động bởi những yếu tố chủ quan.

Ngoài khả năng quản lý, lòng tự trọng của một người Việt Nam mới là cái để người ta quý trọng, anh em đến với mình. Chính lòng tự trọng khiến mình phải học hỏi nhiều hơn, vượt qua thách thức nhiều hơn, để chứng tỏ sự vượt trội trong quản trị. Ngoài việc học hỏi người ta, mình phải có cách đi, cách làm của mình, không để họ coi thường về văn hoá, từ đó mới tạo được giá trị cho công ty.

Trải qua nhiều bước ngoặt, nhiều cuộc chia tay, cuộc chia tay với PepsiCo có khiến anh hụt hẫng không? Là người theo đuổi dài lâu công việc trồng người, vì sao anh không tìm được người Việt Nam kế nhiệm xứng đáng?

Tôi là người luôn nghĩ tới phía trước, ít nuối tiếc, nên không cảm thấy hụt hẫng. Đây là cuộc ra đi mà tôi đã chủ động chuẩn bị chuyển giao từ năm năm nay. Dĩ nhiên buồn man mác, vì không có người Việt kế nhiệm ở PepsiCo. Từ mười năm nay tôi đã có ý định, kế hoạch thực hiện ở mức độ nào đó rồi. Lớp trẻ về khả năng lãnh đạo thì có, nhưng thiếu sự xông pha, dám hy sinh, thoát khỏi những tham vọng thông thường để có tham vọng lớn, và có lẽ do mình không đủ khả năng xây dựng, kiến thiết, lèo lái… Rất đáng tiếc.

Ở tuổi này, sao anh không yên ổn với những công việc kinh doanh của gia đình như làm resort, kinh doanh bất động sản, mà lại tiếp tục dấn thân với GIBC?

Khởi đầu một sự nghiệp mới lúc này, nhiều người cho là tôi… điên! Ước vọng từ lâu của tôi là muốn chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc với PepsiCo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quản trị doanh nghiệp với quy mô ngày càng lớn đi kèm với những yêu cầu bức thiết về đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ, đổi mới công nghệ, gia tăng nguồn nhân lực. Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể từng bước chuyển mình? Mô hình, cấu trúc nào sẽ góp phần quyết định thắng lợi dài lâu?

Tái định hình, tái cấu trúc, tái tổ chức là những đòi hỏi bức thiết. Với sứ mệnh cùng doanh nghiệp kiến tạo sự phát triển và trường tồn, GIBC mong mỏi sát cánh cùng doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng sự nghiệp kinh doanh to lớn hơn, góp phần định hình rõ nét vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh thương thế giới.

Đằng sau những thành công của anh, cũng không ít mất mát, thất bại. Thất bại nào đối với anh là lớn nhất? Anh suy nghĩ gì sau tất cả những mất mát ấy, để cân bằng lại chính mình?

Thất bại thì nhiều, nhưng nghĩ cho cùng tôi không thấy tiếc những gì đã làm. Lao vào kinh doanh khi còn đầu xanh tuổi trẻ, bây giờ nhìn lại, mới thấy mình đi quá nhanh, đôi lúc rất mệt mỏi, chạnh lòng, nhưng chưa bao giờ gục xuống. Tôi chỉ bị “đánh bại” bởi những gì liên quan đến tình cảm, chứ chưa bao giờ ray rứt vì những lao lực trong kinh doanh.

Để cân bằng chính mình, tôi tìm đến những tình yêu đích thực, trở về nhà, tìm tới những người bạn thân, hay qua thăm mẹ. Xung quanh mình có nhiều điều tốt, nhiều người tốt lắm… Là người đàn ông quá đam mê công việc, nên tôi có ít thời gian để vun xới, chăm lo cho những người thân yêu, cho gia đình, bè bạn.

Tôi thấy mình có lỗi nhiều, nhưng hy vọng có được sự thấu hiểu của người thân về sự dấn thân của mình, về những giá trị mà mình đã mang lại cho cuộc sống. Bạn bè, con cái ngưỡng mộ mình không phải vì mình là chủ tịch PepsiCo, mà sẵn sàng tha thứ cho mình vì những giá trị mà mình đã chia sẻ. Tôi tin thế.

Trong mối quan hệ giữa con người với con người, anh coi trọng điều gì nhất? Có bao giờ anh gặp phải sự phản bội, đổ vỡ niềm tin?

Trong kinh doanh và cả cuộc sống, tôi coi trọng nhất là sự trung thực. Có thể lầm lỗi, thất bại, nhưng nếu sự trung thực hiện hữu thì mình sẵn sàng tha thứ, động viên, tạo cơ hội. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có nhiều điều không như mong đợi của mình, có lúc hụt hẫng, thất vọng, nhưng tôi không vì thế mà mất niềm tin. Quan điểm sống của tôi là sống để yêu thương, nhưng nếu yêu thương không đến thì mình ứng xử theo kiểu Trịnh Công Sơn: Tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Khi mình sống có niềm tin, sẽ thấy yêu cuộc sống hơn, dễ tha thứ và bao dung hơn với người khác.

Là người sống vì bạn, theo anh gìn giữ được tình bạn tri âm tri kỷ có khó không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết tặng anh bài hát "Sóng về đâu", tình bạn này đã mang lại cho anh điều gì?

Tôi may mắn có nhiều bạn, nhất là bạn bè trong giới nghệ sĩ. Bạn bè là nơi tôi chia sẻ mọi vui buồn, hạnh phúc, giúp tôi vơi đi những đau khổ. Để có được tình bạn tri âm, mình phải gìn giữ và nuôi dưỡng bằng sự chân thành, bằng mối thâm tình. Điều đó không khó, cũng không dễ, tuỳ theo tấm chân tình của mình đối với bạn thôi. Sự chân tình đem đến tình bạn bền vững. Tôi luôn áy náy mỗi khi không gọi điện thoại lại cho một người bạn, không hẹn hò được một buổi cơm tối với con. Bạn bè là nguồn động viên, khích lệ, giúp tôi có trách nhiệm hơn với những điều mà mình theo đuổi.

Người chia sẻ với tôi nhiều nhất trong kinh doanh chính là anh Sơn, mặc dù anh không biết gì về kinh doanh, nhưng triết lý kinh doanh của tôi ảnh hưởng rất nhiều từ triết lý trong âm nhạc của anh Sơn. Anh từng viết biển sóng, biển sóng đừng xô nhau, nơi nào đó có sự giàu có thì nơi khác sẽ có người bị mất đi… Triết lý của anh rất thực tế, đó là luật bù trừ mà. Trong hành xử kinh doanh, nếu không có tâm thì làm sao có thể hạnh phúc. Cuộc đời đầy bất trắc, nhưng mình đừng có hững hờ với cuộc đời, anh Sơn đã nói như thế.

Nhìn rộng ra ngoài xã hội, điều gì làm anh ray rứt nhất khi nghĩ về nhân tình thế thái? Về tình người?

Điều khiến tôi ray rứt nhất không phải là mất tiền, mất sức khoẻ, mà chính là phải chứng kiến những giá trị đạo lý đang bị đảo ngược do mối quan hệ xã hội và cuộc mưu sinh. Ngày càng nhiều những đối xử không công bằng, sự phản bội, khiến cho mối quan hệ con người mất đi sự trong sáng.

Tôi thường nói với các bạn trẻ rằng đôi lúc cần thực tế để sống, nhưng đừng nên quá thực dụng để trở thành nô lệ của đồng tiền, để bị rẻ rúng, khiến cho mình mất đi sự cân bằng. Với bạn bè, đến một ngày nào đó mà người ta đến với nhau, giúp nhau như một sự mua bán, thì đó quả thật là một bi kịch.

Anh muốn để lại điều gì cho những đứa con? Truyền thống hiếu học của dòng họ Phạm Phú đã được gìn giữ như thế nào trong gia đình anh?

Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ để lại cho con vật chất hay sự nghiệp, cũng không có khái niệm phân chia gia tài. Tôi muốn con sống có lý tưởng, biết chia sẻ với mọi người những giá trị sống mà người cha đã đeo đuổi, học hỏi cách đối nhân xử thế, học hỏi về tình yêu con người, để con có thể sống hạnh phúc. Tôi có thể cho con tất cả, nhưng hạnh phúc thì phải tự con tìm kiếm thôi.

Năm nào cũng vậy, gia đình tôi cùng anh em nghệ sĩ và tập thể PepsiCo luôn trở về Quảng Nam để trao tận tay các bé mồ côi cơ nhỡ những món quà nhỏ, dõi theo từng bước đi của các em trên con đường học vấn. Quảng Nam là vùng đất nghèo nhất miền Trung, chịu đựng nhiều nhất những mất mát trong chiến tranh, nhưng con người có ý chí mạnh lắm, sản sinh nhiều nhà trí thức cho đất nước, sống với nhau đùm bọc, nghĩa tình.

Tôi muốn các con tôi thấm vào máu những truyền thống đó của quê hương, dòng họ, để biết nhớ về nguồn cội, biết chăm sóc, sống vì mọi người nhiều hơn.

Bà Indra Nooyi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo toàn cầu:

“Thực sự từ đáy lòng, tôi luôn mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh Trai. Trong suốt khoảng thời gian làm việc cùng PepsiCo, anh đã gầy dựng được một công ty phát triển đáng kinh ngạc tại Việt Nam, với doanh thu và biên độ lợi nhuận đáng để tự hào. Anh đã để lại những di sản kế thừa lớn lao cho thế hệ trẻ PepsiCo sau này”.

Ông Manu Anand, Tổng giám đốc PepsiCo Đông Nam Á:

“Là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp và một người bạn, ông Trai luôn mang đến cái nhìn độc đáo qua những hiểu biết sâu sắc về công việc kinh doanh của PepsiCo tại thị trường địa phương cũng như từ kho kinh nghiệm to lớn của ông. Tôi thường xuyên phải trông cậy vào những lời khuyên và sự tư vấn của ông, cũng như những nhà lãnh đạo khác của PepsiCo, trong quá khứ và hiện tại. Những đóng góp của ông vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, không chỉ ở Lào, Campuchia, mà còn Brunei, Singapore và các quần đảo thuộc Thái Bình Dương…”.

Kim Yến (SGTT)