08:42 22/05/2008

“Cứu chứng khoán phải có thuốc đặc trị”

Từ Nguyên

Nếu Chính phủ chỉ bỏ tiền ra mua cổ phiếu thì chắc chắn việc “cứu” thị trường chứng khoán sẽ khó mà đạt được mục tiêu

"Nếu nền kinh tế của chúng ta phục hồi tốt hơn, nền tảng kinh tế được kiểm soát tốt hơn, lạm phát giảm đi thì thị trường chứng khoán không có lý do gì mà không đi lên."
"Nếu nền kinh tế của chúng ta phục hồi tốt hơn, nền tảng kinh tế được kiểm soát tốt hơn, lạm phát giảm đi thì thị trường chứng khoán không có lý do gì mà không đi lên."
Nếu Chính phủ chỉ bỏ tiền ra mua cổ phiếu thì chắc chắn việc “cứu” thị trường chứng khoán sẽ khó mà đạt được mục tiêu.

Đó là quan điểm của ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo quan điểm của ông, vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam lại rơi vào tình trạng sụt giảm liên tục đến như vậy?

Trước hết phải thấy rằng, nền kinh tế của chúng ta cũng như thế giới đang phải đối mặt với những biến động lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian qua, và cả sắp tới, là làm sao để có thể kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Và đương nhiên, một khi Chính phủ đã phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có cả biện pháp hành chính để điều hành nền kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Và tất nhiên, sự ảnh hưởng này cũng đã được Chính phủ tính đến.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán sụt giảm là do những tác động từ lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Điều này cũng có thể đúng một phần nào đấy.

Về mặt lý thuyết, việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi lên cao sẽ thu hút các nhà đầu tư đang bỏ vốn vào chứng khoán quay sang gửi tiền vào ngân hàng, do đó cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Hiện thị trường chứng khoán của chúng ta đang ở trong giai đoạn chịu nhiều tác động từ các lĩnh vực kinh tế khác như tín dụng, bất động sản, kinh doanh vàng... Do đó, để hạn chế sự suy giảm của thị trường chứng khoán khi lãi suất tiền gửi tăng cao, chúng ta có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ khác như hỗ trợ về thuế, cải cách thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp bớt khó khăn...

Nhưng có ý kiến cho rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã quá “lạm dụng” các biện pháp hành chính để can thiệp sâu vào thị trường chứng khoán và rốt cục nó đã phản tác dụng, thưa ông?

Một nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào và bất luận hoàn cảnh nào cũng đều cần có sự quản lý của chính phủ. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính phủ tiếp cận thị trường như thế nào để thay vì sử dụng những biện pháp hành chính thì chính phủ có thể dùng các biện pháp kinh tế để tác động vào nền kinh tế, vào thị trường tài chính, tiền tệ.

Do đó, cũng không thể nói là cứ để cho thị trường chứng khoán phát triển tự do, thoải mái mới mong hồi phục. Muốn hay không vẫn phải có sự tham gia quản lý, giám sát và hỗ trợ kịp thời của chính phủ khi có những biến động bất thường. Theo tôi, vào những tình huống và thời điểm nhất định, việc Chính phủ sử dụng những biện pháp hành chính như vậy cũng có phần hợp lý.

Sở dĩ như vậy là bởi, nền kinh tế của chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi nên chúng ta chưa thể có được một nền kinh tế thị trường hoàn hảo. Do đó, tất cả mọi biện pháp hành chính của Chính phủ cũng chỉ là mong cho nền kinh tế được tốt hơn, ổn định hơn.

Hơn nữa, một khi chúng ta chưa có được nền kinh tế thị trường hoàn hảo thì bắt buộc Chính phủ phải có một số công cụ, biện pháp hành chính để can thiệp, xử lý nhằm bình ổn thị trường tài chính, tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Còn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, do chúng ta chưa có được một quy mô và sự phát triển cao nên việc kinh doanh, đầu tư chứng khoán vẫn đang mang tâm lý "bầy đàn", phong trào. Do đó, để giảm bớt việc các nhà đầu tư bị thua thiệt nhiều khi thị trường sụt giảm, thì việc Chính phủ đưa ra những biện pháp hành chính là cần thiết. Bởi nếu thị trường biến động quá lớn sẽ gây ra tác động không tốt.

Nhưng theo tôi thì đây vẫn chưa phải là những biện pháp gốc, mà chỉ là những giải pháp tình thế. Nhưng một khi những giải pháp này không đạt được mục tiêu như mong muốn thì bắt buộc chung ta phải xe lại những chính sách ổn định và phát triển nền kinh tế.

Quan điểm của tôi là, với tình hình thị trường như hiện nay thì không thể chỉ dùng những “thang thuốc chữa bệnh lâm sàng” thông thường mà phải có những “thang thuốc” đặc trị để chữa căn bệnh từ gốc, tức là phải ổn định và phát triển nền kinh tế, chứ không phải bằng cách nhà nước bỏ tiền ra mua cổ phiếu để "cứu" giá.

Theo ông, với đà suy giảm liên tục như hiện nay, viễn cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới sẽ là gì?

Nếu nền kinh tế của chúng ta phục hồi tốt hơn, nền tảng kinh tế được kiểm soát tốt hơn, lạm phát giảm đi thì thị trường chứng khoán không có lý do gì mà không đi lên.

Song, hiện nay cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán đang tụt giảm không phanh, do đó chúng ta nên “hy sinh” thị trường chứng khoán để tập trung “cứu” lạm phát. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là chúng ta không thể “hy sinh” thị trường chứng khoán mà sẽ tìm mọi cách để vực lại thị trường.

Nhưng, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ bản lĩnh và kiên nhẫn để chờ cho đến khi thị trường phục hồi...

Chúng ta phải thấy rằng, cả nhà đầu tư lẫn nhà quản lý đều mong thị trường hoạt động ổn định và phát triển. Tuy nhiên, thị trường có ổn định hay không lại phụ thuộc vào nền tảng nhất định của nền kinh tế.

Chúng ta phải nhìn nhận tất cả giá cả trên thị trường đều phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu. Riêng đối với thị trường chứng khoán thì cung - cầu này vừa là trước mắt, vừa là tương lai và cả sự kỳ vọng. Tất cả những yếu tố này vẫn phải phụ thuộc vào một yếu tố cơ bản là nền tảng phát triển của nền kinh tế. Nếu chúng ta hồi phục được nền kinh tế thì thị trường chứng khoán sẽ hồi phục và phát triển.