Đã đến lúc cần định danh nghề lobby
Ở Việt Nam, các hoạt động vận động hành lang do không được kiểm soát nên trong nhiều hoàn cảnh đã bị biến dạng
Cuộc hội thảo hai ngày với chủ đề “Vận động hành lang - thực tiễn và pháp luật” đã diễn ra rất sôi nổi mới đây tại Sầm Sơn - Thanh Hóa.
Thực tiễn hoạt động vận động hành lang (lobby) trên thế giới và ở Việt Nam đã được đưa ra “mổ xẻ” nhằm tiến tới có thể định danh và luật hóa được các hoạt động này. Hội thảo do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức.
Lobby ở Việt Nam đã có từ lâu
Ông Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), kể lại câu chuyện khá thú vị về vận động hành lang của đơn vị này liên quan đến dự án thủy điện Sơn La.
Dự án này khi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi đã nhận được nhiều ý kiến phản biện khác nhau, đặc biệt là từ các nhà khoa học hàng đầu trong nước. Trong đó mối lo ngại lớn nhất của các nhà khoa học là sự an toàn so với quy mô dự án, và tác động của dự án đến môi trường và đời sống dân cư.
Trong khi các nhà khoa học thông qua Vusta còn đang tổ chức nghiên cứu kỹ về dự án với hàng chồng tài liệu kỹ thuật thì Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trình dự án này cho Chính phủ. Trước áp lực về nhu cầu sử dụng điện tăng cao và xét về hiệu quả kinh tế của dự án, EVN đã đề xuất Chính phủ thông qua dự án khả thi với phương án Sơn La cao (có cao trình đập nước cao nhất trong ba phương án: cao, trung bình và thấp).
Nhóm các nhà khoa học ngay sau đó đã bày tỏ mối quan ngại về quyết định này nhưng do dự án đã được Hội đồng Chính phủ thông qua nên không còn cách nào khác là phải nhanh chóng tổ chức vận động hành lang vào nghị trường Quốc hội với mong muốn: Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn về phương án lựa chọn để xây dựng nhà máy trong đó yếu tố an toàn kỹ thuật và những tác động đến môi trường và xã hội phải được thẩm định kỹ.
Các hoạt động lobby như tổ chức gặp trực tiếp các đại biểu Quốc hội, các tài liệu phản biện được gửi đến các địa chỉ cần thiết... được nhóm các nhà khoa học của Vusta nhanh chóng tiến hành. Một thông điệp khá hình tượng với nhiều dụng ý được nhóm các nhà khoa học đưa ra: “Nếu dự án này thất bại, toàn bộ nền văn minh sông Hồng sẽ trôi ra biển sau 24 giờ...”.
Trong phiên họp toàn thể của Quốc hội lần đó đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi và cuối cùng Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án theo phương án Sơn La trung bình.
Như vậy là việc vận động hành lang của các nhà khoa học đã có kết quả, đã hài hòa được phần nào lợi ích của các bên có liên quan mà ở đây trực tiếp là giữa EVN với các nhà khoa học; nhưng bao quát hơn là lợi ích kinh tế được hài hòa với các lợi ích xã hội khác. Việc xây dựng nhà máy điện là cần nhưng phải lựa chọn cách làm nào không tạo ra quá nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về hoạt động lobby đã và đang diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Gần đây nhất là quá trình vận động hành lang rất đa dạng trên nhiều phương diện để Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam.
Phải luật hóa để chống tiêu cực
Vận động hành lang là một nhu cầu có thật và trong nhiều hoàn cảnh là tất yếu. Tuy nhiên do đây là hoạt động không chính thức, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau bao gồm cả những hành vi tặng quà có giá trị lớn, mời tiệc chiêu đãi, mời đi nghỉ mát, dự hội nghị... nên nguy cơ lũng đoạn sẽ cao, đặc biệt là từ các nhóm lợi ích có thế mạnh tài chính.
Khi đó, lobby trở thành môi trường cho tham nhũng, hối lộ, nguy cơ bè phái, bóp méo dân chủ và khiến các nhóm yếu thế, nhất là người nghèo, mất đi cơ hội và tiếng nói của mình trong xã hội.
Ông Đặng Văn Chiến, Phó trưởng ban Công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết ở Mỹ, châu Âu và Canada, nơi được xem là có các hoạt động lobby chuyên nghiệp và sôi động nhất, các tổ chức và cá nhân hành nghề lobby đều phải đăng ký hoạt động. Đa số là đại diện cho quyền lợi của giới kinh doanh, với ngân khoản được chi rất lớn để được hưởng lợi về chính sách.
Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp lobby được ví như con quái vật tìm cách luồn lách vào các phòng ban, hành lang quốc hội để lũng đoạn. Nhiều vụ tai tiếng liên quan đến các nghị sĩ ở một số nước có nguyên nhân từ các hoạt động lobby đã từng được phanh phui.
Chính vì những tác động tiêu cực như vậy, nhiều nước đã ban hành các quy định và luật có liên quan để kiểm soát các hoạt động lobby. Như Quốc hội Mỹ đã ban hành ít nhất bốn luật để điều chỉnh nhưng có vẻ vẫn chưa đủ để kiểm soát; Nghị viện châu Âu thì ban hành quy tắc 10 điểm liên quan đến lobby ở nghị viện, nhưng đồng thời cũng có thêm các quy định về việc các nghị sĩ không được nhận quà biếu và làm bản công bố chi tiết các hoạt động nghề nghiệp.
Ở Việt Nam, các hoạt động vận động hành lang do không được kiểm soát nên trong nhiều hoàn cảnh đã bị biến dạng và trở thành nguyên nhân chính của các hành vi tham nhũng và tiêu cực. Do vậy trong sự nhìn nhận của xã hội cho đến giờ, vận động hành lang được ví như các hành vi “chạy chọt”, “đi đêm”, “chân gỗ”.
Đặc biệt nguy hiểm hơn là trong điều kiện đất nước đang cải cách mạnh mẽ thể chế, mở cửa và hội nhập với thế giới thì vận động hành lang nếu không được kiểm soát sẽ càng có nguy cơ góp phần làm biến dạng xã hội. Vì vậy, cần sớm có các định chế để một mặt kiểm soát các hoạt động này, mặt khác phát huy được mặt tích cực của hoạt động này.
Ông Andre C. Côté, Ủy viên Hội đồng Vận động hành lang của Québec (Canada) giới thiệu kinh nghiệm của nước này: người vận động hành lang phải công khai về cá nhân và thân chủ, công khai tổ chức công mà anh ta sẽ tiến hành vận động và phải mô tả vấn đề sẽ vận động. Đồng thời nhà vận động hành lang còn phải công khai các hoạt động gián tiếp cho việc vận động như quảng cáo, vận động công luận... Một cơ quan về vận động hành lang được thành lập để giám sát kiểm tra các hoạt động này và các nhà vận động hành lang phải đăng ký hoạt động với cơ quan này.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng đã đến lúc phải hình thành và định danh loại hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh, với xu thế các hiệp hội kinh tế ngày càng có vai trò quan trọng thì khả năng tiến hành các hoạt động vận động hành lang của các tổ chức này ngày càng gia tăng, tiếng nói của các tổ chức này sẽ ngày càng có trọng lượng trong nhiều vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế xã hội. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết đưa các hoạt động vận động hành lang vào khuôn khổ pháp luật.
* Vận động hành lang (lobby) được lấy theo tên địa điểm mà hoạt động này diễn ra đầu tiên trong lịch sử, đó là hành lang của Nghị viện Anh, nơi mà trong thời gian nghỉ giải lao, các nghị sĩ thường trao đổi với đồng nghiệp hoặc bất kỳ người nào bên cạnh để bổ sung thông tin về vấn đề đang được thảo luận hoặc quyết định tại nghị viện.
Thực tiễn hoạt động vận động hành lang (lobby) trên thế giới và ở Việt Nam đã được đưa ra “mổ xẻ” nhằm tiến tới có thể định danh và luật hóa được các hoạt động này. Hội thảo do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức.
Lobby ở Việt Nam đã có từ lâu
Ông Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), kể lại câu chuyện khá thú vị về vận động hành lang của đơn vị này liên quan đến dự án thủy điện Sơn La.
Dự án này khi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi đã nhận được nhiều ý kiến phản biện khác nhau, đặc biệt là từ các nhà khoa học hàng đầu trong nước. Trong đó mối lo ngại lớn nhất của các nhà khoa học là sự an toàn so với quy mô dự án, và tác động của dự án đến môi trường và đời sống dân cư.
Trong khi các nhà khoa học thông qua Vusta còn đang tổ chức nghiên cứu kỹ về dự án với hàng chồng tài liệu kỹ thuật thì Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trình dự án này cho Chính phủ. Trước áp lực về nhu cầu sử dụng điện tăng cao và xét về hiệu quả kinh tế của dự án, EVN đã đề xuất Chính phủ thông qua dự án khả thi với phương án Sơn La cao (có cao trình đập nước cao nhất trong ba phương án: cao, trung bình và thấp).
Nhóm các nhà khoa học ngay sau đó đã bày tỏ mối quan ngại về quyết định này nhưng do dự án đã được Hội đồng Chính phủ thông qua nên không còn cách nào khác là phải nhanh chóng tổ chức vận động hành lang vào nghị trường Quốc hội với mong muốn: Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn về phương án lựa chọn để xây dựng nhà máy trong đó yếu tố an toàn kỹ thuật và những tác động đến môi trường và xã hội phải được thẩm định kỹ.
Các hoạt động lobby như tổ chức gặp trực tiếp các đại biểu Quốc hội, các tài liệu phản biện được gửi đến các địa chỉ cần thiết... được nhóm các nhà khoa học của Vusta nhanh chóng tiến hành. Một thông điệp khá hình tượng với nhiều dụng ý được nhóm các nhà khoa học đưa ra: “Nếu dự án này thất bại, toàn bộ nền văn minh sông Hồng sẽ trôi ra biển sau 24 giờ...”.
Trong phiên họp toàn thể của Quốc hội lần đó đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi và cuối cùng Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án theo phương án Sơn La trung bình.
Như vậy là việc vận động hành lang của các nhà khoa học đã có kết quả, đã hài hòa được phần nào lợi ích của các bên có liên quan mà ở đây trực tiếp là giữa EVN với các nhà khoa học; nhưng bao quát hơn là lợi ích kinh tế được hài hòa với các lợi ích xã hội khác. Việc xây dựng nhà máy điện là cần nhưng phải lựa chọn cách làm nào không tạo ra quá nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về hoạt động lobby đã và đang diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Gần đây nhất là quá trình vận động hành lang rất đa dạng trên nhiều phương diện để Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam.
Phải luật hóa để chống tiêu cực
Vận động hành lang là một nhu cầu có thật và trong nhiều hoàn cảnh là tất yếu. Tuy nhiên do đây là hoạt động không chính thức, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau bao gồm cả những hành vi tặng quà có giá trị lớn, mời tiệc chiêu đãi, mời đi nghỉ mát, dự hội nghị... nên nguy cơ lũng đoạn sẽ cao, đặc biệt là từ các nhóm lợi ích có thế mạnh tài chính.
Khi đó, lobby trở thành môi trường cho tham nhũng, hối lộ, nguy cơ bè phái, bóp méo dân chủ và khiến các nhóm yếu thế, nhất là người nghèo, mất đi cơ hội và tiếng nói của mình trong xã hội.
Ông Đặng Văn Chiến, Phó trưởng ban Công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết ở Mỹ, châu Âu và Canada, nơi được xem là có các hoạt động lobby chuyên nghiệp và sôi động nhất, các tổ chức và cá nhân hành nghề lobby đều phải đăng ký hoạt động. Đa số là đại diện cho quyền lợi của giới kinh doanh, với ngân khoản được chi rất lớn để được hưởng lợi về chính sách.
Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp lobby được ví như con quái vật tìm cách luồn lách vào các phòng ban, hành lang quốc hội để lũng đoạn. Nhiều vụ tai tiếng liên quan đến các nghị sĩ ở một số nước có nguyên nhân từ các hoạt động lobby đã từng được phanh phui.
Chính vì những tác động tiêu cực như vậy, nhiều nước đã ban hành các quy định và luật có liên quan để kiểm soát các hoạt động lobby. Như Quốc hội Mỹ đã ban hành ít nhất bốn luật để điều chỉnh nhưng có vẻ vẫn chưa đủ để kiểm soát; Nghị viện châu Âu thì ban hành quy tắc 10 điểm liên quan đến lobby ở nghị viện, nhưng đồng thời cũng có thêm các quy định về việc các nghị sĩ không được nhận quà biếu và làm bản công bố chi tiết các hoạt động nghề nghiệp.
Ở Việt Nam, các hoạt động vận động hành lang do không được kiểm soát nên trong nhiều hoàn cảnh đã bị biến dạng và trở thành nguyên nhân chính của các hành vi tham nhũng và tiêu cực. Do vậy trong sự nhìn nhận của xã hội cho đến giờ, vận động hành lang được ví như các hành vi “chạy chọt”, “đi đêm”, “chân gỗ”.
Đặc biệt nguy hiểm hơn là trong điều kiện đất nước đang cải cách mạnh mẽ thể chế, mở cửa và hội nhập với thế giới thì vận động hành lang nếu không được kiểm soát sẽ càng có nguy cơ góp phần làm biến dạng xã hội. Vì vậy, cần sớm có các định chế để một mặt kiểm soát các hoạt động này, mặt khác phát huy được mặt tích cực của hoạt động này.
Ông Andre C. Côté, Ủy viên Hội đồng Vận động hành lang của Québec (Canada) giới thiệu kinh nghiệm của nước này: người vận động hành lang phải công khai về cá nhân và thân chủ, công khai tổ chức công mà anh ta sẽ tiến hành vận động và phải mô tả vấn đề sẽ vận động. Đồng thời nhà vận động hành lang còn phải công khai các hoạt động gián tiếp cho việc vận động như quảng cáo, vận động công luận... Một cơ quan về vận động hành lang được thành lập để giám sát kiểm tra các hoạt động này và các nhà vận động hành lang phải đăng ký hoạt động với cơ quan này.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng đã đến lúc phải hình thành và định danh loại hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh, với xu thế các hiệp hội kinh tế ngày càng có vai trò quan trọng thì khả năng tiến hành các hoạt động vận động hành lang của các tổ chức này ngày càng gia tăng, tiếng nói của các tổ chức này sẽ ngày càng có trọng lượng trong nhiều vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế xã hội. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết đưa các hoạt động vận động hành lang vào khuôn khổ pháp luật.
* Vận động hành lang (lobby) được lấy theo tên địa điểm mà hoạt động này diễn ra đầu tiên trong lịch sử, đó là hành lang của Nghị viện Anh, nơi mà trong thời gian nghỉ giải lao, các nghị sĩ thường trao đổi với đồng nghiệp hoặc bất kỳ người nào bên cạnh để bổ sung thông tin về vấn đề đang được thảo luận hoặc quyết định tại nghị viện.