10:01 10/04/2007

Da giày Việt Nam hợp tác với Ôn Châu

Hồng Thoan

Sản phẩm và nguyên phụ liệu da giày của tỉnh Ôn Châu (Trung Quốc) đang được bán ra 80 thị trường nước ngoài

Ôn Châu từng được bầu chọn là "Thành phố giả da tại Trung Quốc".
Ôn Châu từng được bầu chọn là "Thành phố giả da tại Trung Quốc".
Hội đàm “Gặp gỡ, giao lưu giữa các doanh nghiệp da giày Việt Nam – Trung Quốc” vừa được tổ chức ngày 6/4 tại Hà Nội với sự tham gia của 100 doanh nghiệp da giày hàng đầu của hai nước.

Cuộc hội đàm này do Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) và Hiệp hội Da thuộc và nguyên phụ liệu tỉnh Ôn Châu (Trung Quốc) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt - Trung tổ chức.

Đây là cơ hội thúc đẩy giao thương, giúp cho các doanh nghiệp da giày của các tỉnh phía Bắc Việt Nam với các doanh nghiệp của tỉnh Ôn Châu cùng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới dựa trên việc phát huy những thế mạnh sẵn có của cả hai bên.

Tìm được nguồn nguyên liệu cho sản xuất

Bà Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho biết, Việt Nam và Trung Quốc hiện đang là những nhà sản xuất, cung ứng các sản phẩm da giày lớn nhất thế giới với 60% sản lượng da giày của toàn cầu. Riêng các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm 50% thị phần toàn cầu (tương đương với khoảng 6 tỷ USD/ năm, tổng giá trị nhu cầu của thế giới vào khoảng 12 tỷ USD/ năm) và các nhà sản xuất của Việt Nam chiếm khoảng 10%.

Các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp của tỉnh Ôn Châu rất có thế mạnh trong lĩnh vực da thuộc, da giả, máy móc thiết bị. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhân cơ hội này tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tìm kiếm đối tác cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh lợi thế giá nhân công rẻ, giá thành sản phẩm cạnh tranh thì điểm yếu nổi bt của các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu khả năng cung ứng vật tư nguyên liệu từ nguồn trong nước.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành da giày đã biết đến tỉnh Ôn Châu như một địa chỉ của ngành công nghiệp giả da lớn nhất Trung Quốc và châu Á, thậm chí lớn nhất thế giới. Toàn tỉnh hiện có tới 600 – 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, trong đó có khoảng gần 200 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội Da thuộc và nguyên phụ liệu tỉnh Ôn Châu.

Ông Trịnh Quốc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Da thuộc và nguyên phụ liệu tỉnh Ôn Châu khẳng định, các doanh nghiệp giả da, nguyên phụ liệu của Ôn Châu có thể cung ứng toàn bộ nhu cầu về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho tất cả các doanh nghiệp da giày Việt Nam.

Từ năm 2002, tỉnh Ôn Châu đã được bầu chọn là “Thành phố giả da tại Trung Quốc”, khi dựa trên ưu thế phát triển sản xuất của toàn vùng đã hình thành được nền sản xuất da nhân tạo và nguyên phụ liệu hoàn chỉnh với các sản phẩm da nhân tạo nhiều chủng loại, chất lượng cao và ổn định.

Hiện nay, sản phẩm và nguyên phụ liệu da giày của tỉnh Ôn Châu đang được bán ra 80 thị trường nước ngoài, trong đó có các thị trường như Mỹ, Nga, EU, ASEAN, Italia và phục vụ cả thị trường nội địa. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày, nguyên phụ liệu của tỉnh đạt 17 triệu USD, tăng 47,5% so với năm 2005.

Theo ông Xuân, Việt Nam chính là thị trường tiềm năng lớn của các doanh nghiệp Ôn Châu, nhất là trong việc cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng chính là cầu nối cho các doanh nghiệp da giày tỉnh Ôn Châu với các nước ASEAN.

Tăng cường hợp tác, giao lưu là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay để thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành da giày của 2 bên cùng phát triển trong tương lai không xa. Bởi trên thực tế, LEFASO đã thiết lập được mối quan hệ vững chắc với Hiệp hội Thuộc da toàn Trung Quốc, Hiệp hội Da giày Quảng Châu... nhưng đối với các doanh nghiệp của tỉnh Ôn Châu vẫn còn rất hạn chế.

Cũng vì vậy, LEFASO cho biết, từ trước tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu sản xuất giày từ Trung Quốc như da thuộc thành phẩm, giả da, đế giày, phụ liệu, form, hoá chất, máy móc thiết bị và các công cụ nhỏ... qua đường phi mậu dịch hoặc qua một đối tác thứ 3 (Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông...) chứ chưa có cơ hội nhập khẩu trực tiếp từ các doanh nghiệp cung ứng của tỉnh Ôn Châu.

Tiến tới liên doanh các dự án công nghệ, sản xuất

Vì vậy, đại diện cho khối doanh nghiệp 2 bên, LEFASO và Hiệp hội da thuộc và nguyên phụ liệu tỉnh Ôn Châu đã xúc tiến ký kết bản ghi nhớ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 bên tăng cường xúc tiến thương mại, hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trao đổi buôn bán nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tổ chức các đoàn doanh nghiệp giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Tại đây, một số dự án mà LEFASO đặc biệt quan tâm cũng được giới thiệu với các đối tác của tỉnh Ôn Châu, chẳng hạn như dự án cung ứng nguyên phụ liệu ngành da giày (có thể là xúc tiến thành lập mới, hoàn thiện các khu giao dịch máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu ngành da giày); dự án đầu tư sản xuất các loại nguyên phụ liệu giày tại Việt Nam để các doanh nghiệp có được thị trường cung ứng nguyên phụ liệu ngay trong nước.

Bên cạnh đó, còn có dự án xây dựng Trung tâm đào tạo, phát triển sản phẩm và dịch vụ ngành da giày tại phía Nam để nghiên cứu nguyên phụ liệu, kiểm tra chất lượng sản phẩm; dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm giày da thời trang cao cấp, các sản phẩm từ da; dự án nâng cao chất lượng da thuộc và giảm thiểu ô nhiễm trong lĩnh vực thuộc da...

Đại diện một doanh nghiệp tỉnh Ôn Châu cho biết, đối với những dự án này, hình thức hợp tác đầu tư hiệu quả có thể là đầu tư 100% hoặc liên doanh với các doanh nghiệp trong nước, hoặc liên doanh với những doanh nghiệp Trung Quốc đã có cơ sở tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện này cũng cho biết họ cần nghiên cứu kỹ môi trường đầu tư và các chính sách ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc trước khi đưa ra quyết định đầu tư.