10:39 25/06/2007

Đà Nẵng: 50% lao động qua đào tạo vào 2010

Dũng Hiếu

Đề án xã hội hóa hoạt động dạy nghề đến năm 2010 sẽ được Đà Nẵng triển khai với mục tiêu thu hút 105.000 học viên học nghề

“Sàn giao dịch việc làm” đã trở thành “thương hiệu riêng” của người tìm việc và người tuyển dụng tại Đà Nẵng.
“Sàn giao dịch việc làm” đã trở thành “thương hiệu riêng” của người tìm việc và người tuyển dụng tại Đà Nẵng.
Đề án xã hội hóa hoạt động dạy nghề đến năm 2010 sẽ được Đà Nẵng triển khai với mục tiêu thu hút 105.000 học viên học nghề.

Trong đó, trung cấp và cao đẳng nghề đạt 30-35%, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 25,7% lên 37-38%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung từ 37% lên 50%.

Có một nghịch lý đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, đó là những nghề mà thị trường đang cần như: xây dựng, hóa, phiên dịch tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc thì số lượng đào tạo còn hạn chế, trong khi đó một số nghề đã bão hòa như: tin học, quản trị doanh nghiệp... thì lại thu hút số lượng người học. Vì vậy, tư vấn dự báo nghề trong tương lai cũng như làm thế nào để có được đội ngũ lao động chất lượng đáp ứng cho nhu cầu xã hội đang là những câu hỏi dành cho các nhà quản lý nơi đây.

Dạy nghề còn yếu và thiếu

Hiện có 50 cơ sở dạy nghề, trong đó có 38 cơ sở của địa phương và 12 cơ sở của trung ương. Xã hội hoá hoạt động dạy nghề đã thúc đẩy sự phát triển các cơ sở dạy nghề cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trước khi có Nghị quyết số 90/CP, thành phố Đà Nẵng chỉ có 1 cơ sở dạy nghề ngoài công lập thì đến nay đã có 19 cơ sở, chiếm 40,43% tổng số cơ sở dạy nghề.

Hoặc như trước năm 2000, chưa có doanh nghiệp nào ở Đà Nẵng tham gia đào tạo nghề thì nay đã có 10 doanh nghiệp mở cơ sở dạy nghề. Sự phát triển nhanh chóng các cơ sở dạy nghề đã đưa quy mô đào tạo nghề của thành phố từ 17.000 học viên năm 2002 lên 32.000 học viên năm 2006. Tuy nhiên, dù tăng về số lượng, nhưng quy mô đào tạo cả cơ sở dạy nghề ngoài công lập không lớn, vật chất còn nghèo nàn, chủ yếu tận dụng thiết bị máy móc cũ kỹ, lạc hậu.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề ở thành phố Đà Nẵng đang yếu và thiếu, có đến 80% giáo viên giảng dạy trong các trường nghề chưa qua đào tạo kỹ năng sư phạm mà chỉ là các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật... tham gia giảng dạy theo kiểu “nghề tay trái”.

Chưa kể do nhận thức của nhiều người chưa đầy đủ, xem xã hội hoá dạy nghề chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Các cơ sở dạy nghề công lập còn nặng thói quen bao cấp, chủ yếu dựa vào phân bổ chỉ tiêu đào tạo mà chưa thật sự năng động để thu hút người học nghề. Theo ông Minh Hùng, Trưởng phòng đào tạo nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến lao động thành phố vừa yếu lại vừa thiếu.

Doanh nghiệp phải biết giữ chân lao động

Tăng cường cho sự nghiệp phát triển dạy nghề, ưu tiên hỗ trợ đào tạo ngành nghề trọng điểm, kỹ thuật cao, nghề đào tạo huy động nguồn lực từ xã hội, đây là quyết tâm của thành phố đặt ra từ nay đến năm 2010. Cùng đó, Đà Nẵng cũng sẽ phấn đấu hoàn thành việc chuyển các cơ sở dạy nghề công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Đặc biệt sẽ chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên nghề cốt cán, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các trường dạy nghề.

Nhằm kết nối các nhà tuyển dụng, sàn giao dịch việc làm đã được hình thành; trang website đã được tạo dựng để người tuyển dụng và người lao động đều được tiếp cận, liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường lao động... Qua 1 năm triển khai (từ tháng 5/2006), “sàn giao dịch” việc làm đã tạo được tiếng vang lớn không chỉ tại Đà Nẵng mà trên cả nước. Trong 1 năm, sàn giao dịch việc làm thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu hơn 12.700 lao động cho các doanh nghiệp, và hơn 7.000 lao động (trong đó 2.000 người có trình độ đại học - cao đẳng) đã có việc làm.

Điều đáng nói là mô hình “sàn giao dịch” này miễn phí cho các lao động đến tìm việc tại đây, khiến cho hiệu ứng từ mô hình có sức lan tỏa lớn. Với cách làm hết sức khoa học, hiện đại, “sàn giao dịch” việc làm đã kết nối được người sử dụng lao động và người lao động. “Sàn giao dịch việc làm” đã trở thành “thương hiệu riêng” của người tìm việc và người tuyển dụng tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Trung, nếu như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc về các cấp quản lý thì việc giữ chân được nhân tài lại thuộc về các doanh nghiệp. Muốn thu hút được lao động vấn đề quyết định là môi trường làm việc và thu nhập phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên có nhiều chính sách ưu đãi cho lao động có trình độ.