Đảm bảo chất lượng giáo dục đòi hỏi sự đầu tư đúng và đủ
Đầu năm 2019, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng NHG thành lập Ban và Hội đồng đảm bảo chất lượng giáo dục chuyên trách việc đảm bảo chất lượng trên toàn hệ thống K-12
Đầu năm 2019, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng NHG thành lập Ban và Hội đồng đảm bảo chất lượng giáo dục chuyên trách việc đảm bảo chất lượng trên toàn hệ thống K-12.
TS. Trần Xuân Thảo, Phó tổng giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển giáo dục NHG, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục, từng là Giám đốc chương trình Fulbright Việt Nam, đã có những chia sẻ về cách NHG kiểm soát, kiểm định, cam kết và thực thi những tiêu chuẩn khắt khe trong quy trình vận hành hệ thống.
Từ kinh nghiệm quốc tế của thầy, ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển, quy trình đảm bảo chất lượng giáo dục công lập/tư thục diễn ra như thế nào?
Công tác đảo bảo chất lượng giáo dục của các trường thường xây dựng dựa trên các yêu cầu của các đơn vị quản lý nhà nước như Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức điểm định chất lượng, khuyến cáo của các tổ chức nước ngoài tài trợ (như UNESCO hay Ngân hàng Thế giới) và mục tiêu của các trường.
Mục tiêu chung của xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục là cải tiến chất lượng đào tạo, cải tiến các dịch vụ hỗ trợ sinh viên, các hoạt động hỗ trợ phát triển các kỹ năng của sinh viên và các đơn vị quản lý của nhà trường.
Đối với hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục về quá trình dạy và học, các trường thường phải định nghĩa thế nào là chất lượng (phải được đồng thuận bởi lãnh đạo và giảng viên trong trường) rồi xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng.
Một số công cụ các trường thường sử dụng là bản đánh giá môn học, đánh giá chương trình, đánh giá thời lượng chương trình, giám sát giáo viên (bao gồm cả trong và ngoài lớp học). Tùy vào từng trường hợp mà các trường chọn các công cụ phù hợp.
Nguyên tắc đảm bảo chất lượng giáo dục là phải đồng thời sử dụng nhiều công cụ để có kết quả chính xác và khách quan hơn, ưu tiên sử dụng công cụ đánh giá trực tiếp kết quả học tập của sinh viên hơn là các công cụ gián tiếp như bản tham khảo ý kiến của học sinh (về khoá học).
Hiện nay, các nước tiên tiến định nghĩa chất lượng đào tạo là kiến thức và kỹ năng sinh viên học được tại trường và các báo cáo đảm bảo chất lượng giáo dục đều cho thấy những giá trị đó. Các trường có khuynh hướng cung cấp các thông tin này trên trang web để sinh viên và phụ huynh tham khảo. Thông tin này cũng thường được sử dụng vào các hoạt động tuyển sinh.
Trong quá trình thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục tại hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng, Ban và Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục NHG có những thuận lợi nào, thưa thầy?
Thứ nhất, sự quan tâm của lãnh đạo NHG về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục là một thuận lợi lớn của hệ thống NHG. Ở một hệ thống dù đã phát động chủ trương đảm bảo chất lượng, nhưng nếu hoạt động này không được lãnh đạo quan tâm đúng mức, thì không tránh khỏi tình trạng đầu voi đuôi chuột hoặc không bền vững, có tính đối phó. Với trọng tâm của phát triển là chất lượng, NHG đã thành lập một Ban đảm bảo chất lượng giáo dục chuyên trách cho hoạt động dảm bảo chất lượng giáo dục trên toàn hệ thống K12.
Thứ hai, một số trường thuộc hệ thống NHG hoạt động theo mô hình trường quốc tế và áp dụng các quy chế và quy định quốc tế về chất lượng cũng là một lợi thế. Theo cam kết, các trường phải đảm bảo những quy định về chất lượng quốc tế này để được phép hoạt động dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế. Những mô hình này cũng được mô phỏng để áp dụng chung cho toàn hệ thống.
Lợi thế thứ ba là tính hiệu quả của đầu tư. Hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục đòi hỏi sự đầu tư đúng và đủ về nguồn lực, cơ sở vật chất, con người cũng như tài chính. Ý thức được tầm quan trọng của đầu tư trong hoạt động đảm bảo chất lượng, lãnh đạo NHG ngay từ đầu đã chỉ đạo rất quyết liệt về tính hiệu quả trong đầu tư, để vừa loại bỏ những hoạt động kém chất lượng kém hiệu quả, vừa khuyến khích phát triển và nhân rộng những cách làm hay hiệu quả cao.
Trong 5 năm tới, Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục sẽ đạt được những mục tiêu nào?
Chu kỳ kiểm định chất lượng trung bình khoảng 5 năm. Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục đã có mục tiêu cho 5 năm tới (2019-2024) và cũng là mục tiêu của Ban đảm bảo chất lượng giáo dục NHG.
Trong đó có việc xây dựng cấu trúc đảm bảo chất lượng, bao gồm cấu trúc nhân sự và hệ thống văn bản bao gồm kế hoạch, quy định, quy chế hoạt động. Tiếp đó là báo cáo hiện trạng về đảm bảo chất lượng giáo dục trên toàn hệ thống: khảo sát, nắm bắt tình hình, thực trạng công tác đảo bảo chất lượng tại các trường trong tập đoàn và đề xuất giải pháp cải tiến.
Một nhiệm vụ quan trọng là tổ chức hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng giáo dục bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống; xây dựng bản thảo Bộ Quy Chuẩn đảm bảo chất lượng giáo dục NHG; tổ chức tập huấn và tham dự tập huấn và kiểm định chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó là tiến hành kiểm định trên toàn hệ thống theo các yêu cầu chung của các cơ quan quản lý nhà nước và các quy định riêng của NHG, bao gồm xếp hạng (nội bộ) trên tiêu chí đã công bố.