10:38 02/04/2009

Dân số Việt Nam qua các thời kỳ

Dương Ngọc

Xin cung cấp một số thông tin về dân số Việt Nam trong thời gian qua để bạn đọc tham chiếu các chỉ tiêu liên quan đến dân số

Theo ước tính sơ bộ, năm 2008, Việt Nam có 1.772 học sinh phổ thông trên 1 vạn dân.
Theo ước tính sơ bộ, năm 2008, Việt Nam có 1.772 học sinh phổ thông trên 1 vạn dân.
Nhân cuộc tổng điều tra dân số theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về dân số Việt Nam trong thời gian qua để bạn đọc tham chiếu các chỉ tiêu liên quan đến dân số.

Dân số trung bình của Việt Nam năm 2008 đã tăng 70.576 nghìn người so với năm 1921 hay cao gấp trên 5,5 lần, bình quân 1 năm tăng 811,2 nghìn người, tương đương mức tăng 1,98%/năm.

Trong đó:

- Thời kỳ 1921 - 1943 tăng 319,5 nghìn người/năm, tương đương mức tăng 1,71%/năm;

- Thời kỳ 1943 - 1951 tăng 56,1 nghìn người/năm hay tăng 0,25%/năm, với nguyên nhân chủ yếu do hơn 2 triệu người bị chết đói năm 1945 và số người bị chết trong chiến tranh.

- Thời kỳ 1951 - 1957 tăng 753 nghìn người/năm hay tăng 3,03%/năm;

- Thời kỳ 1957 - 1976 tăng 1.135,8 nghìn người/năm hay tăng 3,08%/năm;

- Thời kỳ 1976 - 1985 tăng 1.190,2 nghìn người/năm hay tăng 2,21%/năm;

- Thời kỳ 1985 - 2008 tăng 1.142,9 nghìn người/năm hay tăng 1,60%/năm;
riêng thời kỳ 2000 - 2008 tăng 1.065,6 nghìn người/năm, tương đương mức tăng 1,31%/năm.

Như vậy, mặc dù tốc độ tăng dân số đã giảm xuống trong những năm gần đây, nhưng về quy mô tuyệt đối hàng năm vẫn còn tăng trên dưới 1 triệu người, bằng với quy mô dân số trung bình của một tỉnh.

Với quy mô gần 86,2 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 12 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Nhật Bản, Mexico, Philippines.

Mật độ dân số của Việt Nam đạt 260 người/km2, cao gấp trên 5 lần và đứng thứ 41 trong 208 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; cao gấp hơn 2 lần và đứng thứ 8/11 nước ở Đông Nam Á, cao gấp đôi và đứng thứ 16/50 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á.

Việt Nam có tỷ lệ tăng tự nhiên hiện ở mức 1,2%, cao thứ 8 ở Đông Nam Á, cao thứ 32 ở châu Á và đứng thứ 114 trên thế giới. Đó là kết quả tích cực của công tác kế hoạch hóa dân số từ khá sớm.

Tuổi thọ bình quân đạt 72 tuổi (nam 70 tuổi, nữ 73 tuổi), đứng thứ 4 ở Đông Nam Á, đứng thứ 20 ở châu Á và đứng thứ 83 trên thế giới.

Dân số Việt Nam qua các thời kỳ - Ảnh 1

Tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam nếu năm 1930 là 7,4%, đến năm 1951 là 10,0%, từ năm 1976 đã vượt qua mốc 20% và đến năm 2008 mới đạt 27,9%, đứng thứ 8 và thấp hơn tỷ lệ 39% ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 41 và thấp hơn tỷ lệ 41% ở châu Á và đứng thứ 177 và thấp hơn tỷ lệ 49% trên thế giới.

Tỷ lệ nữ trong dân số tuy vẫn cao hơn tỷ lệ nam nhưng đã giảm dần, từ 52% so với 48% (năm 1976) xuống còn 50,9% so với 49,1% (năm 2008) và chủ yếu ở lứa tuổi cao, còn ở lứa tuổi trẻ (nhất là từ 20 trở xuống) tỷ lệ nữ ít hơn tỷ lệ nam, tín hiệu mất cân bằng giới tính giống như hiện nay ở Trung Quốc.

Có rất nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội có liên quan đến dân số. Trong nhiều chỉ tiêu đó, có một số chỉ tiêu rất quan trọng.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người còn thấp và giảm mạnh, hiện chỉ còn chưa được 0,11 ha; nếu tính riêng diện tích đất trồng lúa thì còn thấp hơn nhiều (chỉ còn 0,048 ha).

Điều đó cảnh báo hai điều, một là cần khai hoang cải tạo 340,3 nghìn ha đất bằng chưa sử dụng, hai là bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực.

Dân số đông, lại tăng lớn, nên nguồn lao động vốn đã dồi dào, tạo áp lực cho việc giải quyết công ăn việc làm hàng năm; trong điều kiện quy mô kinh tế còn thấp thì năng suất lao động thấp (bình quân 1 năm lao động chỉ đạt khoảng 1.959 USD, trong đó của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản chỉ có 821 USD, riêng nông nghiệp còn thấp hơn nữa).

Lợi thế giá lao động rẻ đang giảm dần, mặt khác xét về thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán lại thấp, dễ phát sinh đình công, cũng như bị kiện bán phá giá,...

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng khá (từ 289 USD năm 1995 lên 402 USD năm 2000, lên 639 USD năm 2005, lên 1.024 USD năm 2008), nhưng còn thấp so với mức bình quân của các nước khi bình quân của thế giới khoảng trên 7.500 USD, của châu Á khoảng gần 3.000 USD, của Đông Nam Á khoảng gần 2000 USD.

Thứ bậc về chỉ tiêu này của Việt Nam là thứ 7/11 nước ở Đông Nam Á, thứ 39/48 nước và vùng lãnh thổ ở châu á, thứ 146/185 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh trên thế giới.

Chỉ số GDP bình quân đầu người - tính theo tỷ giá sức mua tương đương - đạt thấp nhất trong 3 chỉ số của chỉ số phát triển con người (HDI) và thứ bậc về chỉ tiêu này cũng thấp nhất so với thứ bậc về tuổi thọ và học vấn.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của dân số nên 10 năm nước ta, tổng điều tra dân số một lần và người dân cần hưởng ứng và cung cấp kịp thời, đầy đủ, trung thực các thông tin theo yêu cầu.