19:36 27/05/2007

Đằng sau cuộc chiến bản quyền của Microsoft

Vấn đề vi phạm bản quyền các sản phẩm phần mềm của Microsoft chỉ là phần nổi của tảng băng

Steve Ballmer, Tổng giám đốc Microsoft.
Steve Ballmer, Tổng giám đốc Microsoft.
Có gì trùng khớp giữa các chuyến đi châu Á của tổng giám đốc điều hành và giám đốc chiến lược Microsoft vào tháng 5/2007, với sự bành trướng dữ dội của các phần mềm mở?

Vấn đề vi phạm bản quyền các sản phẩm phần mềm của Microsoft chỉ là phần nổi của tảng băng, đằng sau đó là một cuộc chiến máu lửa hơn mà địch thủ dường như hiện diện khắp thế giới...

Vấn đề nhức đầu nhất của Microsoft hiện nay là phần mềm mở, trong đó Linux đang bị cáo buộc vi phạm đến 235 bản quyền của Microsoft. Đây là một thách thức rất lớn vì phần mềm mở tiếp tục là xu hướng, đặc biệt tại châu Á.

Hơn một nửa 500 công ty lớn nhất của Mỹ đều sử dụng Linux. Computerworld (22/5/2007) cho biết hãng Dell chuẩn bị tung ra ba dòng máy tính Linux vào tháng 5/2007; trong khi mẫu điện thoại di động mới nhất của Motorola, RAZR2 - dự kiến tung ra thị trường châu Á vào tháng 7/2007 - cũng dùng hệ điều hành Linux.

Và hơn mười công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới trong đó có Oracle, IBM và NEC dự kiến thành lập một tập đoàn sản xuất máy chủ dùng Linux tại thị trường Nhật (hiện 78% máy chủ tại Nhật dùng Microsoft Windows so với 14% dùng Linux).

Microsoft mất ăn mất ngủ cũng dễ hiểu. Năm 2005, IBM, Sony, Philips, Novell, Red Hat (một nhà phân phối Linux) và NEC đã thành lập Open Invention Network (OIN) chủ yếu để “đấu đa” bản quyền với những công ty sừng sỏ như Microsoft.

Và nếu Microsoft kiện Red Hat, OIN cũng sẵn sàng khiến Microsoft vác chiếu hầu tòa. Eben Moglen (cố vấn pháp lý của Microsoft, giáo sư Đại học luật Columbia) nhận xét rằng viễn cảnh một “thảm kịch Waterloo” đối với Microsoft là điều có thể hình dung.

Linux không là một công ty như Microsoft mà chỉ là sản phẩm phần mềm, và tiếp tục trở thành hiện tượng xã hội vì có thể được triển khai thành hàng ngàn phiên bản địa phương mà không đòi hỏi bất kỳ chi phí mua nào.

Trong số công ty công nghiệp vi tính lớn ủng hộ sử dụng Linux, có thể kể đến Intel, IBM, Hewlett-Packard, Dell... Đó là chưa kể các công ty không liên quan công nghiệp vi tính. Pixar Animations Studios - hãng phim hàng đầu thế giới về hoạt hình ba chiều - đã sử dụng Linux thay vì Windows.

Hãng xe hơi Daimler Chrysler cũng dùng Linux cho các thiết bị cảnh báo tai nạn giao thông, và thậm chí Tommy Hilfiger cũng dùng Linux để thiết kế mẫu thời trang (chưa kể thiết bị chơi game Sony PlayStation hoặc đầu ghi chương trình truyền hình TiVo TV...).

Không ai tin Linux có thể phát triển như hiện nay, kể cả Linus Torvalds, cậu thanh niên Phần Lan tạo ra Linux vào năm 1991. Linux trở thành hiện tượng không chỉ vì tính chất miễn phí mà còn từ sự ủng hộ của các công ty lớn.

Intel chẳng hạn, do quan tâm đến sự phát triển của họ trong thị trường máy chủ, đã qui tụ giới “giang hồ” lừng lẫy Wall Street vào năm 2001, bàn về tính hiệu quả của việc sử dụng Linux. “Hãy dùng Linux!”, Intel thuyết phục các đại công ty công nghiệp và tài chính (trong đó có Tập đoàn Reuters).

Cuối 1999, IBM quyết định đầu tư vào Linux và đến 2002 đã chi 1 tỉ USD để soạn lại phần mềm, sử dụng nguồn mở Linux. Giữa năm 2002, IBM bắt đầu bán máy chủ sử dụng Linux. Cung cấp máy chủ loại này cho 3.200 bưu cục ở Trung Quốc là một trong những thương vụ mới nhất của IBM.

Năm 2001, số máy chủ dùng Linux của Hãng Dell, đại gia hàng đầu Mỹ về phần cứng máy tính, chỉ chiếm khoảng 8%, nhưng một năm sau con số trên là 12%. 12% khách hàng mua máy chủ Compaq Proliant yêu cầu cài Linux. Phân xưởng Phantom Works của Boeing cũng dùng Linux. Dreamworks dùng Linux dựng phim hoạt hình ba chiều Shrek. Tập đoàn tài chính khổng lồ Merrill Lynch dự tính thay phần mềm Solaris (của Hãng Sun Microsystems Inc) bằng Linux.

Hãng điện tử Nhật Panasonic thông báo sẽ dùng Linux thay vì Windows Media Centre (Microsoft) cho dòng sản phẩm giải trí mới (tích hợp công nghệ truyền hình, video, stereo và Internet). Từ tháng 9/2003, dây chuyền rạp hát Regal Cinemas (sở hữu 520 rạp tại 36 bang ở Mỹ) đã dùng Linux cho các máy bán vé tự động...

Thật ra trong một thế giới nối mạng, khái niệm mở là yếu tố cơ bản của đời sống mạng. Dù khổng lồ nhưng một khi đấu đá với cộng đồng phần mềm mở thế giới, trông như Microsoft lấy trứng chọi đá. Intelligent Enterprise cho rằng có khả năng người tiêu dùng thế giới sẽ quay lưng lại với Microsoft, vì cáo buộc việc sử dụng mã nguồn mở để tạo ra những phần mềm tương tự của Microsoft là hành vi chôm chỉa là cách nói không thuyết phục của Microsoft.

Ở thời điểm trước mắt, Microsoft không thể làm gì khác hơn là thuyết phục thế giới sử dụng phần mềm Microsoft hợp pháp, đồng thời tiếp tục “lột trần” huyền thoại Linux. Trong chuyến đi Đông Nam Á trung tuần tháng 5/2007, giám đốc chiến lược Microsoft Bill Hilf tuyên bố sẽ cung cấp những dữ liệu thuyết phục để bác bỏ xu hướng dùng mã nguồn mở. “Khuynh hướng phần mềm miễn phí đã chết rồi. Linux không tồn tại cho đến hết năm 2007. Thậm chí Linus Torvalds bây giờ cũng đang vác đơn xin việc!”...

Chẳng biết viễn cảnh công nghiệp phần mềm thế giới, với một bên là khuynh hướng “phần mềm đóng” (nơi yếu tố lợi nhuận là hàng đầu) và bên kia là trào lưu “phần mềm mở” (tăng cường tính dân chủ của thế giới mạng) sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn rằng còn lâu xu hướng phần mềm mở mới chết. Trình duyệt Firefox miễn phí của Hãng Mozilla là một ví dụ. Từ phiên bản 1.0 ngày 9/11/2004, đến tháng 2/2007, Firefox đã được truy xuất và cài đặt hơn 300 triệu lượt! Tạp chí Forbes chọn Firefox là trình duyệt tốt nhất năm 2004; PC World chọn Firefox là “sản phẩm của năm” năm 2005...

Có lẽ rồi Microsoft cũng sẽ nhượng bộ Linux theo cách như họ đã dàn xếp với Mozilla Firefox để tránh “đổ máu” vô ích. Tháng 8/2006, Microsoft chủ động đề nghị giúp Mozilla tích hợp Firefox vào phiên bản hệ điều hành mới nhất Windows Vista. Đôi khi thủ hòa cũng có thể gọi là một cách “chiến thắng” vậy!