15:09 25/05/2022

Đằng sau những tính toán của Broadcom khi thâu tóm VMware

Hồng Hạnh

Broadcom đang đàm phán để mua lại công ty điện toán đám mây VMware, công ty có giá trị khoảng 40 tỷ USD, nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực phát triển trong tương lai…

Broadcom đang đàm phán mua lại Vmware trong một thương vụ khổng lồ.
Broadcom đang đàm phán mua lại Vmware trong một thương vụ khổng lồ.

Gã khổng lồ trong ngành công nghiệp chip bán dẫn của Mỹ, Broadcom đang đàm phán để mua lại công ty điện toán đám mây VMware, theo một số nguồn thạo tin. 

Theo đó, cuộc đàm phán giữa hai "gã khổng lồ" vẫn đang diễn ra. Broadcom và VMware đều không có phản hồi lập tức đối với các yêu cầu bình luận. Những chi tiết cụ thể về các điều khoản trong thỏa thuận vẫn chưa được tiết lộ rõ ràng.

Broadcom có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 220 tỷ USD. Việc mua lại VMware sẽ giúp đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động kinh doanh của Broadcom, từ lĩnh vực chất bán dẫn cho đến phần mềm doanh nghiệp. 

Đây cũng không phải lần đầu tiên, Broadcom thực hiện các vụ mua lại quy mô lớn như vậy. Trong 4 năm qua, hãng này đã thực hiện một số vụ mua lại lớn, chẳng hạn như mua lại công ty phần mềm CA Technologies của Mỹ với giá 18.9 tỷ USD và mua lại mảng an ninh mạng doanh nghiệp của Symantec với giá 10,7 tỷ USD.

VMware được thành lập vào năm 1998 và được EMC mua lại vào năm 2004. Ba năm sau, EMC bán một phần cổ phần của mình trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của VMware. Dell cũng tham gia vào VMware khi mua lại EMC vào năm 2016, nhưng sau đó đã chia  tách VMware vào năm 2021.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv, Michael Dell - người sáng lập Dell, là nhà đầu tư lớn nhất của VMware với 40% cổ phần. Silver Lake - một công ty cổ phần tư nhân trước đây đã đầu tư vào Broadcom, là cổ đông lớn thứ hai của VMware với 10% cổ phần.

VMware là công ty tiên phong trong việc tạo ra phần mềm ảo hóa, cho phép khách hàng hợp nhất các ứng dụng và khối lượng công việc vào một số lượng máy chủ nhỏ hơn, sau đó sử dụng mỗi máy chủ để xử lý nhiều chương trình. 

Nhưng khi ngày càng có nhiều tác vụ được chuyển sang "đám mây", việc VMware tiếp tục phát triển ngày càng khó khăn, buộc doanh nghiệp phải khai thác thêm nhiều nghiệp vụ mới để đáp ứng nhu cầu người dùng. Cuối cùng, công ty đã hình thành quan hệ đối tác chặt chẽ với Amazon.com.