Đằng sau thương vụ Hanel mua lại khách sạn Daewoo
Thương vụ mua lại 70% cổ phần khách sạn Daewoo của công ty Hanel xứng đáng được gọi là “thương vụ của năm”
Việc mua lại 70% cổ phần khách sạn Daewoo của công ty Hanel xứng đáng được gọi là “thương vụ của năm” trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) ở Việt Nam. Vượt khỏi khuôn khổ của một vụ mua bán thuần túy, sự kiện này đem đến rất nhiều cảm xúc khác nhau. VnEconomy nhìn lại toàn cảnh thương vụ này.
Những điều ít biết
Vốn dĩ các lãnh đạo tập đoàn Daewoo không lựa chọn lô đất mà khách sạn Daewoo đang hiện hữu bây giờ. Năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháp tùng các lãnh đạo Hàn Quốc đến Việt Nam lúc đó, lãnh đạo Daewoo đã nhắm tới việc xây khách sạn cao cấp tại một lô đất ngay khu trung tâm Ba Đình, Hà Nội.
Đề xuất này tất nhiên đã không được đồng ý và Daewoo được giới thiệu lô đất hiện nay, khi đó vốn vẫn còn là… ao rau muống. Những người yêu Hà Nội hẳn còn nhớ, phố Láng Trung nơi giờ đây là tuyến phố Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, thời ấy chỉ là một con phố nhỏ hẹp và phần nào đó rất “quê mùa”!
Daewoo được gợi ý là nên liên doanh với một đối tác trong nước, và Hanel là một lựa chọn. Nhưng, cũng như rất nhiều “bên Việt Nam” trong nhiều liên doanh khác được thành lập trong thời gian này, Hanel thì không có tiền. Không có tiền, nên Hà Nội phải giao đất cho Hanel để “lấy đó làm tiền” đem đi đối ứng với Daewoo trong liên doanh theo tỷ lệ 30/70.
Khách sạn Daewoo, chính xác hơn là tổ hợp Daeha Business Center, trong đó có khách sạn Daewoo, được xây lên trong sự hồ hởi của nhiều phía. Kim Woo Chung, nhà lãnh đạo tập đoàn Daewoo, tác giả cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” đang là best-seller lúc đó, từng qua Việt Nam nhiều lần. Đầy hào hiệp và cả thực dụng, tuyến đường Đào Tấn ngày nay đã được Daewoo hỗ trợ xây dựng nhanh chóng, vừa góp phần cải thiện tình trạng giao thông trong khu vực, vừa tạo ra “mặt thoáng” quan trọng cho dự án này.
Tham vọng của Daewoo tại khu vực này là khá lớn. Ý tưởng về việc xây dựng hàng loạt cao ốc hiện đại bám theo tuyến đường Đào Tấn đã được nhà đầu tư này ngỏ ý với Hà Nội, song vì nhiều lý do khác nhau, mới chỉ có tổ hợp Daeha Business Center, trong đó có khách sạn Daewoo, được xây dựng. Một thời gian sau, lô đất đối diện tổ hợp này qua đường Đào Tấn cũng đã được cấp cho Daewoo.
Một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng tham gia quá trình cấp phép cho biết lúc đó quyết định cấp lô đất này cho Daewoo là một “nghĩa cử” của Việt Nam dành cho ông Kim Woo Chung trên tinh thần đối đãi nghĩa tình để ghi nhận những đóng góp của Daewoo vào nền kinh tế Việt Nam.
Nhưng mọi việc thay đổi quá nhanh vì cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997-1998 và hệ quả của nó còn kéo dài nhiều năm sau đó. Cũng như nhiều dự án khách sạn khác, Daewoo lỗ nhiều năm liền. Cá nhân ông Kim Woo Chung, từ vị thế người hùng trở thành một “tội phạm kinh tế” tại Hàn Quốc. Lô đất vàng cạnh khách sạn Daewoo, sau nhiều lần chuyển nhượng khá kín kẽ, giờ đã thuộc về một nhà đầu tư khác, tập đoàn Lotte, với một dự án tổ hợp cao tới 65 tầng.
Đáng nói là, ngay cả khi nền kinh tế Việt Nam hồi phục và ngành kinh doanh khách sạn cũng theo đó mà khởi sắc, thì điệp khúc kêu lỗ từ dự án này vẫn chưa chấm dứt, thậm chí còn kéo dài nhiều năm. Lỗ nghĩa là không đóng thuế, mặc dù nhìn bề ngoài, ai cũng thấy là khách sạn này làm ăn rất tốt. Những lý lẽ giải trình cho chuyện lỗ của chủ đầu tư đã được các cơ quan chức năng chấp nhận trong nhiều năm. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh công tác chống chuyển giá, câu chuyện báo lỗ của Daewoo, cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác, đang trở nên… kém thuyết phục!
Vì sao Hanel?
Khi thông tin về việc Daewoo muốn bán cổ phần trong dự án, rất nhiều nhà đầu tư muốn mua lại, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong khi đó, đối với nhiều người, cái tên Hanel không tỏ ra thật sự tiềm năng, ngay cả khi so sánh với chính các nhà đầu tư trong nước.
Nhưng, ngay trong giấy phép đầu tư, đã có một điều khoản nói rằng quyền “ưu tiên mua” thuộc về các đối tác trong liên doanh, đại khái Hanel bán thì Daewoo được ưu tiên mua, và ngược lại.
Tổ hợp Daeha Business Center giờ đây thực sự đã là lô đất vàng của Hà Nội. Không như thời điểm cấp phép, giờ đây trung tâm Hà Nội đã có một cú dịch chuyển mạnh mẽ về phía Tây, đến mức nhiều ý kiến nói rằng trung tâm Hà Nội hiện nay phải được xem là ở chính tổ hợp này thì mới hợp lý!
Với diện tích gần 3 ha, riêng giá trị quyền sử dụng đất của tổ hợp này đã là rất lớn. Nhưng quan trọng hơn, với vị thế là một trong số khoảng 10 khách sạn 5 sao của Hà Nội, từng đón tiếp các lãnh đạo lớn của thế giới như Tổng thống Mỹ Clinton, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào…, giá trị của tổ hợp này không chỉ nằm ở những con số.
Khi mà cả hai phía trong thương vụ đều đang im lặng, giá trị của thương vụ là đề tài của nhiều đồn đoán. Có nguồn tin nói thương vụ này có giá trị 100 triệu USD, nhưng cũng có nguồn tin nói Daewoo chỉ nhận về 66 triệu USD. Vẫn là đồn đoán, có nguồn tin nói có thể hai bên định giá khách sạn này là 100 triệu USD, trong đó phía Daewoo nhận 70 triệu USD, và sau khi hoàn tất một vài nghĩa vụ thuế, chỉ còn lại 66 triệu USD để… mang về nước.
Khi các bên trong liên doanh vẫn còn kín tiếng, thì những con số chính thức, cũng như nghĩa vụ tài chính của các bên trong thương vụ này đối với Nhà nước Việt Nam như thế nào thì có lẽ chỉ người trong cuộc biết. Thông tin trên một tờ báo mới đây nói chủ đầu tư thậm chí còn chưa nộp hồ sơ và báo cáo cụ thể lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Có lẽ những người quan tâm sẽ còn tiếp tục phải… chờ!
Cứ giả định rằng Daewoo có thể thu được 66 triệu USD, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư này có lãi không? Thêm một lần thông tin là ẩn số, khi không ai biết chính xác lượng vốn mà nhà đầu tư đã đưa vào Việt Nam, nên đồn đoán là chuyện bình thường. Nhưng, như trên đã đề cập, trong bối cảnh cuộc chiến chống chuyển giá đang được phát động rộng rãi, những nghi ngờ của công luận về những khoản lãi “vô hình” của nhà đầu tư này trong quá khứ là rất có cơ sở!
Dư luận có lẽ đang chờ một thông báo chính thức về thương vụ này từ phía Hanel. Được Nhà nước giao đất để làm tài sản tham gia một liên doanh, giờ đây bất cứ “chuyển động” nào liên quan đến khối tài sản đó cũng cần phải được minh bạch. Mấy ngày gần đây, nhiều bài báo ca ngợi Hanel như một “người hùng”, một “đại gia” đã “rửa mày rửa mặt” cho giới đầu tư trong nước.
Nhưng, từ góc nhìn của người viết, khai thác thế nào khối tài sản vốn dĩ đã được nhà nước giao một cách “ích quốc lợi dân” nhất có lẽ là quan trọng hơn nhiều!
Những điều ít biết
Vốn dĩ các lãnh đạo tập đoàn Daewoo không lựa chọn lô đất mà khách sạn Daewoo đang hiện hữu bây giờ. Năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháp tùng các lãnh đạo Hàn Quốc đến Việt Nam lúc đó, lãnh đạo Daewoo đã nhắm tới việc xây khách sạn cao cấp tại một lô đất ngay khu trung tâm Ba Đình, Hà Nội.
Đề xuất này tất nhiên đã không được đồng ý và Daewoo được giới thiệu lô đất hiện nay, khi đó vốn vẫn còn là… ao rau muống. Những người yêu Hà Nội hẳn còn nhớ, phố Láng Trung nơi giờ đây là tuyến phố Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, thời ấy chỉ là một con phố nhỏ hẹp và phần nào đó rất “quê mùa”!
Daewoo được gợi ý là nên liên doanh với một đối tác trong nước, và Hanel là một lựa chọn. Nhưng, cũng như rất nhiều “bên Việt Nam” trong nhiều liên doanh khác được thành lập trong thời gian này, Hanel thì không có tiền. Không có tiền, nên Hà Nội phải giao đất cho Hanel để “lấy đó làm tiền” đem đi đối ứng với Daewoo trong liên doanh theo tỷ lệ 30/70.
Khách sạn Daewoo, chính xác hơn là tổ hợp Daeha Business Center, trong đó có khách sạn Daewoo, được xây lên trong sự hồ hởi của nhiều phía. Kim Woo Chung, nhà lãnh đạo tập đoàn Daewoo, tác giả cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” đang là best-seller lúc đó, từng qua Việt Nam nhiều lần. Đầy hào hiệp và cả thực dụng, tuyến đường Đào Tấn ngày nay đã được Daewoo hỗ trợ xây dựng nhanh chóng, vừa góp phần cải thiện tình trạng giao thông trong khu vực, vừa tạo ra “mặt thoáng” quan trọng cho dự án này.
Tham vọng của Daewoo tại khu vực này là khá lớn. Ý tưởng về việc xây dựng hàng loạt cao ốc hiện đại bám theo tuyến đường Đào Tấn đã được nhà đầu tư này ngỏ ý với Hà Nội, song vì nhiều lý do khác nhau, mới chỉ có tổ hợp Daeha Business Center, trong đó có khách sạn Daewoo, được xây dựng. Một thời gian sau, lô đất đối diện tổ hợp này qua đường Đào Tấn cũng đã được cấp cho Daewoo.
Một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng tham gia quá trình cấp phép cho biết lúc đó quyết định cấp lô đất này cho Daewoo là một “nghĩa cử” của Việt Nam dành cho ông Kim Woo Chung trên tinh thần đối đãi nghĩa tình để ghi nhận những đóng góp của Daewoo vào nền kinh tế Việt Nam.
Nhưng mọi việc thay đổi quá nhanh vì cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997-1998 và hệ quả của nó còn kéo dài nhiều năm sau đó. Cũng như nhiều dự án khách sạn khác, Daewoo lỗ nhiều năm liền. Cá nhân ông Kim Woo Chung, từ vị thế người hùng trở thành một “tội phạm kinh tế” tại Hàn Quốc. Lô đất vàng cạnh khách sạn Daewoo, sau nhiều lần chuyển nhượng khá kín kẽ, giờ đã thuộc về một nhà đầu tư khác, tập đoàn Lotte, với một dự án tổ hợp cao tới 65 tầng.
Đáng nói là, ngay cả khi nền kinh tế Việt Nam hồi phục và ngành kinh doanh khách sạn cũng theo đó mà khởi sắc, thì điệp khúc kêu lỗ từ dự án này vẫn chưa chấm dứt, thậm chí còn kéo dài nhiều năm. Lỗ nghĩa là không đóng thuế, mặc dù nhìn bề ngoài, ai cũng thấy là khách sạn này làm ăn rất tốt. Những lý lẽ giải trình cho chuyện lỗ của chủ đầu tư đã được các cơ quan chức năng chấp nhận trong nhiều năm. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh công tác chống chuyển giá, câu chuyện báo lỗ của Daewoo, cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác, đang trở nên… kém thuyết phục!
Vì sao Hanel?
Khi thông tin về việc Daewoo muốn bán cổ phần trong dự án, rất nhiều nhà đầu tư muốn mua lại, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong khi đó, đối với nhiều người, cái tên Hanel không tỏ ra thật sự tiềm năng, ngay cả khi so sánh với chính các nhà đầu tư trong nước.
Nhưng, ngay trong giấy phép đầu tư, đã có một điều khoản nói rằng quyền “ưu tiên mua” thuộc về các đối tác trong liên doanh, đại khái Hanel bán thì Daewoo được ưu tiên mua, và ngược lại.
Tổ hợp Daeha Business Center giờ đây thực sự đã là lô đất vàng của Hà Nội. Không như thời điểm cấp phép, giờ đây trung tâm Hà Nội đã có một cú dịch chuyển mạnh mẽ về phía Tây, đến mức nhiều ý kiến nói rằng trung tâm Hà Nội hiện nay phải được xem là ở chính tổ hợp này thì mới hợp lý!
Với diện tích gần 3 ha, riêng giá trị quyền sử dụng đất của tổ hợp này đã là rất lớn. Nhưng quan trọng hơn, với vị thế là một trong số khoảng 10 khách sạn 5 sao của Hà Nội, từng đón tiếp các lãnh đạo lớn của thế giới như Tổng thống Mỹ Clinton, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào…, giá trị của tổ hợp này không chỉ nằm ở những con số.
Khi mà cả hai phía trong thương vụ đều đang im lặng, giá trị của thương vụ là đề tài của nhiều đồn đoán. Có nguồn tin nói thương vụ này có giá trị 100 triệu USD, nhưng cũng có nguồn tin nói Daewoo chỉ nhận về 66 triệu USD. Vẫn là đồn đoán, có nguồn tin nói có thể hai bên định giá khách sạn này là 100 triệu USD, trong đó phía Daewoo nhận 70 triệu USD, và sau khi hoàn tất một vài nghĩa vụ thuế, chỉ còn lại 66 triệu USD để… mang về nước.
Khi các bên trong liên doanh vẫn còn kín tiếng, thì những con số chính thức, cũng như nghĩa vụ tài chính của các bên trong thương vụ này đối với Nhà nước Việt Nam như thế nào thì có lẽ chỉ người trong cuộc biết. Thông tin trên một tờ báo mới đây nói chủ đầu tư thậm chí còn chưa nộp hồ sơ và báo cáo cụ thể lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Có lẽ những người quan tâm sẽ còn tiếp tục phải… chờ!
Cứ giả định rằng Daewoo có thể thu được 66 triệu USD, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư này có lãi không? Thêm một lần thông tin là ẩn số, khi không ai biết chính xác lượng vốn mà nhà đầu tư đã đưa vào Việt Nam, nên đồn đoán là chuyện bình thường. Nhưng, như trên đã đề cập, trong bối cảnh cuộc chiến chống chuyển giá đang được phát động rộng rãi, những nghi ngờ của công luận về những khoản lãi “vô hình” của nhà đầu tư này trong quá khứ là rất có cơ sở!
Dư luận có lẽ đang chờ một thông báo chính thức về thương vụ này từ phía Hanel. Được Nhà nước giao đất để làm tài sản tham gia một liên doanh, giờ đây bất cứ “chuyển động” nào liên quan đến khối tài sản đó cũng cần phải được minh bạch. Mấy ngày gần đây, nhiều bài báo ca ngợi Hanel như một “người hùng”, một “đại gia” đã “rửa mày rửa mặt” cho giới đầu tư trong nước.
Nhưng, từ góc nhìn của người viết, khai thác thế nào khối tài sản vốn dĩ đã được nhà nước giao một cách “ích quốc lợi dân” nhất có lẽ là quan trọng hơn nhiều!