10:07 02/01/2008

Đánh cắp hàng trên đường xuất khẩu

Hoa Minh

Tổn thất lớn nhất đối với doanh nghiệp bị mất cắp là uy tín, khi khách hàng nghi ngờ doanh nghiệp Việt Nam gian lận bớt hàng!

Không chỉ ở ngành điều, nạn mất cắp còn xảy ra ở các ngành khác như tiêu, thủy hải sản - Ảnh minh họa.
Không chỉ ở ngành điều, nạn mất cắp còn xảy ra ở các ngành khác như tiêu, thủy hải sản - Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp chưa bị mất cắp hàng thì lo ngại tìm mọi biện pháp phòng tránh. Với doanh nghiệp đã bị mất cắp, tổn thất lớn nhất là uy tín doanh nghiệp đối với khách hàng nước ngoài.

Đó là tình trạng hiện nay của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều, khi phải đối mặt với nạn đánh cắp hàng trong quá trình xuất khẩu.

Năm nay, nạn mất cắp hàng xảy ra liên tiếp với mức độ thiệt hại đáng kể. Theo một doanh nghiệp, trước đây, nạn mất cắp hàng lâu lâu mới xảy ra và mức độ nhỏ lẻ, từ 5-10 thùng, cao nhất là 20 thùng, vì vậy, công ty bồi thường cho khách hoặc giữa công ty và khách hàng thông cảm cùng nhau chia sẻ thiệt hại. Nhưng tình hình hiện nay đã khác.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, tính đến thời điểm này, ngành điều có 6 doanh nghiệp là nạn nhân của nạn đánh cắp hàng như Công ty TNHH Hải Nam Phát, Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An, Công ty Cổ phần Lạng Sơn, Công ty Anh Hữu... Tổng cộng số hàng bị mất của 6 doanh nghiệp là 68 tấn, tổng giá trị bị mất đến 375.000 USD.

Bức xúc nhất do thiệt hại nặng nhất là trường hợp Công ty TNHH Hải Nam Phát ở tỉnh Bình Dương. Vừa mới thành lập mấy tháng nhưng bị cú sốc quá lớn vì tổng giá trị hàng bị đánh cắp lên đến gần 2,3 tỷ đồng!

Ông Hoàng Xuân Hiếu, đại diện Công ty Hải Nam Phát cho biết, ngày 21/12/2007, Công ty xuất khẩu 2 container hạt điều nhân sang Trung Đông. Giám định viên của Công ty Cổ phần Giám định (Vinacontrol) đã thực hiện đúng quy trình về giám định: kiểm đếm số lượng và đã đóng seal của hãng tàu với sự chứng kiến của Công ty Hải Nam Phát. Mỗi container gồm 750 carton.

Công ty này cho biết, khi phát hiện hàng bị đánh cắp, vào ngày 23/12/2007, sau khi làm thủ tục mở container tại cảng, container được mở với sự chứng kiến của hải quan, Vinacontrol và công ty. Mỗi container chỉ còn 243 thùng carton, tổng số thùng carton bị mất cắp là 1.014 thùng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Lạng Sơn xuất khẩu sang Australia một container nhân điều gồm 700 thùng. Sau đó phát hiện 261 thùng bị mất cắp. Số hàng bị mất cắp chủ yếu rơi vào loại W320 có giá trị cao.

Tương tự, hồi tháng 11/2007, Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An xuất sang Pháp với số lượng 720 thùng carton/1 container nhân điều loại W320 và bị khách hàng khiếu nại vì mất 472 carton. Ông Nguyễn Văn Chiểu, Tổng giám đốc công ty, khẳng định không thể mất tại nhà máy vì khi xuất hàng có giám định của nhân viên Vinacontrol.

Tổn thất lớn nhất đối với doanh nghiệp bị mất cắp là uy tín, khi khách hàng nghi ngờ doanh nghiệp Việt Nam gian lận bớt hàng! Theo ông Vũ Thái Sơn, đại diện Công ty TNHH Thạnh Sơn, có trường hợp khách hàng không nhận được bồi hoàn từ Việt Nam đã từ chối mua hàng Việt Nam và chuyển sang nước khác. Bởi một container nhân điều cho lãi 1.000-2.000 USD, trong khi giá trị hàng mất lên đến 30.000-40.000 USD!

Cũng có trường hợp khách hàng hiểu việc thất thoát hàng do mất cắp đã đề nghị doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ thiệt hại. Còn bảo hiểm thì không có bảo hiểm cho trường hợp hàng bị mất cắp.

Không chỉ ngành điều, nạn mất cắp còn xảy ra ở các ngành khác như tiêu, thủy hải sản. Các doanh nghiệp bức xúc vì họ cho rằng hàng bị mất trên đường chở container từ nhà máy đến cảng. Thay vì thẳng đến cảng, xe chở hàng đến địa điểm nào đó và hành vi trộm hàng thực hiện một cách “tinh vi”, khó có thể phát hiện được vì các niêm phong container vẫn nguyên vẹn.

Theo nhận xét của một công ty ngành điều, hành vi đánh cắp mang tính chuyên nghiệp và có tổ chức. Các hãng tàu không bắt buộc cân từng container trước khi chất hàng lên tàu mà các container được chất lên theo như khai báo của chủ hàng.

Ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết: Hiệp hội sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an cùng tham gia làm rõ nạn mất cắp. Hiện nay, các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp như tốn thêm kinh phí thuê người áp tải hàng, hoặc thuê cty vận chuyển chuyên nghiệp, chụp hình ghi nhận hiện trạng hàng trong container...

Nhưng đây chỉ là cách “chữa cháy” như một doanh nghiệp nói. Theo ông Sơn, các cảng xuất khẩu ở Việt Nam phải có cân và soi container để phát hiện hàng đủ hay thiếu ngay tại cảng. Hàng hóa khi thông quan cần được cân cả container và in kết quả trọng lượng bằng vi tính cho mỗi container cho nhà xuất khẩu. Còn thiết bị soi cũng hỗ trợ kiểm tra hàng. Thiết bị này hiện phổ biến ở nước ngoài, các container được đưa qua máy soi phát hiện ra hàng đủ hay không giúp hạn chế mất cắp.

Thực tế, hàng bị mất cắp thuộc các dây phía sâu bên trong container, còn phía ngoài vẫn được lấp đầy nên dễ dàng qua mặt hải quan kiểm tra. Tại cuộc họp gần đây giữa ngành điều và Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp đã đề nghị Hải quan nhập thiết bị soi kiểm tra hàng cho chính xác.