10:51 07/09/2007

Đánh giá cổ phiếu thủy sản bằng mô hình CANSLIM

Dùng những tiêu chí của mô hình do một "nhà phù thuỷ" của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đưa ra để đánh giá cổ phiếu thủy sản

Cổ phiếu của các công ty thuộc ngành thủy sản trên sàn được dự báo cũng sẽ "ấm" dần lên.
Cổ phiếu của các công ty thuộc ngành thủy sản trên sàn được dự báo cũng sẽ "ấm" dần lên.
Mùa thuỷ sản, trong khi không khí tại các khu nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản trở nên tấp nập, thì cổ phiếu của các công ty thuộc ngành này trên sàn được dự báo cũng sẽ "ấm" dần lên.

Phiên giao dịch ngày 5/9, sàn Tp.HCM chứng kiến một "lính mới" chào sàn ngoạn mục: Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Cửu Long - An Giang tăng 7.000đ so với giá tham chiếu. Quý 3, quý 4 hàng năm, các doanh nghiệp thuỷ sản lại bước vào giai đoạn bận rộn với hàng loạt hợp đồng xuất khẩu lớn.

Để góp một góc nhìn khác về phân tích doanh nghiệp, người viết sẽ sử dụng những tiêu chí trong mô hình CANSLIM để đánh giá một số doanh nghiệp ngành thuỷ sản. Đây là phương pháp lựa chọn cổ phiếu theo các tiêu chí do William J. O'NeilM, người được coi là "nhà phù thuỷ" của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đưa ra.

Thu nhập trên mỗi cổ phiếu hiện tại (C) và lợi nhuận sau thuế và lãi vay (A): Nhìn vào các chỉ tiêu tài chính, đặc biệt là các chỉ tiêu về lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (C - Current Earning Per Share) và lợi nhuận sau thuế và lãi vay đều có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ...

Quý 2/2007, hầu hết các doanh nghiệp thuỷ sản đều công bố kết quả lợi nhuận tăng trưởng cao và vượt mức so với kế hoạch năm. cổ phiếu ACL mới lên sàn cũng được các nhà đầu tư khá quan tâm do tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ và lợi nhuận tốt so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Các chỉ tiêu khác như ROE, ROA, đòn bẩy tài chính đều được cải thiện rõ rệt trong năm 2006, đạt mức cao về hiệu quả sử dụng vốn, tài sản và mức độ an toàn của các khoản nợ.

Sản phẩm mới (N-New Products, Industrial News). Mặc dù phải đương đầu với một loạt các vụ kiện chống bán phá giá nhưng những năm qua, xuất khẩu thuỷ sản luôn đạt mức tăng trưởng đều đặn hàng năm 18,4%.

Năm 2007, các doanh nghiệp ngành thuỷ sản đều thực hiện tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thực hiện cải tiến chất lượng sản phẩm và mẫu mã sản phẩm cũng như liên tục tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tỉ trọng sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao trong chế biến tăng lên trên 40%, nhiều sản phẩm mới ra đời có chất lượng cao.

Bước đầu, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã thực hiện đăng ký và quảng bá thương hiệu với các sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới như: Tôm, cá tra, cá ba sa, cá ngừ...

Một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp thuỷ sản là theo Cục Quản lý cạnh tranh, hàng xuất khẩu của Việt Nam từ giờ đến cuối năm sẽ không phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá nào, do đó các cổ đông có thể yên tâm về tính ổn định ngành.

Cung - cầu của cổ phiếu (S-Supply and Demand). Theo dõi diễn biến giao dịch các phiên trong tháng 8, do ảnh hưởng của tâm lý chung thị trường, giá và khối lượng giao dịch của các cổ phiếu đều giảm so với thời điểm sôi động mấy tháng đầu năm.

Tuy nhiên, những phiên giao dịch gần đây đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu thể hiện cán cân cung - cầu đang nghiêng về phía cầu do nhiều nhà đầu tư dự đoán mức 883 điểm đã là đáy của thị trường và xuất hiện nhiều nhân tố hỗ trợ. Sự phục hồi khối lượng giao dịch của AGF trong tháng 8 và những phiên đầu tháng 9 được coi lực đẩy tích cực cho sự tăng trưởng của cổ phiếu này trong thời gian sắp tới.

Vai trò của cổ phiếu trên thị trường (L- leader/ laggard). Một số cổ phiếu đầu ngành như AGF, MPC cũng là những cổ phiếu được đánh giá cao trên thị trường, thuộc "top trên", tuy không phải là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường, nhưng cũng có khối lượng giao dịch lớn.

Sự quan tâm của các định chế tài chính lớn đến cổ phiếu (I-Institutional Sponsorship). Các cổ phiếu ngành thuỷ sản nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. AGF - vốn là một doanh nghiệp thuỷ sản làm ăn ổn định và có sự tăng trưởng nên từ lâu là đích ngắm của khối này và hiện room đã đầy (49%).

TS4 lại là một hiện tượng của cổ phiếu thuỷ sản, mặc dù quy mô nhỏ cả về vốn, doanh thu và lợi nhuận so với các doanh nghiệp trong ngành, nhưng sau khi công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2007, lập tức nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào, đẩy room cho cổ phiếu này lên 41%.

Còn một loạt các cổ phiếu khác như SJ1 (11,83%), MPC (10,57%) room còn khá rộng rãi, kết hợp với kết quả kinh doanh tốt sẽ là những lựa chọn trong tương lai. Đợt đấu giá cổ phần Công ty Cổ phần Nam Việt ngày 21/6, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua vào 30% trong tổng số 6 triệu cổ phiếu phát hành thêm.

Xu hướng thị trường (M-Market Direction). thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn đi ngang, có thể sẽ làm nhiều nhà đầu tư bối rối khi lựa chọn cổ phiếu cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên có thể lạc quan rằng thị trường sẽ lấy lại mức tăng trưởng mạnh mẽ như trong giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007 do sức bật còn rất lớn.

Ngành thủy sản cũng đang đứng trước những thách thức lớn hậu WTO, nhất là về năng lực cạnh tranh khi một loạt các vụ kiện về chất lượng và thương hiệu đang gây cản trở với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản.

Nhưng sự lớn mạnh của các công ty trong ngành là không thể phủ nhận và sức tăng trưởng tiềm tàng của nó chính là điểm nhấn mà các nhà đầu tưdài hạn quan tâm và thời điểm 2 quý cuối năm bao giờ cũng là thời điểm giao dịch sôi động của các cổ phiếu ngành thuỷ sản.