Đạo đức nghề nghiệp trong thẩm định dự án
Để làm vừa lòng các chuyên viên thẩm định, nhiều doanh nghiệp không ngại đề nghị những khoản ưu đãi mua cổ phần
Trong khi thị trường tài chính nước ta đang ngày càng hoàn thiện thì dường như vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người thẩm định dự án đầu tư lại đang bị xem nhẹ.
Chuyện kể về một sinh viên xuất sắc mới ra trường nộp đơn xin vào làm ở phòng đầu tư của công ty chứng khoán V. Không hiểu vì muốn tăng thêm sức hấp dẫn của công việc hay muốn truyền thêm cảm hứng nghề nghiệp cho nhân viên mới mà người quản lý ngồi giải thích cặn kẽ các cơ hội tham gia đầu tư cá nhân trong quá trình thẩm định công ty với các lợi thế về thông tin và đưa ra những bằng chứng về sự thành công của các nhân viên khác.
Trong khi ở các nền tài chính phát triển, nhân viên thẩm định đầu tư bị kiểm soát rất chặt chẽ các khoản đầu tư cá nhân và không được khuyến khích tham gia thì xu hướng này có vẻ đang đi ngược lại ở rất nhiều tổ chức tài chính trong nước. Phạm trù đạo đức nghề nghiệp không những không được vun trồng mà còn có xu hướng bị bóp méo lệch lạc.
Khi thị trường đang nóng sốt, làm chuyên viên thẩm định đầu tư ở các quỹ đầu tư và nhân viên tư vấn ở các công ty chứng khoán được coi là “nghề của những cơ hội”. Để làm vừa lòng các chuyên viên thẩm định, nhiều doanh nghiệp không ngại đề nghị những khoản ưu đãi mua cổ phần. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cảm thấy không “yên tâm” khi nhân viên thẩm định đầu tư không đề cập gì đến việc mua cổ phần của mình. Dùng lợi thế về thông tin để phục vụ lợi ích cá nhân, đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích doanh nghiệp là chuyện đang diễn ra phổ biến.
Một thực trạng khác cũng đáng báo động là vấn đề bảo mật thông tin. Quỹ đầu tư có khi chưa kịp đưa ra quyết định đầu tư thì thị trường đã đầy những thông tin đồn đoán. Có những nhân viên thẩm định đầu tư sau khi chuyển công ty đã mang toàn bộ thông tin có được “chia sẻ” với công ty mới. Gần đây có hai bài phân tích về một công ty niêm yết giống nhau đến 90%, chỉ khác một vài thông tin tài chính cập nhật và… tên công ty chứng khoán cung cấp. Không hiểu do người quản lý không biết hay cố tình làm ngơ, đặt lợi ích kinh tế lên trên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp?
Hậu quả khó lường
Không phải ngẫu nhiên mà ở các thị trường đi trước, đạo đức nghề nghiệp được đặt trên cả lợi ích kinh tế đơn thuần. Duy trì một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trở thành lợi thế so sánh cho các định chế tài chính vì nó gắn liền với quá trình phát triển bền vững.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chuyên viên thẩm định đầu tư, vì lợi ích cá nhân, sử dụng những thông tin “nội bộ” để giao dịch? Kết quả tất yếu là giá cổ phiếu sẽ nhanh chóng được điều chỉnh và quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán sẽ mất đi cơ hội kiếm được những khoản lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Liệu chuyên viên đó còn cơ hội tiếp tục công việc của mình nữa hay không? Ở các thị trường như Úc hoặc Mỹ, giao dịch nội gián có thể bị kết tội hình sự và vĩnh viễn không còn cơ hội làm việc trong ngành tài chính!
Nếu lợi dụng vai trò thẩm định của mình để tạo sức ép lên doanh nghiệp và nhắm tới lợi ích cá nhân thì hậu quả thậm chí còn nặng nề hơn. Sự mất uy tín của đơn vị thẩm định có thể được “truyền tai” nhau trong cộng đồng doanh nghiệp và làm ảnh hưởng tới sự thành công của các hợp đồng thẩm định giá hay các cơ hội hợp tác chiến lược trong tương lai. Gần đây, ở Việt Nam đã có trường hợp một công ty chứng khoán lớn bị một doanh nghiệp cổ phần loại ngay khỏi danh sách ứng cử viên tiềm năng vì “nghe nói đã cố tình định giá thấp một công ty trong ngành khác để sau đó được mua vào với giá rẻ”.
Khó mà lường hết được hậu quả của việc thiếu tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Uy tín đơn vị thẩm định đầu tư phải mất nhiều năm mới tạo dựng được có thể tan biến chỉ vì những lợi ích cá nhân. Còn doanh nghiệp có thể mất đi lợi thế kinh doanh nếu thông tin bị lọt ra ngoài trong quá trình thẩm định. Trong khi đó, việc đưa ra quyết định đầu tư sẽ không thể thực hiện được nếu không có đủ những thông tin cần thiết!
Có thể thấy giữ gìn đạo đức nghề nghiệp chính là tạo uy tín cho chuyên viên thẩm định đầu tư trong thị trường tài chính, hướng đến những bước tiến quan trọng trong việc thâm nhập thị trường tài chính thế giới.
Những giải pháp cần thiết
Hình thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cũng như nuôi dạy một đứa trẻ, phải chăm chút, nâng đỡ ngay từ những ngày đầu, từ môi trường sống, văn hóa gia đình, ý thức cá nhân. Vậy đâu là những yếu tố quan trọng nhất của việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp trong thẩm định đầu tư?
Thứ nhất là phải đề cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp trong cộng đồng tài chính thông qua những buổi trao đổi nghiêm túc các thông tin, kinh nghiệm. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cần phải trở thành một điểm nhấn trong hệ thống pháp lý cũng như để đánh giá mức độ chuyên nghiệp, thành công của các nhà đầu tư hay công ty tư vấn một cách công khai, minh bạch. Các hành vi vi phạm cần phải được xử lý và rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Thứ hai là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao giá trị của đạo đức nghề nghiệp trong thẩm định đầu tư; đồng thời người quản lý cũng phải trở thành những tấm gương cho nhân viên. Thật khó có thể thuyết phục nhân viên tuân thủ đạo đức nghề nghiệp nếu ban lãnh đạo không thực hiện nghiêm túc những quy định đó.
Thứ ba là phải lồng ghép được các môn học về đạo đức nghề nghiệp trong chương trình giảng dạy, đào tạo. Các chương trình giảng dạy về chứng khoán, tài chính hiện nay vẫn còn quá chú trọng đến chuyên môn, trong khi lấy ví dụ ngành kiểm toán, các chứng chỉ như ACCA, CPA có hẳn các môn học riêng về đạo đức nghề nghiệp với các ví dụ thực tiễn, các bài học về đạo đức nghề nghiệp giúp học viên nhận thức được các tình huống phức tạp xảy ra trong công việc của mình.
Cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất là ý thức của chuyên viên thẩm định đầu tư. Ngành tài chính được xây dựng trên cơ sở niềm tin giữa doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư. Người có tài, có năng lực nhưng không quý trọng những giá trị đạo đức nghề nghiệp thì sớm muộn cũng sẽ mất đi niềm tin của doanh nghiệp và các đồng nghiệp.
(Theo TBKTSG)
Chuyện kể về một sinh viên xuất sắc mới ra trường nộp đơn xin vào làm ở phòng đầu tư của công ty chứng khoán V. Không hiểu vì muốn tăng thêm sức hấp dẫn của công việc hay muốn truyền thêm cảm hứng nghề nghiệp cho nhân viên mới mà người quản lý ngồi giải thích cặn kẽ các cơ hội tham gia đầu tư cá nhân trong quá trình thẩm định công ty với các lợi thế về thông tin và đưa ra những bằng chứng về sự thành công của các nhân viên khác.
Trong khi ở các nền tài chính phát triển, nhân viên thẩm định đầu tư bị kiểm soát rất chặt chẽ các khoản đầu tư cá nhân và không được khuyến khích tham gia thì xu hướng này có vẻ đang đi ngược lại ở rất nhiều tổ chức tài chính trong nước. Phạm trù đạo đức nghề nghiệp không những không được vun trồng mà còn có xu hướng bị bóp méo lệch lạc.
Khi thị trường đang nóng sốt, làm chuyên viên thẩm định đầu tư ở các quỹ đầu tư và nhân viên tư vấn ở các công ty chứng khoán được coi là “nghề của những cơ hội”. Để làm vừa lòng các chuyên viên thẩm định, nhiều doanh nghiệp không ngại đề nghị những khoản ưu đãi mua cổ phần. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cảm thấy không “yên tâm” khi nhân viên thẩm định đầu tư không đề cập gì đến việc mua cổ phần của mình. Dùng lợi thế về thông tin để phục vụ lợi ích cá nhân, đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích doanh nghiệp là chuyện đang diễn ra phổ biến.
Một thực trạng khác cũng đáng báo động là vấn đề bảo mật thông tin. Quỹ đầu tư có khi chưa kịp đưa ra quyết định đầu tư thì thị trường đã đầy những thông tin đồn đoán. Có những nhân viên thẩm định đầu tư sau khi chuyển công ty đã mang toàn bộ thông tin có được “chia sẻ” với công ty mới. Gần đây có hai bài phân tích về một công ty niêm yết giống nhau đến 90%, chỉ khác một vài thông tin tài chính cập nhật và… tên công ty chứng khoán cung cấp. Không hiểu do người quản lý không biết hay cố tình làm ngơ, đặt lợi ích kinh tế lên trên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp?
Hậu quả khó lường
Không phải ngẫu nhiên mà ở các thị trường đi trước, đạo đức nghề nghiệp được đặt trên cả lợi ích kinh tế đơn thuần. Duy trì một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trở thành lợi thế so sánh cho các định chế tài chính vì nó gắn liền với quá trình phát triển bền vững.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chuyên viên thẩm định đầu tư, vì lợi ích cá nhân, sử dụng những thông tin “nội bộ” để giao dịch? Kết quả tất yếu là giá cổ phiếu sẽ nhanh chóng được điều chỉnh và quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán sẽ mất đi cơ hội kiếm được những khoản lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Liệu chuyên viên đó còn cơ hội tiếp tục công việc của mình nữa hay không? Ở các thị trường như Úc hoặc Mỹ, giao dịch nội gián có thể bị kết tội hình sự và vĩnh viễn không còn cơ hội làm việc trong ngành tài chính!
Nếu lợi dụng vai trò thẩm định của mình để tạo sức ép lên doanh nghiệp và nhắm tới lợi ích cá nhân thì hậu quả thậm chí còn nặng nề hơn. Sự mất uy tín của đơn vị thẩm định có thể được “truyền tai” nhau trong cộng đồng doanh nghiệp và làm ảnh hưởng tới sự thành công của các hợp đồng thẩm định giá hay các cơ hội hợp tác chiến lược trong tương lai. Gần đây, ở Việt Nam đã có trường hợp một công ty chứng khoán lớn bị một doanh nghiệp cổ phần loại ngay khỏi danh sách ứng cử viên tiềm năng vì “nghe nói đã cố tình định giá thấp một công ty trong ngành khác để sau đó được mua vào với giá rẻ”.
Khó mà lường hết được hậu quả của việc thiếu tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Uy tín đơn vị thẩm định đầu tư phải mất nhiều năm mới tạo dựng được có thể tan biến chỉ vì những lợi ích cá nhân. Còn doanh nghiệp có thể mất đi lợi thế kinh doanh nếu thông tin bị lọt ra ngoài trong quá trình thẩm định. Trong khi đó, việc đưa ra quyết định đầu tư sẽ không thể thực hiện được nếu không có đủ những thông tin cần thiết!
Có thể thấy giữ gìn đạo đức nghề nghiệp chính là tạo uy tín cho chuyên viên thẩm định đầu tư trong thị trường tài chính, hướng đến những bước tiến quan trọng trong việc thâm nhập thị trường tài chính thế giới.
Những giải pháp cần thiết
Hình thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cũng như nuôi dạy một đứa trẻ, phải chăm chút, nâng đỡ ngay từ những ngày đầu, từ môi trường sống, văn hóa gia đình, ý thức cá nhân. Vậy đâu là những yếu tố quan trọng nhất của việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp trong thẩm định đầu tư?
Thứ nhất là phải đề cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp trong cộng đồng tài chính thông qua những buổi trao đổi nghiêm túc các thông tin, kinh nghiệm. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cần phải trở thành một điểm nhấn trong hệ thống pháp lý cũng như để đánh giá mức độ chuyên nghiệp, thành công của các nhà đầu tư hay công ty tư vấn một cách công khai, minh bạch. Các hành vi vi phạm cần phải được xử lý và rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Thứ hai là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao giá trị của đạo đức nghề nghiệp trong thẩm định đầu tư; đồng thời người quản lý cũng phải trở thành những tấm gương cho nhân viên. Thật khó có thể thuyết phục nhân viên tuân thủ đạo đức nghề nghiệp nếu ban lãnh đạo không thực hiện nghiêm túc những quy định đó.
Thứ ba là phải lồng ghép được các môn học về đạo đức nghề nghiệp trong chương trình giảng dạy, đào tạo. Các chương trình giảng dạy về chứng khoán, tài chính hiện nay vẫn còn quá chú trọng đến chuyên môn, trong khi lấy ví dụ ngành kiểm toán, các chứng chỉ như ACCA, CPA có hẳn các môn học riêng về đạo đức nghề nghiệp với các ví dụ thực tiễn, các bài học về đạo đức nghề nghiệp giúp học viên nhận thức được các tình huống phức tạp xảy ra trong công việc của mình.
Cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất là ý thức của chuyên viên thẩm định đầu tư. Ngành tài chính được xây dựng trên cơ sở niềm tin giữa doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư. Người có tài, có năng lực nhưng không quý trọng những giá trị đạo đức nghề nghiệp thì sớm muộn cũng sẽ mất đi niềm tin của doanh nghiệp và các đồng nghiệp.
(Theo TBKTSG)