09:46 19/11/2007

Đào tạo theo nhu cầu xã hội: “Người học phải biết tự giải cứu”

Lý Hà - Mai Minh

"Hầu như không trường nào biết sinh viên trường mình đào tạo ra có được sử dụng hết không"

Những mô hình học tập hiện đại và chuyên nghiệp vẫn còn là ước mơ với nhiều sinh viên.
Những mô hình học tập hiện đại và chuyên nghiệp vẫn còn là ước mơ với nhiều sinh viên.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới thì tại Việt Nam, khoảng 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và trường cao đẳng cần được đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng. Một số doanh nghiệp phần mềm cần đào tạo lại ít nhất 1 năm cho khoảng 80%-90% sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng.

Đứng trước thực trạng nguồn nhân lực ở nước ta vừa thừa lao động chưa được đào tạo nhưng lại thiếu lao động có kỹ năng được đào tạo theo tiêu chuẩn công nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động trong toàn hệ thống đại học, cao đẳng và dạy nghề cuộc chiến “Nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội”.

Thực sự, khi phát động “Nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội” vào thời điểm mà Việt Nam càng ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, ngành giáo dục đã tiến hành một cuộc ra quân quá muộn. Dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn thì muộn còn hơn không.

Từ hôm nay (19/11), chúng tôi xin giới thiệu những quan điểm của người trong cuộc. Mở đầu là ý kiến của ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và ông Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế Công cộng.

“Trường cần quảng bá hình ảnh với doanh nghiệp”

(Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

“Một thực tế là từ trước đến nay, không ai trả lời được tại sao mỗi năm các trường, các ngành đào tạo được giao ngần đó chỉ tiêu, nhưng hầu như không trường nào biết sinh viên trường mình đào tạo ra có được sử dụng hết không, trong khi các ngành nghề mà thị trường lao động đang cần thì chưa chắc đào tạo đã cung cấp đủ.

Chỉ tiêu tuyển sinh mà thí sinh đọc được trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng” chỉ là sự định lượng mơ hồ. Cho nên các trường phải dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, tạo các mối liên kết ngang dọc, trên dưới, thường xuyên rà soát chương trình cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, phải thành lập hội đồng trường gồm cả đại diện là doanh nghiệp. Đặc biệt phải điều tra dữ liệu thông tin sinh viên sau khi tốt nghiệp để biết hiệu quả đào tạo.

Chúng ta đang khởi đầu chương trình quốc gia 3 năm đào tạo theo nhu cầu xã hội bắt đầu từ năm 2008 đến năm 2010 mà trong đó, quan hệ nhà trường - doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Trước tháng 9/2008, sẽ có cơ chế chuyên biệt quy định mức học phí cho các ngành nghề đào tạo gắn với doanh nghiệp, tạo động lực thắt chặt mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất Chính phủ dành ra 2-3% chi phí sản xuất để doanh nghiệp góp vốn đào tạo nghề.

Về phía các trường, năm 2008 sẽ có 30-40% đại học, cao đẳng đào tạo theo tín chỉ, nên trường phải rà soát chương trình học gắn với doanh nghiệp, dự báo ngành nghề đào tạo và báo cho trung tâm dự báo quốc gia. Đồng thời tập trung quảng bá hình ảnh với các doanh nghiệp và tăng cường đào tạo ngắn hạn để cấp tín chỉ.

Còn về phía các doanh nghiệp, nên có thông tin phản hồi về các cơ sở đào tạo về chất lượng và nhu cầu nhân lực, hỗ trợ tài chính cho các trường với chi phí khoảng 2-3% chi phí sản xuất. Doanh nghiệp cần tham gia quá trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, tham gia hội đồng trường, thành lập các trường đào tạo nghề trong doanh nghiệp.”

“Người học phải biết tự giải cứu”

(Ông Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế Công cộng)

“Khi nói tới đào tạo đáp ứng theo nhu cầu xã hội thì điều đầu tiên tôi muốn đề cập là mối quan hệ giữa thời gian và những kế họach cá nhân đã giúp cho sự thành công trong học tập như thế nào. Chúng ta đều hiểu rằng nếu những sinh viên của chúng ta muốn là những người chiến thắng, được xã hội chấp nhận thì các bạn phải bắt đầu một quá trình học tập, học nghề đề phục vụ những yêu cầu cụ thể của cuộc sống.

Quá trình học nghề tập trung trong 4 năm học ở bậc đại học, với những kiến thức được thiết kế sao cho sau khi kết thúc 4 năm thì các bạn có thể thực hành nghề nghiệp ở mức độ cơ bản. Chương trình 4 năm đó cũng được thiết kế sao cho trong quá trình tương tác 4 năm, các bạn cũng nắm được những phương pháp cơ bản để có thể tự học vươn lên, trong 4 năm đó các bạn thông qua các tương tác với thầy, với bạn để định hình cho mình một nhân cách nghề nghiệp.

Có thể nói 4 năm học đó là 4 năm hình thành những hành vi nghề nghiệp cơ bản để một cá thể đủ tự tin để bước vào phục vụ một nhu cầu xã hội cụ thể. Kết quả của 4 năm học đó sẽ là thành công nếu một cá nhân nhất định được xã hội chấp nhận và được coi là không thành công nếu một cá nhân nào đó không được xã hội chập nhận.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có những cá nhân được chấp nhận và những cá nhân không? Những tiêu cực xã hội đang là những biến số gây nhiễu trong quá trình này. Tuy nhiên, cùng với những áp lực của thị trường và những cố gắng của toàn bộ hệ thống, những biến gây nhiễu này đang dần giảm đi đáng kể. Với câu hỏi đặt ra này thì có lẽ câu trả lời phải nằm trong cách suy luận quần thể trước đã.

Ví dụ, như theo cách suy luận này thì trong tổng số 100% sinh viên tốt nghiệp khoá một của Đại học Y tế Công cộng thì đã có tới trên 90% được tiếp nhận tại các cơ quan đơn vị khác nhau, sau 45 ngày nhận bằng tốt nghiệp. Như thế, về đại thể có thể thấy loại hình mà của trường đào tạo ra đã đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, nếu đánh giá chi tiết còn cần thêm thời gian để xem rằng từng cá nhân cụ thể được đào tạo ra của nhà trường đã áp dụng như thế nào những kiến thức đã được học vào thực tế, và ngược lại những kiến thức nào mà nhà trường cung cấp cho các bạn phải được loại bỏ để có thể giảm tải quá trình học của các bạn.

Những cá nhân nào đã đáp ứng những nhu cầu tuyển chọn để được tiếp nhận sớm như vậy? Cũng cách đề cập suy luận quần thể cho thấy rằng những sinh viên được chấp nhận sớm nhất, vào những vị trí được coi là tốt nhất chính là những sinh viên đã có định hướng mục tiêu học tập rất rõ ngày từ đầu và có được một kế hoạch dài hơi cho việc thực hiện những kế hoạch đó. Họ đã trở thành những người có nền tảng phát triển rất rõ ràng trong một tương lai gần vì những cơ hội được đào tạo lên nữa cả ở trong lẫn ngoài nước đang là vô cùng to lớn.

Điều thứ hai tôi muốn đề cập là: môi trường học tập đại học và việc tận dụng tối đa môi trường đó trong việc đạt được mục tiêu học tập của từng cá nhân sinh viên. Môi trường đại học được thiết kế để cho sinh viên phát huy cao độ tính chủ động của mình trong quá trình học; nó khuyến khích sự sáng tạo, năng động trong học tập, bằng cách cung cấp những nền tảng cơ bản thông qua các bài giảng, những tài liệu qua việc hướng dẫn sinh viên cập nhật các nguồn thông tin khác nhau trên mạng.

Cách học tập theo kiểu đó, giống như mô phỏng thực tế, sẽ giúp cho những ai thích hợp với nó thì tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển vượt bậc, và ngược lại những ai không thích hợp với nó thì tối đa chỉ tồn tại được ở mức trung bình và ngày càng khó khăn trong việc nắm bắt những cơ hội phát triển. Nhà trường đã quan niệm như thế khi thiết kế các chương trình đào tạo của mình và đã tạo những điều kiện tối ưu cho toàn bộ sinh viên các bậc học trong trường. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó.

Phương pháp học tập tích cực còn phải được thể hiện trong việc các bạn chủ động như thế nào trong việc lập được những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cho bản thân mình. Kế hoạch ngắn hạn nhằm tới việc làm chủ kiến thức những môn học đang diễn ra hàng ngày sao cho việc tích luỹ chúng tốt nhất, trong khi đó kế hoạch học tập dài hạn nhằm tập hợp những kiến thức đó lại hình thành một hệ thống kiến thức tổng thể giải quyết các nhu cầu thực tế. Kế hoạch học tập dài hạn cũng phải được bổ sung bằng các môn học mang tính công cụ không thể thiếu được trong quá trình tích luỹ kiến thức lâu dài. Đó là những môn như tiếng Anh và vi tính.

Điều thứ ba, và cũng là điều cuối cùng tôi muốn đề cập là quyết tâm và nghị lực của chính các bạn sẽ trở thành một lực hút mạnh nhất tới tất cả các cơ hội tốt nhất, chứ không phải như ai đó nói cơ hội sẽ chỉ tới với những người may mắn. Điều này đúng với tất cả các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong đời sống con người. Điều này cũng đúng với từng con người trong những giai đoạn khác nhau của cuộc sống.

Bốn năm học không phải là thời gian quá dài, nhưng cũng không phải là ngắn. Bốn năm đó đủ để tích lũy và xây dựng một kho dữ liệu kiến thức cho riêng mình đối với những người biết phương pháp làm việc và biết tranh thủ sợ hỗ trợ của những người có kinh nghiệm. Cơ hội sẽ tìm đến với những người như vậy sau khi 4 năm kết thúc.

(Kỳ sau, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề và ông Nguyễn Huy Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc)