11:53 06/12/2007

Dầu cùng vàng tuột dốc, bất chấp quyết định của OPEC

Kiều Oanh

Ngày 6/12, giá dầu thô thế giới rơi xuống mức 86 USD/thùng bất chấp việc OPEC giữ nguyên sản lượng, giá vàng cũng giảm

Tại Sở Giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1/2008 giảm 96 cent/thùng, tương đương 1,1%, xuống còn 86,53 USD/thùng.
Tại Sở Giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1/2008 giảm 96 cent/thùng, tương đương 1,1%, xuống còn 86,53 USD/thùng.
Ngày 6/12, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục rơi xuống mức 86 USD/thùng bất chấp việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác của khối này và thông tin về dự trữ dầu thô giảm mạnh của Mỹ. Giá vàng cũng quay đầu đi xuống.

Dầu “không sợ” OPEC

Tại Sở Giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1/2008 giảm 96 cent/thùng, tương đương 1,1%, xuống còn 86,53 USD/thùng. Vào lúc 10h54 sáng nay tại Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ là 86,76 USD/thùng.

Tại London, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2007 cũng giảm 91 cent/thùng, tương đương 1%, xuống còn 87,58 USD/thùng. Vào lúc 10h44 sáng tại Singapore, giá dầu Brent là 87,80 USD/thùng.

Trước đó, ngày 5/12, sau khi OPEC ra quyết định duy trì sản lượng ở mức hiện tại, giá dầu tại New York đã tăng hơn 2 USD/thùng, nhưng sau đó đã giảm trở lại 83 cent/thùng và đóng cửa ở mức 87,49 USD/thùng, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ hôm 24/10, thời điểm cách đây gần 6 tuần. Với đà đi xuống trong 6 trên 8 ngày qua, giá dầu tại New York hiện đã giảm khoảng 13% so với kỷ lục mọi thời đại 99,29 USD/thùng vào hôm 21/11.

Lý do khiến giá dầu tiếp tục chiều đi xuống bất chấp quyết định của OPEC là viễn cảnh ảm đạm của kinh tế Mỹ. Thêm vào đó, những số liệu mà Bộ Năng lượng Mỹ vừa công bố cho thấy, dự trữ xăng của nước này trong tuần qua đã tăng ngoài dự kiến – một dấu hiệu về việc nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang chậm lại.

Cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ kết hợp với giá năng lượng cùng với các nguyên vật liệu khác vùn vụt leo thang, đã cản trở sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Một số chuyên gia năng lượng nhận định, điều này rốt cục sẽ dẫn tới nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ giảm đà tăng tốc.

Tuần qua, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tới 7,91 triệu thùng, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2004, xuống còn 305,2 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2005. Lý do là lượng dầu thô nhập khẩu vào Mỹ cũng giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày do thời tiết xương mù làm chậm lại hoạt động vận chuyển. Ngoài ra, các hãng lọc dầu cũng đang tìm cách giảm dự trữ để tránh bị đánh thuế theo luật pháp của một số bang tại Mỹ.

Tuy nhiên, dự trữ xăng của Mỹ lại tăng tới 3,99 triệu thùng, nhiều gấp 6 lần so với mức dự báo trước đó của giới phân tích, và là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm nay.Dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu sưởi và dầu diesel, cũng tăng thêm tới 1,43 triệu thùng, lên mức 132,3 triệu thùng, mặc dù trước đó, giới phân tích dự báo kho dự trữ này giảm 300.000 thùng.

Tuyên bố quyết định duy trì sản lượng, đại diện của OPEC cho rằng, dự trữ dầu toàn cầu hiện nay đang ở mức “thoải mái” và lượng dầu tiêu thụ trên thế giới có thể giảm trong thời gian tới do những tác động xấu lan rộng từ cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ.

”Nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới, đặc biệt là của Mỹ, đang là vấn đề khiến giới đầu tư lo lắng, vì viễn cảnh tăng trưởng đang rất ảm đạm”, Jan Stuart, một chuyên gia về dầu tại ngân hàng đầu tư UBS nhận định. Còn Chris Mennis, người đứng đầu công ty môi giới dầu lửa New Wave Energy thì cho rằng: “Giá dầu chỉ tăng nhẹ sau quyết định của OPEC. Đó thực sự là một dấu hiệu cảnh báo cho những ai đang đầu cơ vào dầu”.

Theo kế hoạch, các nước OPEC sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 1/2 năm tới, sớm hơn 1 tháng so với thường lệ, để xem xét lại sản lượng khai thác của khối.

Vàng “phụ họa” với dầu

Giá vàng thế giới ngày 6/12 cũng quay đầu giảm xuống dưới mốc 800 USD/oz, sau khi đã ở trên ngưỡng này trong 2 ngày liên tiếp trước đó. Tại New York, giá vàng giao ngay được niêm yết trên Kitco.com sáng nay là 797,90 USD/oz, giảm 0,9%.

Tại thị trường trong nước, giá vàng sáng nay cũng trở lại với đà đi xuống sau khi đã tăng gần 20.000 đồng/chỉ vào ngày hôm qua, 5/12. Tại Hà Nội và Tp.HCM, giá vàng SJC được niêm yết là 1.548.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.555.000 đồng/chỉ (bán ra), giảm khoảng 15.000 đồng/ chỉ so với mức 1.563.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.569.000 đồng/chỉ (bán ra) chiều qua.

Một nhân tố khác khiến giá vàng giảm là đồng USD đã hồi phục so với Euro trước một số báo cáo cho thấy tăng trưởng việc làm và số lượng đơn đặt hàng cho các nhà máy ở nước này khá khả quan, làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5% vào cuộc họp tuần tới của cơ quan này.

(Theo Bloomberg, Reuters)