17:59 11/08/2008

Đau đầu lãi suất

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank cho rằng thị trường tiền tệ hiện nay nên được nhìn dưới nhiều góc cạnh

Ông Lê Đắc Sơn.
Ông Lê Đắc Sơn.
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoài quốc doanh (VPBank), người trả lời phỏng vấn của chúng tôi dưới đây, cho rằng thị trường tiền tệ hiện nay nên được nhìn dưới nhiều góc cạnh.

Trong báo cáo sáu tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước nhận định thị trường tiền tệ đã đi dần vào ổn định. Đứng ở góc độ người trực tiếp điều hành một ngân hàng thương mại, ông nhìn nhận thế nào về thị trường này?

Đúng là thị trường tiền tệ không còn nóng như hồi quý 2 và đã ổn định hơn. Đặc biệt, các ngân hàng không còn khó khăn về thanh khoản bởi ngoài việc kiềm chế tín dụng, Ngân hàng Nhà nước luôn luôn hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản tạm thời.

Tuy nhiên, hiện nay, điều khiến chúng tôi đau đầu nhất là lãi suất. Xu hướng chung mọi người đang muốn lãi suất xuống và có vẻ nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho lãi suất giảm, như thị trường chứng khoán “xanh” trở lại, tỷ giá hối đoái của ngân hàng và thị trường tự do không quá cách xa nhau, một số ít ngân hàng thương mại công bố giảm chút ít lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có quan hệ đặc biệt...

Như thế có nghĩa là lãi suất sẽ giảm?

Tôi tin Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản nữa. Nếu tăng thêm lãi suất để chống lạm phát là không phù hợp đối với Việt Nam, vì sẽ khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút.

Vừa qua, các ngân hàng nâng lãi suất nhưng vốn huy động không tăng như mong muốn, ngược lại nó làm các kênh đầu tư trở nên “mất trật tự”, dòng tiền chảy theo nhiều hướng và quản lý vĩ mô khó định hình, khó dự đoán được dòng chảy của đồng tiền.

Tuy nhiên, cố gắng ép lãi suất nhằm hỗ trợ sản xuất mà không thật sự cắt giảm đầu tư công và cải thiện chất lượng đầu tư, thì mọi nỗ lực sẽ dễ hoài phí.

Lạm phát vẫn đang tăng cho dù tốc độ tăng chậm hơn, mà lãi suất giảm, thì người gửi tiền sẽ bị thiệt vì họ phải chịu lãi suất thực âm. Đó là điều không công bằng thưa ông?

Hãy nhìn nhận một thực tế thế này: lãi suất thực dương là không tưởng vì năm 2008 lạm phát có thể lên đến 25%. Nếu không gửi tiền ngân hàng, người dân (đa số) sẽ đầu tư vào đâu?

Người dân có tính toán được bỏ tiền vào đâu, một khi họ rút chúng ra khỏi ngân hàng, mà lợi nhuận cao hơn lãi suất gửi ngân hàng hiện nay không?

Dịch vụ đầu tư của chúng ta còn quá mỏng và đơn sơ. Dù đầu tư vào bất động sản, vàng hay ngoại tệ... đều hết sức rủi ro. Vì vậy, nơi gửi tiền tốt nhất mà đa số người dân lựa chọn là gửi tiền tại ngân hàng. Đó là sự lựa chọn hợp lý!

Tôi chia sẻ ý kiến trong bối cảnh hiện nay, người dân gửi tiền chưa được hưởng lãi suất thực dương. Việc điều hành lãi suất theo hướng điều hòa lợi ích cho người gửi tiền, giảm bớt lợi nhuận của doanh nghiệp, tạo sự công bằng, cân đối lợi ích doanh nghiệp, ngân hàng và người gửi tiền là hợp lý hơn cả.

Cụ thể là sao, thưa ông?

Không phải tất cả các doanh nghiệp đều đang thắt lưng buộc bụng để chống lạm phát. Những ngành nghề mà sản phẩm nằm trong rổ hàng hóa tính lạm phát thì doanh nghiệp được lợi. Không ít doanh nghiệp đang hưởng lợi từ chính sách chống lạm phát nhưng vẫn kêu lãi suất cao. Nhà nước muốn hỗ trợ doanh nghiệp đỡ khó khăn do phải chịu chi phí lãi suất cao thì nên giảm thuế.

Làm như vậy sẽ tốt cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Vậy VPBank có tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn nữa không, thưa ông?

Với lãi suất cho vay ra 21%/năm, ngân hàng không có lãi. Lấy trường hợp của VPBank. Dự báo kinh tế khó khăn, để đảm bảo thanh khoản và giảm rủi ro tín dụng, chúng tôi phải chủ động giảm dư nợ. Tháng 2/2008, dư nợ của ngân hàng là 15.900 tỷ đồng, tháng 6-2008 còn 14.900 tỷ đồng, dự kiến tháng 9/2008 còn khoảng 14.000 tỷ đồng.

Chúng tôi biết giảm tín dụng là đụng chạm trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và khách hàng vay tiêu dùng nhưng bây giờ đành chọn mục tiêu an toàn là trên hết. Chúng tôi chỉ ưu tiên cho vay đối với các khách hàng có quan hệ thường xuyên với VPBank nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong trường hợp các ngân hàng đều “co lại”, giảm cho vay như VPBank, nền kinh tế sẽ rất khó khăn. VPBank đang ở thế thủ sớm hơn các đồng nghiệp, ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ cuối năm 2008 đầu 2009, nợ quá hạn sẽ là vấn đề của mọi ngân hàng. 20-30% khách hàng có thể bị nợ quá hạn, và từ nợ quá hạn sang nợ xấu phụ thuộc nhiều vào trình độ quản trị của từng ngân hàng. Ngân hàng cho vay nhỏ lẻ độ rủi ro thấp, còn cho vay các dự án lớn về bất động sản sẽ chịu rủi ro cao.

Chúng tôi không “co lại”, chúng tôi đã và đang mở rộng đầu tư theo nhiều hướng có tính chất lâu dài để phát triển dịch vụ và giảm thiểu rủi ro. Hiện chi phí nhân công cho 1 đồng tín dụng của VPBank cao hơn, nhưng bù lại rủi ro được kiểm soát.

Những tháng gần đây số các ngân hàng có thu nhập thấp hơn chi phí tăng lên cũng là điều không có gì ngạc nhiên. Lãi suất huy động đã được điều chỉnh từ 9-10%/năm đầu năm lên 18%/năm và có hiệu lực ngay, trong khi lãi suất cho vay điều chỉnh chậm hơn, bình quân vẫn ở mức 16%/năm.

Nếu các ngân hàng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ngay từ năm ngoái, thì đã không có những nỗi lo về thanh khoản, nợ xấu như ông vừa đề cập. Ngay như VPBank, sáu tháng đầu năm 2007, tăng trưởng tín dụng lên tới 50% so với cuối năm 2006, trong khi sáu tháng đầu năm nay chỉ tăng 11%. Tự bản thân các con số đã nói lên nhiều điều, thưa ông?

Thực ra hiện nay thanh khoản không phải là vấn đề đáng ngại. Ngân hàng Nhà nước  vẫn đang hỗ trợ các ngân hàng thiếu thanh khoản. Đáng lo chính là rủi ro tín dụng và đây là câu chuyện mà Ngân hàng Nhà nước không can thiệp được. Cho vay bất động sản ẩn chứa rủi ro và phải đến cuối năm, khả năng tài chính của doanh nghiệp mới lộ rõ.

Kinh doanh ngân hàng đang ở thời điểm khó khăn. Huy động cho vay thì dễ, song cho vay rồi, có đòi được không lại là chuyện khác. Thu nhập của ngân hàng, nói gì thì nói, vẫn đang trông chờ vào tín dụng. Muốn phát triển dịch vụ, phải đầu tư lớn, đồng bộ như hệ thống core - banking, thẻ, ATM... và phải mất tối thiểu 3-5 năm mới phát huy hiệu quả.
 
Hơn nữa, để nâng tỷ lệ dịch vụ trong cơ cấu lợi nhuận, còn phụ thuộc vào trình độ công nghệ của toàn hệ thống ngân hàng, phụ thuộc vào chất lượng và trình độ nền kinh tế quốc gia chứ không phải thích tăng thu từ dịch vụ là thu được ngay.

Ví dụ: Để đẩy mạnh chi tiêu không dùng tiền mặt, các ngân hàng đã tăng cường đầu tư cho thẻ và hệ thống ATM nhưng lại không được thu phí ATM trong khi đầu tư rất lớn?

Các ngân hàng đã có không ít thời gian để ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa, nhưng thay vào đó, hầu hết chỉ chạy đua tín dụng. Hiện trạng bây giờ phải chăng là cái giá phải trả cho những mục tiêu lợi nhuận trước mắt hay đó chính là sự thích ứng đối với cơ chế quản lý chưa thực sự mang tính thị trường?

Có lẽ cả hai. Vừa qua, VPBank đã đầu tư rất mạnh để phát triển mạng lưới, hiện tại VPBank đã có 135 chi nhánh phòng giao dịch; phát hành thẻ công nghệ tiên tiến; đầu tư 300 máy ATM; bỏ ra hơn 5 triệu USD cho hệ thống core-banking, hệ thống phân loại tín dụng nội bộ chuẩn bị theo tiêu chuẩn Basel II. Đúng lúc đó tín dụng bị chặn lại, chi phí nuôi bộ máy lớn, bị khống chế lãi suất đầu ra (không quá 21%/năm - PV).

Tất cả những điều này khiến lợi nhuận của chúng tôi bị ảnh hưởng mạnh.

Bây giờ chúng tôi không chạy đua theo lợi nhuận bằng mọi giá mà lấy an toàn là mục tiêu cao nhất nên chấp nhận cho các chi nhánh tạm “đứng nguyên tại chỗ”, không phát triển tín dụng, chỉ tập trung cho dịch vụ. Các chi nhánh rà soát lại các khoản tín dụng hiện có, tiết giảm chi phí, tạm ngừng cho vay đối với các khách hàng mới.

Chúng tôi tập trung củng cố nội lực để không chỉ vượt qua thời điểm gian khó của nền kinh tế, mà còn tạo đà khi thời cơ mới trong kinh doanh đến, chúng tôi có thể phát triển mạnh mẽ hơn với nền tảng và tiềm lực sẵn có của mình...

(Theo TBKTSG)