08:17 21/05/2007

Đấu giá 5 triệu cổ phiếu Vincom: Rủi ro hay là thuận lợi?

Hải Bằng

Hoạt động kinh doanh của Vincom hiện nay chủ yếu tập trung vào toà tháp đôi Vincom Tower (VCT)

Toàn cảnh tháp đôi Vincom tại Hà Nội.
Toàn cảnh tháp đôi Vincom tại Hà Nội.
Ngày đấu giá 5 triệu cổ phiếu ra công chúng của Công ty Cổ phần Vincom đã được lùi lại 30 ngày so với ngày 6/6/2007 như đã công bố.

Tuy nhiên, mức giá khởi điểm 80.000 đồng/cổ phiếu vẫn chưa có gì thay đổi. Công ty Vincom cũng vừa công bố thông tin rất chi tiết về tình hình kinh doanh và chiến lược phát triển trong những năm tới, riêng thông tin về những rủi ro được công bố nhiều nhà đầu tư cho rằng Vincom “tự đánh bóng” mình.

Công ty Cổ phần Vincom có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, chuyên kinh doanh bất động sản, dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà ở, máy móc, thiết bị công trình, kinh doanh khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí... Trải qua 5 năm phát triển, ngày nay với thương hiệu Vincom, công ty đã tạo được một vị thế vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cung cấp dịch vụ.

Theo Vincom, với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam sẽ có nhiều dự án đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp, thị trường quản lý bất động sản do đó có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Thêm vào đó, theo quyết định phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích nhà bình quân đầu người phải đạt mức 15 m2 sàn vào năm 2010 và 20m2 sàn vào năm 2020, chất lượng nhà ở phải đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Quyết định này sẽ có tác động khuyến khích rất lớn đối với việc phát triển nhà ở trong căn hộ chung cư cao tầng để tăng nhanh quỹ nhà ở, tiết kiệm đất đai, tạo diện mạo và cuộc sống văn minh đô thị.

Cùng với xu hướng mở cửa nên đối thủ cạnh tranh của công ty không chỉ là các doanh nghiệp trong nước mà còn cả các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính rất mạnh. Nhìn chung, việc ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh sẽ làm giảm thị phần của Vincom. Nhưng với những lợi thế sẵn có của mình, công ty này có thđủ năng lực để kiểm soát được rủi ro này và từng bước mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việt Nam chính thức gia nhập WTO và việc thông thoáng hơn trong các chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài khi hội nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước, trong đó có Vincom.

Hoạt động kinh doanh của Vincom hiện nay chủ yếu tập trung vào toà tháp đôi Vincom Tower (VCT) và hiện nay cũng đã khai thác hầu như 100% công suất nên việc tạo ra sự tăng trưởng cho công ty trong tương lai sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, đây không thật sự là một hạn chế đối với Vincom, bởi những nguyên nhân sau: giá cho thuê văn phòng và trung tâm thương mại của Vincom hiện đang thấp hơn các đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực nên việc tăng giá cho thuê cho ngang bằng với mức giá bình quân thị trường là rất đơn giản. Hầu hết các hợp đồng cho thuê của Vincom là ngắn hạn nên với việc giá cho thuê văn phòng và trung tâm thương mại đang tăng mạnh như hiện nay thì điều chỉnh tăng giá cho phù hợp của Vincom là rất dễ dàng.

Bên cạnh việc kinh doanh trên toà VCT như hiện nay thì Vincom cũng đang xúc tiến các dự án bất động sản khác với tiềm năng phát triển là khá lớn. Ngoài lĩnh vực kinh doanh bất động sản thì hoạt động cung cấp các dịch vụ vui chơi giải trí cũng đang mang lại hiệu quả và công ty đang có kế hoạch phát triển mạnh lĩnh vực này nhằm đa dạng hoá hoạt động, giảm thiểu rủi ro.

Với những lý do trên thì những rủi ro kinh doanh hạn chế tiềm năng phát triển của công ty cũng được giảm thiểu đáng kể.