10:09 04/09/2007

Đấu giá cổ phần ế ẩm: Nguyên nhân do đâu?

Hoàng Lộc

Trong thời gian qua, nhiều cuộc đấu giá cổ phần ra công chúng thất bại khiến thị trường OTC bị đóng băng gần 5 tháng trời

Nguyên nhân đấu giá thất bại là do sức cầu của nhà đầu tư trong nước sụt giảm mạnh.
Nguyên nhân đấu giá thất bại là do sức cầu của nhà đầu tư trong nước sụt giảm mạnh.
Trong tuần cuối tháng 8 đã diễn ra 4 cuộc bán đấu giá cổ phần ra công chúng, 2 cuộc đấu thành công và 2 cuộc đấu rất ế ẩm.

Trước đó, nhiều cuộc đấu giá cũng đã thất bại, góp phần làm cho thị trường OTC đóng băng gần 5 tháng trời. Vậy đâu là nguyên nhân chính của tình trạng đấu giá thất bại?

Ngày 30/8, Công ty Cổ phần Dệt vải Phong Phú đưa ra đấu giá 1.627.700 cổ phần, giá khởi điểm 12.500 đồng/cổ phần. Toàn bộ cổ phần đã được 84 nhà đầu tư cá nhân và 1 tổ chức mua hết với giá cao nhất là 19.500 đồng, thấp nhất 13.400 đồng và giá bình quân là 13.613 đồng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú đưa ra đấu giá 1.605.800 cổ phần, giá khởi điểm 12.500 đồng/cổ phần. Toàn bộ cổ phần đã được 92 nhà đầu tư cá nhân và 1 tổ chức mua hết với giá cao nhất là 23.500 đồng, thấp nhất 12.900 đồng và giá bình quân là 13.485 đồng. Nhà đầu tư nước ngoài không trúng đấu giá một cổ phần nào của 2 công ty này.

Trước đó, ngày 27/8, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng bưu điện mang đấu giá 2 triệu cổ phần, giá khởi điểm 45.000 đồng nhưng chỉ bán được có 297.400 cổ phần (chiếm gần 15%) với giá cao nhất cao hơn giá khởi điểm chỉ có 200 đồng.

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam còn ế thảm hại hơn: Công ty này bán đấu giá 12,58 triệu cổ phần với giá khởi điểm 60.000 đồng nhưng chỉ bán được có 746.300 cổ phần (nhà đầu tư nước ngoài trúng 280.000 cổ phần), bằng 6% lượng chào bán với giá trúng cao nhất cao hơn giá khởi điểm chỉ có một bước giá là 100 đồng. Hai phiên đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) và Bảo Việt trước đó cũng rất ế ẩm.

Trước thực tế đó, một số doanh nghiệp đã và đang tính đến phương án tạm lùi thời gian đấu giá (Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang và Công ty Đầu tư Vận tải dầu khí Vinashin (Shinpetrol) vừa xin rút hồ sơ chào bán cổ phần, chờ đến khi thị trường có dấu hiệu khả quan hơn hoặc chọn cách phát hành là bán cho cổ đông chiến lược, nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư hoặc mời đấu giá trực tiếp đến các tổ chức lớn bằng cách doanh nghiệp phát hành gửi trực tiếp thư mời cho các tổ chức và sau đó tổ chức cuộc đấu giá giữa các tổ chức đăng ký mua với nhau.

Vậy đâu là nguyên nhân chính làm cho nhiều cuộc đấu giá cổ phần quá ế ẩm?

Nguyên nhân quan trọng có thể coi là bậc nhất, đó là sức cầu của nhà đầu tư trong nước sụt giảm mạnh do tác động của Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và những biện pháp hút tiền trong lưu thông về “kho” để giảm áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang siết chặt các khoản vay đầu tư vào chứng khoán, lên phương án đòi nợ để đến 31/12/2007 phải giảm tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán xuống dưới 3% tổng dư nợ cho vay. Nhiều chuyên gia ngân hàng kiến nghị nâng tỷ lệ này lên 5% để “kích cầu” chứng khoán và đưa ra lý do dù có nâng lên 5% vẫn đảm bảo mức độ rủi ro cho vay chứng khoán ở mức an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Trong khi nhà đầu tư “nội” thiếu rất nhiều tiền để tham gia và đầu cơ cổ phần đấu giá thì nhà đầu tư nước ngoài chưa chịu trút hầu bao vào thị trường này mà “găm tiền” chờ đợi những đợt IPO lớn của Vietcombank, BIDV, Tổng công ty Xây dựng số 1, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội...

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, đây là một thời cơ lớn vì họ không phải mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm những cơ hội đầu tư tốt, trong bối cảnh tại thị trường chứng khoán chính thức nhiều cổ phần “ngon” đã hết room. Những thông tin gần đây cho thấy, hiện có khoảng 3-5 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngòai đang chờ những “đại gia” IPO. Với số vốn sẵn sàng đầu tư lớn như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua hết toàn bộ số cổ phần IPO của những ngân hàng, tập đòan lớn, nhất là cổ phần của Vietcombank trong tháng 10 tới.

Một số chuyên gia dự báo, cuộc đấu giá cổ phần của Vietcombank tới sẽ rất sôi động với sự tham gia rất đông của nhà đầu tư nước ngoài vì thương hiệu Vietcombank đã được giới kinh doanh thế giới biết đến từ nhiều năm qua.

Như vậy, có thể thấy, sức cầu của toàn thị trường cho IPO cổ phần không hề suy giảm mà sẽ tiếp tục tăng do hàng loạt quy đầu tư nước ngoài đang được thành lập ở Việt Nam, chỉ có sức cầu của nhà đầu tư nội là sụt giảm.

Ngoài nguyên nhân chủ chốt ở trên có thể thấy những nguyên nhân mang tính “thời vụ” nhất thời như: Nhiều cuộc đấu giá gần đây không thành công do doanh nghiệp kỳ vọng quá cao nên đã đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn nhiều giá trị thực của doanh nghiệp theo con mắt nhận xét của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Hai cuộc đấu giá thành công của Dệt Phong Phú đều có giá khởi điểm chỉ có 12.500 đồng, còn các cuộc đấu giá thất bại đều có giá khởi điểm “quá kỳ vọng” từ 45-80.000 đồng/cổ phần, trong khi thị trường đang trì trệ.

Một số công ty nhìn nhận thực tế hơn về giá trị công ty mình nên đã chào bán cổ phần riêng lẻ cho các tổ chức, kể cả các quỹ đầu tư nước ngoài rất thành công như Công ty Điện Quang, Intresco, Licogi 16, Coteccons.

Nhiều doanh nghiệp IPO công bố thông tin quá sơ sài, không minh bạch, phương án sử dụng vốn phát hành thiếu thuyết phục, lãnh đạo doanh nghiệp thiếu cởi mở và thẳng thắn với nhà đầu tư làm giảm sút lòng tin của họ. Một nguyên nhân nữa là doanh nghiệp đưa ra phương pháp phát hành sai do công ty tư vấn thiếu kinh nghiệm hoặc không sử dụng tư vấn phát hành.