08:55 18/06/2007

Đấu giá cổ phiếu PVI: Nước ngoài được quyền mua toàn bộ

Hoàng Xuân

Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 0% cổ phần tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI)

PVI sẽ sử dụng một phần vốn huy động vào dự án đóng tàu chở dầu.
PVI sẽ sử dụng một phần vốn huy động vào dự án đóng tàu chở dầu.
Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) sẽ tăng vốn điều lệ đợt 2/2007 từ 500 tỷ lên 851,35 tỷ đồng, trong đó sẽ bán 100 tỷ đồng thông qua đấu giá tại sàn Hà Nội.

Liệu trong lần đấu giá này, nhà đầu tư nước ngoài có quyền mua hết lượng bán ra ngoài hay không? Cuộc trao đổi dưới đây của chúng tôi với ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVI, sẽ phần nào lý giải băn khoăn này.

Trong bản công bố về đợt phát hành tăng vốn điều lệ lần 1/2007 của PVI ghi rằng không giới hạn về tỷ lệ nắm giữ đối với người nước ngoài. Như vậy, có thể hiểu nhà đầu tư nước ngoài có quyền mua tối đa 10 triệu cổ phiếu PVI được đưa ra đấu giá, thưa ông?

Khi tiến hành bán đấu giá cổ phần lần 2 để tăng vốn điều lệ, PVI đã trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, tăng 35,135 triệu cổ phần, trong đó 25,135 triệu cổ phần bán cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên, 10 triệu cổ phiếu tương đương 100 tỷ đồng mệnh giá chiếm 12% vốn điều lệ của PVI sau khi tăng.

Trong cáo bạch không nêu tỷ lệ cổ phần tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước bởi hai lý do. Thứ nhất, căn cứ theo Quyết định số 36/2003/QĐ-TTG ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, các cá nhân và thể nhân nước ngoài có thể mua tối đa 30% cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, do nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 0% cổ phần tại PVI, như vậy nếu nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua toàn bộ số cổ phần đấu giá ra công chúng trong đợt phát hành này cũng không trái các quy định hiện hành.

Thứ hai, theo quy định tại điều 69 của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản khi thay đổi một trong 8 nội dung trong đó có quy định là khi chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên. Quy định này đã được PVI thực hiện đầy đủ và đã được Bộ Tài chính chấp thuận. Trong văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính không hề nhắc đến tỷ lệ hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước khi đăng ký mua đấu giá cổ phần của PVI cần thực hiện theo các quy định của quy chế đấu giá do Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành và các quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này không thuộc thẩm quyền của PVI.

Mức giá khởi điểm 50.000 đồng/cổ phiếu được xác định trên cơ sở nào, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay, các nhà đầu tư phải tính toán kỹ. Mức giá khởi điểm 50.000 đồng được đưa ra dựa trên 3 điều kiện tham khảo.

Thứ nhất, đây là mức giá hoàn toàn hợp lý dành cho những người thực sự muốn đầu tư vào cổ phiếu PVI, chứ không phải dành cho những người muốn tận dụng cơ hội để đầu cơ cổ phiếu. Bản thân chúng tôi rất muốn chọn được nhà đầu tư tin tưởng vào tương lai và muốn đầu tư vào PVI.

Thứ hai, trên thị trường tự do giá giao dịch của PVI đang là 140.000 - 150.000 đồng/cổ phần. Thứ ba, mức giá khởi điểm các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí khi đưa ra bán đấu giá.

Ông nói rằng, trong lần tăng vốn đợt 2/2007 thêm 149 tỷ đồng, PVI dành 100 tỷ đồng để bán cho các đối tác chiến lược. Tại sao lại không phải bây giờ mà phải chờ đến cuối năm mới thực hiện bán cho đối tác chiến lược?

Ngày 15/6/2006 vừa qua, Hội đồng Quản trị của PVI đã họp kỳ họp phiên thứ III trong đó có nội dung xem xét các vấn đề liên quan đến đợt tăng vốn lần thứ 2 lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2007 và trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tôi nghĩ rằng việc PVI lựa chọn một vài nhà đầu tư chiến lược tham gia là cần thiết nhằm tận dụng và phát huy lợi thế của các đối tác. Tuy nhiên lựa chọn nhà đầu tư phù hợp là vấn đề cần xem xét và phải được Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Tiêu chí chọn đối tác chiến lược của PVI như thế nào? Đối tác chiến lược trong nước và nước ngoài của PVI có gì khác biệt không?

Thời gian vừa qua chúng tôi có nhận được một số đề nghị làm cổ đông chiến lược của các công ty và các quỹ nước ngoài. Tuy nhiên việc lựa chọn một đối tác làm cổ đông chiến lược phải đảm bảo đôi bên cùng có lợi và trên cơ sở tạo ra sự hợp tác có giá trị cao nhất do đó đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Có thể nói, việc lựa chọn đối tác chiến lược là phục vụ chiến lược phát triển lâu dài và bền vững của PVI.