10:06 05/02/2010

Dầu khí Trung Quốc vươn ra thị trường mới

Quốc Trung

Trung Quốc nhìn thấy những cơ hội khổng lồ tại châu Phi và hiện nay, châu lục này đã đáp ứng 25% nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc

Đầu tư của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây - Ảnh: NY Times.
Đầu tư của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây - Ảnh: NY Times.
Là quốc gia tiêu thụ  dầu đứng thứ hai trên thế giới, Trung Quốc hiện đang tìm cách đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại các quốc gia châu Phi và mở rộng sang các thị trường mới để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của mình.

Trung Quốc nhìn thấy những cơ hội khổng lồ tại châu Phi và hiện nay, châu lục này đã đáp ứng 25% nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc.

Châu Phi tiềm năng

Kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Phi tăng từ 1 tỉ USD năm 1999 lên 40 tỉ  USD năm 2005 và tăng lên 106,8 tỉ USD năm 2008. Cuối năm 2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cam kết xoá nợ cho các nước châu Phi và trong ba năm, Bắc Kinh sẽ dành cho lục địa đen 10 tỷ USD vay ưu đãi và xây dựng mới 100 trạm năng lượng sạch cho khu vực này.

Hiện Bắc Kinh đang tìm cách đầu tư vào dầu khí tại các quốc gia Tây Phi như Ghana và Guinea để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của mình. Công ty dầu quốc gia Trung Quốc đang thảo luận với công ty dầu quốc gia Ghana một hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD để cạnh tranh với hãng dầu Exxon của Mỹ.

CNOOC, hãng dầu khí  quốc gia lớn thứ ba tại Trung Quốc vừa bàn thảo mua số  lượng lớn cổ phần tại 23 lô giàu trữ lượng dầu nhất trên thế giới tại Nigeria, với tổng trị  giá thoả thuận ước đạt 30 tỷ USD. CNOOC còn đấu thầu mua 6 tỷ thùng dầu, tương đương 1/6 sản lượng của quốc gia khai thác dầu lớn thứ nhì châu Phi này.

Trong một vụ mua bán gần đây của Trung Quốc đối với các mỏ dầu của Nigeria, hãng dầu khí lớn thứ hai Trung Quốc là tập đoàn Sinopec Group đã trả 7,24 tỷ USD cho hãng dầu khí của Thụy Sỹ Addax vốn hoạt động tại Nigeria và các nước châu Phi khác.

Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc đã ký ba văn bản hợp tác về lĩnh vực dầu khí với Chính phủ Sudan, trong đó có dự  án xây dựng và mở rộng Nhà máy lọc dầu Khartum giai đoạn 2 với Bộ Năng lượng và Khoáng sản Sudan. Hiện nay, nhà máy lọc dầu này mỗi năm cung cấp trên 80 % xăng, dầu cho thị trường Sudan.

Không chỉ đầu tư vào dầu mỏ, châu Phi còn là thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi cũng nhận được nhiều sự ưu đãi. Trung Quốc đã trở  thành đối tác thương mại lớn thứ ba ở châu lục này sau Mỹ và Pháp. Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tới cuối năm 2008 vượt 100 tỉ USD và trở thành nước đầu tư lớn nhất tại châu Phi. Quỹ phát triển Trung Quốc - Châu Phi được xây dựng với số vốn là 5 tỉ USD nhằm để khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư vào châu Phi.

Tìm hướng đầu tư mới

Mỹ Latinh là một trong những thị trường mới mà Trung Quốc nhắm đến.

Venezuela vừa công bố hợp đồng dầu khí trị giá 16 tỷ USD với Trung Quốc tại vùng vành đai sông Orinoco. Tổng thống Venezuela H.Chavez cho biết, các hợp đồng này  kéo dài ba năm và tiền đầu tư sẽ đổ vào phát triển tài nguyên dầu thô ở vùng vành đai sông Orinoco và giúp tăng sản lượng dầu của Venezuela lên 900.000 thùng/ngày.

Tại khu vực Trung Đông, Trung Quốc đã quyết định xoá 80% khoản tiền 8,5 tỷ  USD mà Iraq nợ nước này. Năm 2009, hai nước đã ký các hợp đồng thương mại trị giá 3,8 tỷ USD. Theo đó, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký hợp đồng khai thác mỏ dầu Halfaya ở miền Nam, cùng với Tập đoàn BP khai thác mỏ dầu Rumaila lớn nhất Iraq.

Trước đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng những nước nhỏ và nghèo, không có mỏ khoáng sản lớn, không phải là những nơi mà Trung Quốc muốn đầu tư. Tuy nhiên, thực tế là Bắc Kinh lại ngày càng quan tâm tới các nước nghèo ở Đông Âu. Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ cho Moldova vay 1 tỷ USD, số tiền bằng 10% GDP của quốc gia Đông Âu này nhằm thiết lập mạng lưới khách hàng tại khu vực “sân sau” của Liên minh châu Âu (EU). Việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU qua Moldova có thể giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc đã cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD với Tadjikistan, và nhất trí một thỏa thuận về tiền tệ trong 3 năm, trị giá 2,93 tỷ USD với Belarus.