00:44 05/05/2007

“Đầu tư của Mỹ rất có thể sẽ tăng đột biến”

Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco trao đổi với báo giới về làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam

"Mối quan tâm của giới doanh nhân Mỹ tới Việt Nam đã tăng đột biến trong thời gian qua" - Ảnh: Thương vụ Hoa Kỳ.
"Mối quan tâm của giới doanh nhân Mỹ tới Việt Nam đã tăng đột biến trong thời gian qua" - Ảnh: Thương vụ Hoa Kỳ.
Ông Trần Tuấn Anh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, thành phố lớn nhất của bang California, nơi tập trung đông nhất bà con Việt kiều tại Mỹ, trao đổi với báo giới về làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam trong tương lai không xa.

Ông từng nói tới sự gia tăng đột biến mối quan tâm của doanh nhân Mỹ đối với Việt Nam và cho rằng, còn có thể gọi đó là “làn sóng Việt Nam”. Ông có thể nói cụ thể hơn về những biểu hiện của làn sóng này?

Đúng như vậy. Mối quan tâm của giới doanh nhân Mỹ tới Việt Nam đã tăng đột biến trong thời gian qua, đặc biệt từ khi Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) được thông qua và Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Những quan tâm này phát triển về cả số lượng lẫn chiều sâu. Biểu hiện rõ nét nhất là những quan tâm của các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Họ tăng cường yêu cầu sứ quán cung cấp thông tin về Việt Nam và giới thiệu những đối tác tiềm năng, những cơ hội kinh doanh cụ thể.

Đáng lưu ý, khác với trước kia, họ không chỉ hỏi chung chung về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, mà đã tập trung vào thị trường chứng khoán, chương trình cổ phần hoá, các chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực ngân hàng - tài chính...

Chỉ tính trong lĩnh vực ngân hàng, đã có những tên tuổi hàng đầu của Mỹ như MerriLynch, American Bank, East - West Bank, United Commercial Bank bày tỏ quan tâm của mình. Thậm chí, đại diện tập đoàn tài chính Credit Suisse và Boston Bank đã bay từ châu Âu sang Mỹ để tiếp kiến Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm trong thời gian ông thăm Mỹ hồi giữa tháng 3 vừa qua.

Rõ ràng, các doanh nghiệp Mỹ đã có những quan tâm và nghiên cứu rất nghiêm túc về những vấn đề cần hỏi. Rất nhiều doanh nghiệp trước kia coi Tổng lãnh sự quán là đầu mối thông tin quan trọng hoặc duy nhất, thì nay đã chủ động tìm kiếm thông tin từ Internet, từ các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn và chỉ tìm đến sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán để kiểm chứng, tham khảo hay bổ sung thêm thông tin.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới làn sóng này?

Như tôi đã nói ở trên, sau khi PNTR được thông qua và Việt Nam gia nhập WTO, các nhà đầu tư Mỹ đã nhận thấy rõ cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam rộng mở hơn.

Thực ra, ngay khi Việt Nam bước vào chặng đường cuối của việc đàm phán gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp Mỹ gốc Việt như MerriLynch, East-West Bank, United Commercial Bank, cảng Orland, Bệnh viện Standford Clinic... đã nhìn thấy những cơ hội đầu tư ở Việt Nam và họ đã hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong việc vận động hành lang để chính quyền và Quốc hội Mỹ tạo điều kiện cho Việt Nam trong đàm phán WTO và đặc biệt là có được PNTR.

Phần lớn trong số các doanh nghiệp kể trên đã liên kết thành lập liên minh ủng hộ Việt Nam theo sự khởi xướng của Ủy ban Thương mại Mỹ - Việt. Liên minh này đã nhiều lần viết thư gửi Quốc hội Mỹ, cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ, tham gia các buổi điều trần để tận dụng cơ hội đấu tranh cho Việt Nam.

Nghĩa là, theo dự đoán của ông, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ trở thành một làn sóng trong một tương lai không xa...?

Tôi cho rằng, chắc chắn sẽ có những đối tác rất lớn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Thậm chí, chúng ta có thể hy vọng, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ có những tăng trưởng mang tính đột biến. Tất nhiên, vốn đầu tư của Mỹ sẽ vẫn vào Việt Nam qua nhiều kênh, kể cả con đường qua nước thứ 3.

Cá nhân tôi nhận thấy, khá nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực dịch vụ, phân phối bán lẻ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến và hoá dầu... quan tâm đến Việt Nam.