10:09 05/12/2007

Đầu tư hạ tầng: Tư nhân lại lên tiếng

Thành Nam

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cho phép khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là sự kiện thường niên diễ ra trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là sự kiện thường niên diễ ra trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cho phép khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Sáng 4/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2007 (VBF 2007), sự kiện trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam năm nay, đã khai mạc tại Hà Nội. Môi trường kinh doanh của Việt Nam, thị trường ngân hàng, thị trường vốn, cơ sở hạ tầng (cảng biển, viễn thông)... tiếp tục là những chủ đề của VBF thường niên.

Vấn đề cơ sở hạ tầng còn yếu kém một lần nữa được các nhà đầu tư trong và ngoài nước “giục giã” Chính phủ Việt Nam. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vào tháng 5/2007, các nhà đầu tư cũng đã lưu ý rằng cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tốt then chốt để Việt Nam - nền kinh tế mới nổi - để tiếp tục xây dựng nền tảng cho cơ hội và sự phát triển.

Những hạn chế về cơ sở hạ tầng, như ghi nhận từ diễn đàn là quá ít cảng biển của nước ta có khả năng tiếp nhận tàu container cỡ lớn, thiếu cơ sở kho bãi hiện đại và dịch vụ vụ hậu cần đạt chuẩn mức quốc tế,… sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Vì thế, các doanh nghiệp và hiệp hội tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Hai năm trước cũng tại VBF, Chính phủ đã kêu gọi mọi thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước cùng chung tay với Chính phủ trong vấn đề này.

Đại diện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) phát biểu tại diễn đàn rằng sự tham gia của khu vực tư nhân vào sự phát triển cơ sở hạ tầng là một đòi hỏi cấp bách, đặc biệt là đối với việc phát triển cảng nước sâu và nhà máy điện.

Chủ tịch AmCham, ông Christopher Muessel, dẫn chứng tại Tp.HCM, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI, đang diễn ra tình trạng quá tải cảng biển; hay việc phát triển điện năng của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng hàng năm có thể vượt quá năng lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Chính vì thế, các công ty thành viên AmCham và công ty khác đã đệ trình và kiến nghị về các dự án xây dựng hải cảng với sự hợp tác của Cảng Sài Gòn, hay phát triển dự án điện với đối tác của Việt Nam.

“Một lần nữa AmCham kiến nghị Chính phủ xem xét thuận lợi các dự án để cho phép khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng (điện, đường sá, cầu cống) đang rất cần cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam”, người đứng đầu AmCham bày tỏ. Tại diễn đàn lần trước, AmCham cũng đã phát biểu rằng Việt Nam cần phải chuyển từ lời kêu gọi thuần túy sang việc cho phép trên thực tế để các nhà đầu tư có thể tham gia và nhanh chóng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng mà nước ta đang cần.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) nhận định việc tự do hóa và thu hút đầu tư nước ngoài sẽ rất quan trọng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam trên tất cả các phương diện (điện, thông tin liên lạc, giao thông).

“Như chúng tôi đã khuyến nghị trước đây, điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong phân bổ nguồn lực trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng”, phía AusCham lên tiếng. “Chỉ đơn thuẩn kêu gọi đầu tư nước ngoài là chưa đủ khi mà các lĩnh vực này vẫn được coi là có điều kiện, quá trình cấp phép phức tạp, và các điều kiện dành cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn vẫn chưa khả thi thương mại”.

Tuy nhiên, trao đổi với báo giới bên lề diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay không phải là nhà đầu tư nào quan tâm đến cơ sở hạ tầng cũng có thể được cấp phép.

“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn rất lớn mà khả năng thu hồi vốn lâu. Cho nên phải phân loại các dự án, dự án nào có khả năng thu hồi vốn thì sẽ huy động để nhà đầu tư tư nhân tham gia, còn những dự án nào không có khả năng thu hồi vốn hoặc không thể thu hồi vốn thì Chính phủ phải bằng mọi nguồn lực của mình để thực hiện”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.