07:22 18/04/2007

Đầu tư vào dệt may, từ đâu?

Nguyễn Hoài

Tỷ suất lợi nhuận trên một đồng vốn đầu tư của ngành dệt may là bao nhiêu để có thể hy vọng vào kênh vốn chứng khoán?

Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 sau dầu thô tại Việt Nam.
Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 sau dầu thô tại Việt Nam.
Từ 17-19/4, 220 công ty đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hội tụ tại “Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, vải và phụ liệu 2007”, giới thiệu máy móc, thiết bị sản xuất vải, phụ liệu cho ngành dệt may.

Đây cũng là dịp để ngành công nghiệp dệt may Việt Nam nhìn lại mình để có hướng đầu tư đúng đắn, nhằm tăng tỷ lệ lợi nhuận trong doanh số kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Trong số hàng trăm gian hàng giới thiệu các thiết bị, máy móc sản xuất thành phẩm và nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, hầu hết đến từ Trung Quốc, Italia, Nhật Bản... và các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI. Gian hàng của các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất ít.

Phải nhập khẩu ngay từ cái khuy áo

Bà Susan Hsu, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Paiho, một doanh nghiệp 100% vốn FDI, chuyên sản xuất và cung cấp phụ liệu cho ngành may và giầy nói: “Sản phẩm của Paiho được cung ứng cho các hãng giầy nổi tiếng như Nike, Adidas... và một số doanh nghiệp trong nước nhưng đầu vào của Paiho thì 100% nhập khẩu”.

Bà Susan Hsu cho biết thêm, sở dĩ các nguyên vật liệu cho nhà máy của bà như sợi PES, Polyester, sợi cao su, chất phản quang, nilon... không thể mua của các nhà sản xuất trong nước vì nguyên liệu không ổn định, chất lượng thấp, hình thức xấu, gây ảnh hưởng đến thương hiệu Paiho nên dù rất muốn, nhưng cũng đành chịu.

Ông Jonh Tan, Giám đốc Công ty Huanye, trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) chuyên sản xuất thiết bị máy móc in chữ, hình ảnh lên vải, nhựa và máy cắt vải, nói: “Triển lãm này là cơ hội để chúng tôi bán các loại máy móc, bởi thị trường Việt Nam chưa thấy đầu tư các nhà máy này”.

Tại gian hàng của Tập đoàn SWF, chuyên cung ứng máy thêu từ Hàn Quốc, chị Phùng Ngọc Thảo, đại diện SWF cho biết, những cuộn chỉ thêu để chiếc máy đang vận hành tại gian hàng cũng phải đưa từ Hàn Quốc sang vì ở Việt Nam rất khó tìm nổi một cuộn chỉ cho chiếc máy của chị. Chuyển sang các gian hàng, từ mẫu mã chiếc khuy áo, băng nhám, dây phản quang, dây giầy, dây dệt... đều chủ yếu từ các doanh nghiệp nước ngoài mà không thấy sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Hoàng Quốc Nghị, đại diện Công ty TNHH Tam Liên, chuyên cung ứng máy chải xơ bông để hoàn thiện sản phẩm từ kiện bông - cúi - sợi thô - sợi con và các loại máy khác cho công nghiệp dệt may của 21 hãng trên thế giới, tiết lộ: vài năm gần đây, công ty của ông ăn nên làm ra và hiện tại, Tam Liên đang chiếm 90 - 95% thị phần cung ứng các loại máy nói trên.

Giải quyết vốn và danh mục đầu tư

Trong khuôn khổ triển lãm lần này, Tập đoàn Dệt may (Vinatex) đã tổ chức buổi tọa đàm “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may”, Hiệp hội Dệt may đã công bố 22 dự án trọng điểm dệt vải thoi toàn ngành, trong đó có 11 dự án của Vinatex với tổng số vốn lên tới 1,73 tỷ USD. Chỉ tính riêng các dự án của Vinatex đã lên tới con số 11 dự án.

Theo một chuyên gia của ngành dệt may, để những dự án này khả thi, phải giải quyết hai vấn đề cốt lõi: vốn và danh mục đầu tư.

Thứ nhất, để giải quyết nguồn vốn, theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex: “Nguồn vốn đầu tư phải đa dạng và đa sở hữu. Chúng tôi có một giải pháp giải quyết vốn theo một công thức như sau: nếu cần 100 đồng vốn cho dự án thì vốn chủ sở hữu là 30%, vốn vay thương mại 70%”.

Ông Ân cũng cho biết thêm, đối với việc huy động vốn của Tập đoàn Vinatex, trong số 30% vốn chủ sở hữu thì sở hữu của tập đoàn khoảng 20 - 30%. Phần còn lại sẽ kêu gọi các cổ đông cùng các nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu từ kênh thị trường chứng khoán.

Nhưng đến đây, một câu hỏi đặt ra: tỷ suất lợi nhuận trên một đồng vốn đầu tư của ngành dệt may là bao nhiêu để có thể hy vọng vào kênh vốn chứng khoán? Ông Ân cho biết: “Các công ty cổ phần của Vinatex đã chia cổ tức là 12%/năm, nhiều công ty chia cổ tức 15 - 27%/năm”.

Thứ hai, cứ cho rằng, quan điểm giải quyết bài toán vốn như trên là khả thi thì các dự án đầu tư còn phải giải quyết một vấn đề khác: danh mục đầu tư. Trên thực tế, đầu tư cho công nghiệp dệt may không thể dàn trải vào tất cả dự án công nghiệp dệt may thế giới thu nhỏ. Bởi sự phát triển bất cứ một ngành công nghiệp nào, ở bất cứ quốc gia nào cũng phải chịu tác động của sự phân công lao động mang tầm khu vực và thế giới.

Theo quan điểm này, bà Đặng Phương Dung cho rằng: Vinatex sẽ chú trọng vào khoảng 11 dự án trọng điểm, trong đó có các dự án như: đầu tư máy kéo sợi compact, kéo sợi cao cấp, nhà máy sản xuất Polyester, nhuộm hoàn tất vải Denim, vải địa kỹ thuật.

Trong những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể với tốc độ trên dưới 20%/năm, kim ngạch xuất khẩu chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước, trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 sau dầu thô và xếp thứ 10 trong số 153 nước xuất khẩu hàng dệt may trên toàn thế giới.

Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 5,93 tỷ USD và theo bà Dung, con số này vào 2010 sẽ là 10 tỷ USD, 2020 đạt mức 20 – 22 tỷ USD, đứng trong TOP 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, có một con số khác phải suy ngẫm, đó là doanh số thực tế thu về cho các doanh nghiệp Việt Nam chỉ 20 - 30% toàn bộ doanh thu xuất khẩu. Sở dĩ có điều này là bởi các doanh nghiệp trong nước chỉ hưởng lợi một phần gia công ít ỏi trên mỗi đơn hàng. Vì vậy, việc đầu tư vào ngành này không chỉ là các nhà máy nguyên phụ liệu mà phải có một chiến lược đầu tư tổng thể từ nguyên phụ liệu đến thiết kế, hoàn thành sản phẩm, phân phối bán hàng và cả xây dựng thương hiệu.