09:02 24/03/2008

“Đau xót nhưng phải biết chấp nhận”

Lê Hường

TS. Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, nói về "mặt trái" của việc nới biên độ tỷ giá VND/USD

"Mục tiêu xuất khẩu trong năm nay có thể không đạt được và chúng ta có thể chứng kiến sự sụp đổ của một vài doanh nghiệp."
"Mục tiêu xuất khẩu trong năm nay có thể không đạt được và chúng ta có thể chứng kiến sự sụp đổ của một vài doanh nghiệp."
TS. Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, nói về "mặt trái" của việc nới biên độ tỷ giá VND/USD.

Thưa ông, tại sao thị trường ngoại hối của chúng ta lại gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu như vậy?

Chính sách hối đoái của Việt Nam cần được nhìn bằng một chuỗi sự kiện có tính lịch sử và phải đặt trong một bối cảnh cụ thể của thương mại đa phương hiện nay. Từ nhiều năm nay, việc điều hành chính sách tỷ giá hối đoái của chúng ta mang tính cố định tương đối.

Từ 2002 đến giờ, chúng ta đã 4 lần mở neo nhưng xu hướng dao động của tỷ giá sau khi được nới rộng lại không giống nhau. Trước đây, thông thường nếu biên độ được nới rộng ra chừng nào thì tỷ giá VND/USD lên kịch trần từng ấy, nhưng lần nới biên độ trong tháng 3 này lại có tác động ngược lại, tỷ giá VND/USD xuống kịch sàn ngay sau khi có quyết định chính thức.

Điều này cho thấy thị trường có ngôn ngữ thực, trong khi biên độ dao động được quy định chỉ là hình thức quản lý hành chính. Tất nhiên, cơ quan quản lý nhà nước bao giờ cũng muốn tỷ giá tương đối ổn định còn thị trường thì lại theo quy luật cung cầu và vốn có ngôn ngữ riêng.

Xu hướng chuyển động ngược chiều của tỷ giá trong năm nay là do vị thế của đồng USD suy yếu mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu. USD vốn là một đồng ngoại tệ mạnh, chiếm tỷ trọng thanh toán quốc tế khá cao.

Vì thế, dưới một góc độ nào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dường như là một ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới. Mỗi động thái của cơ quan này ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.

Theo thống kê, cứ 3 đồng USD được FED phát hành ra thì không đến 2 đồng USD ở lại nước Mỹ. Vì vậy, khi tại chính quốc, đồng tiền này bị suy yếu thì ngoài biên giới đồng tiền này cũng không thể giữ được giá.

Vì vậy, nhiều nước đã thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại tệ, thay đổi tập quán thương mại. Không phải nước nào cũng dự trữ đồng USD nữa nên cầu USD giảm đi, làm cung ngoại tệ đồng USD “dềnh” lên. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Như vậy, những giải pháp nào sẽ hiệu quả cho bối cảnh thị trường hiện nay, thưa ông?

Đồng VND đang “lên giá”, nhưng không phải là lên giá thực sự, mà do đồng USD mất giá quá nhanh. Trong khi đó, trên thực tế 19 đồng tiền có quan hệ ngoại thương với Việt Nam thì khoảng 17 đồng “khỏe” hơn đồng VND.

Giải pháp tốt nhất là phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước cho công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, nhưng phải kiểm soát và ngăn chặn chặt chẽ luồng ngoại tệ từ nước ngoài đổ vào mua trái phiếu này. Việc phát hành trái phiếu ngoại tệ có hai cái lợi.

Thứ nhất, ngoại tệ sẽ đến ngay tay người cần cho mục đích thanh toán các hợp đồng ngoại thương.

Thứ hai, những chủ thể nắm giữ tay trái phiếu ngoại tệ, chẳng hạn các đơn vị xuất khẩu có thể dùng trái phiếu thế chấp để vay tại ngân hàng thương mại Việt Nam. Như vậy, đây sẽ là một công cụ rất an toàn cho các ngân hàng.

Giải pháp thứ hai là, các ngân hàng thương mại nên đa dạng hóa ngoại tệ phục vụ cho tín dụng ngoại tệ ngắn hạn, nên từ bỏ dần dần thói quen cho vay bằng ngoại tệ chủ chốt là USD và chuyển sang cơ chế mua bán theo cung cầu thị trường.

Các doanh nghiệp nên bỏ thói quen sử dụng đồng USD cho tất cả các hợp đồng ngoại thương của mình. Ngân hàng Nhà nước cũng cần tính đến một cơ cấu dự trữ ngoại tệ đa dạng và hợp lý. Đấy cũng chính là bài học của Trung Quốc về việc dự trữ ngoại tệ “thuần” USD.

Ngoài ra, thị trường ngoại hối cần được nói tiếng nói của mình. Các cơ quan quản lý cần có trách nhiệm, hay nói cách khác, phải có năng lực nhận biết thị trường để có những quyết sách đón đầu và phù hợp với xu hướng. Chính sách hối đoái nên tác động vào cung cầu thị trường.

Những giải pháp như trên có mang lại “tác dụng phụ” nào cho nền kinh tế không, thưa ông?

Mục tiêu xuất khẩu trong năm nay có thể không đạt được và chúng ta có thể chứng kiến sự sụp đổ của một vài doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quy luật kinh tế thị trường nhiều khi tạo ra những cuộc ra đi rất đau xót và người chơi phải biết chấp nhận.

Hơn nữa, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là chống lạm phát. Nếu VND được bơm ra để giữ tỷ giá, cứu doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì biết bao nhiêu ngoại tệ cho đủ. Ngoài ra, việc dư thừa đồng nội tệ sẽ dẫn đến lạm phát và những người dân không thuộc “khu vực xuất khẩu” sẽ chịu tác động mạnh.

Vì vậy, một chính sách được ban hành không thể vì một “nhóm lợi ích” nhỏ mà bỏ qua đại cục. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận rủi ro về ngoại tệ, rủi ro về kinh doanh.