10:30 04/02/2008

“Đây mới là Tết Việt Nam”

Thành Nguyễn

"Bao năm ăn Tết nơi xứ người, vật chất thừa mứa nhưng thiếu hẳn cái không khí, cái hồn của quê hương"

Cây đào ngày Tết trổ hoa.
Cây đào ngày Tết trổ hoa.
“Chỉ có Tết ở quê nhà mới thực sự là Tết”, H. - người bạn thời sinh viên của tôi đã nói như vậy khi lần đầu, sau mấy chục năm ăn Tết nơi xứ người, về lại quê hương.

Ngôi nhà mẹ của H. nằm trong con hẻm khá rộng rãi trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Đến cửa đã nhìn thấy H. đang chỉnh sửa lại đĩa trái cây trên ban thờ tổ tiên cho thật ngay ngắn theo lời chỉ dẫn của mẹ, bà cụ đang đứng tựa vào cái bàn dài vừa làm nơi tiếp khách vừa làm bàn ăn, bà vẫn ốm như ngày xưa nhưng già đi nhiều lắm.

Nhìn thấy tôi, H. nở nụ cười thật tươi. H. gọi với vào trong : “Em ơi có T. đến thăm vợ chồng mình nè!”.

Một người phụ nữ từ phòng trong bước ra, tôi gật đầu chào: “Chào chị!”. Vợ H. cười, đúng là mẫu người phụ nữ mà H. vẫn hằng mơ ước khi còn đi học. Không đẹp nhưng toát lên vẻ dịu dàng pha lẫn một chút chịu đựng vốn có của người phụ nữ Việt Nam. “Tụi tao lấy nhau gần 25 năm rồi đó, đã có hai mặt con, một trai một gái trên hai mươi tuổi cả rồi, nay mới có dịp giới thiệu với mày”, H. vừa cười vừa nói.

Chúng tôi ngồi xuống bàn, vợ H. và người cháu dọn thức ăn ra. Có tất cả những món ngày Tết; thịt kho Tàu, giò lụa, lập xưởng, tôm khô, củ kiệu, dưa giá, cải chua, bánh tét, canh khổ qua... H. khui bia, nhân ngày đặc biệt này tôi cũng nhấm tí cho vui.

Mẹ H. ngồi cạnh vợ anh, bà cụ vẫn ăn ít như ngày xưa, lưng chén cơm và miếng giò lụa vợ H. tiếp cho cụ còn mãi trong chén. Bà chỉ nhìn chúng tôi ăn, khuôn mặt bà gầy gò nhưng ánh mắt rạng ngời niềm vui. Tiếng bà nhẹ nhàng: “Lâu lắm rồi tao mới thấy vui khi ngồi ăn cơm, nếu có mấy đứa cháu nội cháu ngọai về đủ là tao mãn nguyện lắm. Con cháu mới thực là niềm vui của tuổi già”. Tôi liếc sang thấy H. thoáng buồn khi nghe mẹ nói thế.

Chúng tôi bắt đầu chúc mừng nhau và ăn, H. kể: “Bao nhiêu năm rồi, năm nào cũng hẹn sẽ về nhưng rồi lại không thu xếp được để về”. Nói tới đây, vợ H. mới nói: “Anh T. chơi thân với nhà em, chắc cũng biết tính anh ấy hay tham công tiếc việc lắm. Cứ có việc làm ra tiền là anh ấy lao vào. Những năm đầu khó khăn lắm, phải “cày” nhiều, em cũng đi làm, anh ấy thì đôi khi phải chia thời gian ra để có thể cán đáng một lúc 2 hay 3 “job”, để có đủ tiền lo cho hai cháu ăn học. Đôi khi, cả tuần mới gặp nhau 1 lần. Mệt mỏi nhưng không dám than van gì cả, sợ các cháu nó nghe nó buồn nó bỏ học.

Năm nay, các cháu đã có việc làm ổn định nhưng lại ở tiểu bang khác, tụi này mới thu xếp về được,tranh thủ ăn Tết sớm với mẹ, vì đến 18 âm lịch là phải bay về lại rồi”.

“Mấy năm trước chỉ có em gái tao về thăm nhà thôi”, H. nói. “Nó về bảo, anh chị cố gắng thu xếp về thăm mẹ, năm nay mẹ già và yếu lắm rồi. Tết là Tết của người Việt mình, với những người có công việc toàn thời gian và ổn định thì chuyện nghĩ phép phải có đợt, đâu có muốn nghĩ là nghĩ được. Những người về Việt Nam thường xuyên là những người kinh doanh hoặc làm việc tự do nên họ có điều kiện đi về dễ dàng. Năm nay cố gắng lắm mới thu xếp được cả hai vợ chồng cùng về.

Hai đứa nhỏ, thằng Thắng sống và làm việc ở tiểu bang Virginia, con Thủy sống ở Minnoseta. Vợ chồng tao ở Cali. Mọi người ai cũng phải chạy đua với thời gian, “cày, cày để kiếm tiền...Cũng nhờ đó mà tao cũng đã gởi về chút đỉnh để mẹ tao sửa lại nhà. Tuần sau, ngày 18 tao lại phải bay về Mỹ rồi. Chỉ có 8 ngày để ăn Tết với mẹ thôi.

Mày thấy đấy, tao đã mua sắm đủ hết rồi, tôi nhìn vào trong, thấy ở góc nhà, trên chiếc đôn, có chậu mai bonsai, hoa nở rất sai, trên bàn có bánh chưng, mấy hộp bánh biscuit, tranh thủ ăn Tết sớm với mẹ, có mẹ bên cạnh mâm cơm ngày Tết mới đầm ấm và mới thực sự là Tết”.

Sau bữa cơm, tôi lấy xe chở H. đi vòng Sài Gòn, qua các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... và đi uống cà phê hương vị Việt Nam. Ngồi trên lầu 4 Thương Xá Tax, nhìn xuống đường Nguyễn Huệ. H. khen Sài Gòn giờ đẹp quá. Những con đường ngày xưa mà chúng tôi rong ruỗi mỗi cuối tuần, giờ vẫn nằm đó, đẹp lộng lẫy, nhưng người về thì đã già, tóc đã “nhiều muối hơn tiêu”, bạn bè kẻ còn người mất. Nhắc đưa này lại nhớ đưa kia, chẳng biết giời còn hay mất, H. như chìm đắm trong hoài niệm.

“Nghe nói chợ hoa Nguyễn Huệ, giờ không còn phải không?” H. hỏi tôi. Chợ hoa giờ dời sang công viên 23.9, còn đường Nguyễn Huệ được làm con đường hoa, mỗi năm một chủ đề, phục vụ khách du lịch và người dân thành phố trong những ngày Tết từ ngày 29 âm lịch đến mồng 4 Tết.

“Đẹp lắm H. ơi!” tôi bảo. “Tao có thấy trên mạng những năm trước rồi”, H. đáp. “Nói thật với mày, sau mấy chục năm ăn Tết xa quê hương, hôm nay tao mới có một bữa cơm ngon miệng và niềm vui sướng nhất của tao hôm nay là nhìn thấy mẹ cười trong bữa cơm. Dù ăn Tết sớm, nhưng Tết năm nay là Tết ở trong lòng tao. Bao năm ăn Tết nơi xứ người, vật chất thừa mứa nhưng thiếu hẳn cái không khí, cái hồn của quê hương.

Có năm các con tao hẹn sẽ về nhưng rồi sau đó, đến ngày 30 âm lịch lại gọi bảo là không về được. Và hai vợ chồng tao lại đối diện nhau cùng nhìn những món ăn đã chuẩn bị, đã bày biện đầy ra đó mà không có ai ăn, buồn muốn khóc luôn vậy. Có con mới thắm thía hết nỗi lòng của cha mẹ khi vắng con cháu trong bữa cơm ngày Tết. Từ năm nay, tao nhất quyết, mỗi năm vợ chồng tao sẽ về ăn Tết với bà cụ. Chỉ có mẹ bên cạnh ngày Tết mới thực sự trọn vẹn là ngày Tết”.

Tôi chở H. vòng qua đường Đồng Khởi, đèn hoa rực rỡ, những lồng đèn đỏ giăng giăng, những bày én cách điệu xuyên suốt con đường, từ Nhà thờ Đức Bà đến bến Bạch Đằng, như lượn bay mang mùa Xuân về mọi người dân Việt Nam.

“Đẹp quá, đây mới là Tết Việt Nam”, H.nói.