Dạy nghề sẽ được đấu thầu
Tổng cục Dạy nghề đang thí điểm đấu thầu một số chỉ tiêu đào tạo nghề năm học 2006-2007, với tổng kinh phí gần 23 tỉ đồng
Tổng cục Dạy nghề đang thí điểm đấu thầu một số chỉ tiêu đào tạo nghề năm học 2006-2007, với tổng kinh phí gần 23 tỉ đồng.
Đây là phương thức mới so với cơ chế hiện nay, vẫn do Nhà nước cấp kinh phí cho các trường dạy nghề thông qua việc giao các chỉ tiêu đào tạo hàng năm.
Những nghề thí điểm theo cơ chế đặt hàng bao gồm các nhóm nghề: kỹ thuật mỏ (khai thác mỏ; kỹ thuật sắt (hàn); luyện kim (cán, kéo kim loại); vận hành máy thi công (vận hành máy xúc đào); mộc (mộc dân dụng). Thời gian đào tạo chung cho các nghề là 18 tháng.
Theo ông Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Chương trình thí điểm dạy nghề theo cơ chế đặt hàng sẽ tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng kinh phí và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo và sử dụng lao động theo yêu cầu của xã hội, đồng thời cũng tăng tính tự chủ cho cơ sở dạy nghề.
Ông Lân cho biết, những ngành nghề đào tạo được lựa chọn thí điểm đặt hàng trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành nhưng phải đảm bảo các yêu cầu của thị trường lao động. Những nghề được đưa vào đấu thầu sẽ là những nghề mà nhu cầu phát triển kinh tế đang cần.
Để tham gia đấu thầu các trường phải đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình theo tiêu chuẩn quy định hiện hành. Đặc biệt các trường phải có cam kết của các doanh nghiệp tiếp nhận số học sinh sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo vào làm việc tại doanh nghiệp.
Hiện có 19 đơn vị đào tạo nghề tham gia đấu thầu, chủ yếu là các trường dạy nghề công lập và ngoài công lập, có thời gian hoạt động 5 năm trở lên...
Hầu hết các trường nghề đều tán thành xây dựng chính sách đấu thầu. Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng trường Trung học Công nghiệp Hà Nội, nếu thực hiện được cơ chế này rất tốt bởi để có thể trúng thầu thì đòi hỏi các cơ sở dạy nghề phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, trong đào tạo nghề sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các trường dạy nghề.
Tuy nhiên, cơ chế đấu thầu sẽ xây dựng như thế nào, tiêu chí ra sao, các trường dạy nghề phải đáp ứng điều kiện nào thì có thể dự đấu thầu đang là vấn đề băn khoăn của các trường. Chính vì vậy, các trường cũng dè dặt trong việc tham gia đấu thầu.
* Ngân sách đầu tư cho dạy nghề được lấy từ chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2010 dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo đó, hệ thống các trường dạy nghề cũng sẽ được nâng cấp để đến năm 2010 có 40 trường chất lượng cao, 3 trường tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và có khoảng 7,5 triệu lao động được qua đào tạo nghề.