“Đề án giải quyết việc làm không giống Đề án 112”
"Số tiền của đề án giải quyết việc làm cho thanh niên được dùng để cho vay chứ không phải đầu tư không hoàn lại"
Đang có nhiều ý kiến lo ngại về cách thức cũng như tính khả thi của đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Nhiều người vẫn nghĩ, đây là đề án của Trung ương Đoàn và họ lo ngại rằng với một cơ quan hoạt động phong trào sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện đề án này.
Vì thế, trước hết, chúng ta cần nhìn nhận đây không phải là đề án của Trung ương Đoàn mà là một đề án của xã hội. Chính phủ sẽ chủ trì đề án này, các Bộ, ngành , và Trung ương Đoàn là đơn vị tham gia dưới góc độ là đại diện hợp pháp của thanh niên Việt Nam, là cơ quan hỗ trợ bảo lãnh cho hoạt động phong trào, cụ thể ở đây là vay tín dụng cho học nghề và đào tạo nghề.
Trung ương Đoàn là cơ quan có mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước, sâu sát thanh niên, nắm rõ thực trạng và nhu cầu của thanh niên, vì thế, tôi cho rằng họ sẽ đảm nhận tốt vấn đề liên quan đến việc lập thân, lập nghiệp của thanh niên.
Đánh giá về tính khả thi của đề án, theo tôi, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Như tôi đã nói ở trên, vấn đề đào tạo nghề là công việc của xã hội, một mình Trung ương Đoàn không làm nổi mà phải khâu nối được các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội cùng tham gia.
Ngoài ra, thời gian của đề án phải được kéo dài hơn nữa, không phải là 3 năm mà có thể là 5, hay 10 năm… Vấn đề đào tạo dạy nghề, lao động là vấn đề chiến lược quốc gia, nếu làm vội vàng thì hiệu qủa sẽ thấp.
Xây dựng cơ chế thẩm định, đánh giá, giám sát độc lập và chi tiết cũng rất quan trọng. Đề án phục vụ thanh niên phải được thực hiện trên cơ sở khách quan, không vì mục đích riêng, đặc biệt phải tránh được bệnh thành tích.
Đề án cũng phải tính đến yếu tố hội nhập, không chỉ tính đến việc giải quyết việc làm trước mắt cho thanh niên mà phải tính tới giá trị lâu dài, xây dựng một lực lượng lao động có chất lượng thật sự để cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Thưa ông, sự đổ bể của Đề án 112 đã làm ảnh hưởng đến đề án này. Để tránh “ vết xe đổ” của đề án 112, đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm cần phải đi theo hướng nào?
Tôi xin khẳng định, đề án này không giống Đề án 112, bởi số tiền của đề án giải quyết việc làm cho thanh niên được dùng để cho vay chứ không phải đầu tư không hoàn lại, tiêu đi, hay mua một cái gì đó. Vì thế, có thể coi nó không hề mất đi mà vẫn nằm nguyên trong ngân hàng.
Với Đề án 112, thay vì phân bổ vốn theo dự toán và quyết định đầu tư thì Ban điều hành 112 Chính phủ đã không kiểm soát vấn đề tiêu tiền của các đơn vị. Vì thế, nhiều đơn vị mặc dù không có đề án hoặc có nhưng chưa duyệt cũng được nhận tiền. Hoặc là, có dự án xin ít nhưng lại được cấp nhiều. Có đơn vị được cấp nhiều tiền quá không biết chi vào đâu nên chi lung tung và thành ra... vi phạm.
Trong khi đó, đề án việc làm cho thanh niên có đối tượng và mục tiêu rõ ràng.
Vậy, nếu đề án được đi vào thực hiện, theo ông nên tập trung vào những ngành nghề nào?
Theo tôi, vấn đề này nên để cho quy luật cung cầu điều tiết. Ban thực hiện đề án cần có một cuộc thăm dò, điều tra xã hội, từ đó tư vấn, định hướng cho thanh niên trong quá trình chọn trường, chọn nghề.
Ngoài ra, cung đoạn này cần nêu cao vai trò của các doanh nghiệp. Ý tôi là nhà trường cần liên kết với doanh nghiệp để đào tạo. Chỉ có doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất họ muốn gì.
Đây là đề án cho vay nên khả năng thu hồi vốn là vô cùng quan trọng. Theo ông, bằng cách nào thì có thể thu hồi vốn một cách hiệu quả?
Trong đề án này việc cho vay hoàn toàn dựa trên cơ sở tín chấp, vì thế cần thẩm định rõ rang uy tín từng cá nhân. Qua đó, để biết rõ đốI tựng vay là ngườI thế nào, mục đích của việc vay vốn… Tôi cũng xin nói rằng đây là khâu không hề đơn giản.
Thế nhưng theo tôi, cho vay theo kiểu tín chấp trong trường hợp này cũng không đáng ngại vì quy trình cho vay được cả tổ chức Đoàn tại cơ sở và ngân hàng cùng thẩm định, phân tích đánh giá đúng nhu cầu, đúng đối tượng cần vay vốn.
Ngoài ra, cần biết gắn kết cung cầu lao động một cách hợp lý. Hay nói cách khác, phải biết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, gắn liền với thực tiễn, phải xét đến chất lượng của các trường dạy nghề, trường sẽ đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu thị trường… để sinh viên ra trường không bị thất nghiệp và sẽ có cơ hội trả nợ.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh, nếu đã đầu tư cho xã hội bao giờ cũng phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định. Rủi ro này có thể là 15 – 20% không trả được nợ, như thế cũng là thành công rồi, bởi chúng ta đã làm được một việc có ý nghĩa quan trọng ít nhất là cho 80% thanh niên còn lại.