09:42 04/12/2007

Để dân yên tâm chống tham nhũng

Lý Hà

Có ít công dân dám tố cáo các vụ việc tham nhũng bởi vì họ lo sợ những hậu quả của việc làm này

Rất nhiều nước trong đó có Vịêt Nam đang tìm kiếm các giải pháp tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng.
Rất nhiều nước trong đó có Vịêt Nam đang tìm kiếm các giải pháp tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng.
Ngày 3/12/2007, tại Hà Nội đã diễn ra Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ hai giữa các nhà tài trợ và các cơ quan phòng chống tham nhũng Việt Nam với chủ đề "Sự tham gia của xã hội vào phòng, chống tham nhũng".

Theo nhận xét của bà Molly Lien, Tham tán, Phó ban Hợp tác phát triển Đại sự quán Thụy Điển tại Hà Nội, kể từ khi cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức vào tháng 5/2007, Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động và sáng kiến được đưa ra ở các cấp Trung ương và địa phương. Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu thảo luận chiến lược phòng chống tham nhũng, đưa giáo dục phòng chống tham nhũng vào hệ thống nhà trường, thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, cũng như thảo luận về việc thanh toán lương qua tài khoản ngân hàng...

Nhưng chưa thể khẳng định các hoạt động đó có giúp giảm mức độ tham nhũng hay chưa. Chính vì thế, điều quan trọng là phải làm thế nào để tăng cường, phát triển các hệ thống đáng tin cậy để theo dõi, kiểm soát, giám sát tham nhũng trong tương lai.

Ông Matthieu Salomon, Cố vấn về phòng chống tham nhũng của SIDA nhận xét: sự tham gia của xã hội vào phòng chống tham nhũng của Việt Nam rất tích cực thông qua các văn bản, nghị định, đã có những tiến bộ để thu hút Mặt trận Tổ quốc, báo chí, các hội nghề nghiệp, ban thanh tra nhân dân, cá nhân...

Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để xã hội theo dõi và phòng chống tham nhũng thì vẫn chưa cụ thể. Đơn cử như tại Nghị định 47/2007/NĐ-CP của Việt Nam về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng có quy định cụ thể các trách nhiệm của công dân phải đấu tranh chống tham nhũng, báo cáo về các hành vi tham nhũng và hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định nêu, sự an toàn của họ khi tố cáo các hành vi tham nhũng phải được bảo đảm bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là một bước tiến rõ ràng hướng tới việc có thể sẽ có quy định bảo vệ người tố cáo, nhưng điều đó cũng cho thấy có ít công dân dám tố cáo các vụ việc tham nhũng bởi vì họ lo sợ những hậu quả của việc làm này.

Nghị định 47 cũng quy định cho các tổ chức dân sự có các quyền và đồng thời với những vai trò và trách nhiệm được tham gia tích cực vào các chính sách và các hoạt động phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, những quyền đó lại không có giới hạn rõ ràng và một số quy định lại dường như là "những con dao hai lưỡi", đặc biệt liên quan đến các quy định về các cơ quan báo chí và phóng viên, đó là những quy định có thể có những tác động nhiều nhất đến phòng chống tham nhũng.

Theo ông Matthieu Salomon, cần phải gắn kết giữa thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và chương trình cải cách rộng hơn, ví dụ như cải cách hành chính; chú trọng hơn nữa về nâng cao năng lực cụ thể, ví dụ như thực hiện công khai tài sản.

Tại cuộc đối thoại vấn đề tham nhũng trong giáo dục cũng được đưa ra. Theo ông Jairo Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), ở Việt Nam giáo dục đào tạo chiếm khoản chi tiêu lớn nhất trong ngành dịch vụ kinh tế - xã hội (khoảng 12% ngân sách Nhà nước từ năm 2000-2004), trên mức chi cho lương hưu và các cứu trợ xã hội (khoảng 9%), quản lý hành chính (khoảng 7%) và y tế (khoảng 3%).

Hơn thế nữa, một số lượng đáng kể ngân sách giáo dục đang được sử dụng ở mức thấp, rải rác ở các nơi và ở những cấp khác nhau và phần lớn những nơi này lại là những nơi có hệ thống giám sát và kế toán yếu.

Chính vì vậy trách nhiệm giải trình, cơ hội tiếp cận thông tin và sự tham gia của xã hội là 3 nội dung chủ yếu trong phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục cần tiếp cận: duy trì các cơ quan quản lý minh bạch, tăng cường năng lực quản lý để nâng cao trách nhiệm giải trình và tăng cường sự làm chủ các quy trình quản lý.

Cần thiết phải có các quy định pháp luật rõ ràng, các thủ tục minh bạch và khung chính sách rõ ràng, chi tiết cho mỗi giai đoạn liên quan, việc phân chia trách nhiệm giữa các bên tham gia khác nhau trong phân bổ và sử dụng nguồn lực giáo dục. Thêm vào đó, cải tiến kỹ năng giáo dục, ví dụ như quản lý kế toán, kiểm tra và kiểm toán là những cơ sở để giảm thiểu tham nhũng trong lĩnh vực này.

Bày tỏ quan điểm của mình, Đại sứ Thụy Điển cho rằng, rất nhiều nước trong đó có Vịêt Nam đang tìm kiếm các giải pháp tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng. Để xây dựng một xã hội cởi mở mà ở đó công dân dám đứng dậy và nói "không" với tham nhũng, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một môi trường pháp luật bảo đảm an toàn cho những người dám tố cáo người khác, bởi chỉ như vậy mới thôi thúc công dân làm việc đó.

Theo ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ, với tinh thần thiện chí, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng tài trợ quốc tế đã thoả thuận mỗi năm sẽ tiến hành đối thoại hai lần về phòng chống tham nhũng trước kỳ Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. Ông tỏ ý hy vọng những đóng góp kiến nghị của các nhà tài trợ đối thoại lần này sẽ để giúp cho Việt Nam có thể tìm ra một cơ chế, theo đó xã hội và mỗi cá nhân trong đó sẽ tham gia một cách tích cực hơn và cảm thấy an toàn hơn trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.