21:05 28/01/2007

Để hạn chế tối đa giao dịch nội gián

Hoài Vũ

Trong thời gian gần đây, chuyện công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết được quan tâm đặc biệt

Sự bất bình đẳng trong thông tin là một mối đe dọa đối với các nhà đầu tư - Ảnh: Việt Tuấn.
Sự bất bình đẳng trong thông tin là một mối đe dọa đối với các nhà đầu tư - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong thời gian gần đây, chuyện công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết được quan tâm đặc biệt.

>>Theo dòng sự kiện

Đọc những bài báo, những phát biểu của các doanh nghiệp, và mới đây nhất là phản hồi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về bài báo phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) về việc “nguy cơ giao dịch nội gián trên sàn chứng khoán”, mới té ngửa: hóa ra doanh nghiệp hoàn toàn bị động trong công bố thông tin.

Từ trước đến nay, mỗi khi cần công bố thông tin, doanh nghiệp chỉ gửi thông tin đến trung tâm giao dịch chứng khoán và coi đây là kênh duy nhất công bố một cách chính thống những thông tin của doanh nghiệp niêm yết ra thị trường.

Một đồng nghiệp ở báo Đầu tư chứng khoán cũng than rằng, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết nghĩ rằng khi đã lên sàn thì mọi thông tin về doanh nghiệp đều phải công bố qua trung tâm giao dịch chứng khoán, hoặc ít nhất cũng phải cung cấp cho trung tâm trước rồi mới thông tin ra bên ngoài.

Ngay cả những doanh nghiệp niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM từ năm 2001 cũng chưa ý thức rõ về quyền thông tin của mình, và theo họ, việc hiểu sai về quyền thông tin còn có nguyên nhân là đôi khi bị Trung tâm và Ủy ban Chứng khoán nhắc nhở, thậm chí bằng công văn, yêu cầu doanh nghiệp không được cung cấp thông tin ra bên ngoài (qua báo chí) khi chưa cung cấp cho Trung tâm.

Việc doanh nghiệp bị động trong công bố thông tin một phần do chưa hiểu rõ quy định pháp lý, phần khác do ngại sự nhắc nhở của cơ quan quản lý.

Phải chăng, chỉ khi nào doanh nghiệp hiểu rõ quyền thông tin của mình, chỉ khi nào các phương tiện thông tin đủ mạnh để kết nối thông tin từ doanh nghiệp đến thị trường thì quyền chủ động thông tin mới thuộc về doanh nghiệp và tình trạng bất bình đẳng về thông tin mới có thể giảm xuống?

Tuy nhiên, trong phần trả lời về cách thức công bố thông tin của các công ty niêm yết như bài báo phản hồi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã một lần nữa khẳng định quyền chủ động công bố thông tin của doanh nghiệp và bác bỏ khả năng rò rỉ thông tin kênh công bố thông tin của trung tâm giao dịch chứng khoán.

Theo giải thích của Ủy ban, quy định hiện hành nói rõ rằng công bố thông tin qua trung tâm giao dịch chứng khoán chỉ là một số các kênh mà các thông tin về tổ chức phát hành/tổ chức niêm yết được đưa ra cho công chúng đầu tư.

Cũng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành/tổ chức niêm yết mới là người đóng vai trò chủ động trong việc công bố thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật. Khi công bố thông tin, các tổ chức này phải đồng thời báo cáo Ủy ban, trung tâm hoặc sở giao dịch chứng khoán.

Việc công bố thông tin qua các phương tiện công bố thông tin của các cơ quan quản lý chỉ là kênh tiếp theo sau khi tổ chức phát hành/tổ chức niêm yết công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các phương tiện thực hiện công bố thông tin bao gồm: các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm của tổ chức, công ty và các phương tiện công bố thông tin của trung tâm giao dịch chứng khoán.

Ví dụ: các thông tin định kỳ như báo cáo tài chính năm, báo cáo thường niên của tổ chức phát hành/tổ chức niêm yết được công bố trên các ấn phẩm của tổ chức đó và phải công bố báo cáo tài chính năm tóm tắt theo mẫu quy định trên 3 số báo liên tiếp của một tờ báo trung ương, hoặc 1 tờ báo địa phương nơi đóng trụ sở chính, hoặc thông qua phương tiện công bố thông tin của trung tâm giao dịch chứng khoán.

Riêng về vấn đề rò rỉ thông tin trong hoạt động đấu giá cổ phần qua các trung tâm giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán cũng phủ nhận chuyện “những người nắm được cụ thể, chi tiết về tổng cầu cổ phiếu của thị trường, các cá nhân tổ chức nào tham gia đấu giá sẽ tính toán được hợp lý mức giá mà mình bỏ thầu, qua đó, chiếm lợi thế hơn so với các nhà đầu tư không có thông tin”.

Bởi theo Ủy ban, hiện nay các trung tâm giao dịch chứng khoán đang thực hiện đúng các quy định tại các văn bản pháp quy hiện hành điều chỉnh hoạt động tổ chức đấu giá bán cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước ra bên ngoài.

Giải pháp được Ủy ban Chứng khoán đưa ra nhằm hạn chế những nghi ngờ của dư luận là chỉnh sửa quy chế đấu giá mẫu tại các trung tâm giao dịch chứng khoán, theo hướng yêu cầu các trung tâm công bố cụ thể hơn về số lượng tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá.

Nếu được Bộ Tài chính chấp thuận, quy chế mới sẽ được áp dụng từ tháng 2/2007.

* Trích quy định tại Điều 1, 2 và 3, Phần 1, Thông tư số 57/2004/TT-BTC ngày 17/6/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán:

Theo Điều 1, đối tượng công bố thông tin bao gồm: tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc sở giao dịch chứng khoán.

Điểm 2.3, Điều 2, Phần I quy định: “Tổ chức phát hành, trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc sở giao dịch chứng khoán sau khi thực hiện công bố thông tin phải đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ khi công bố thông tin phải đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc sở giao dịch chứng khoán”.