10:20 04/05/2007

Để nông nghiệp bền vững trong hội nhập

Nguyễn Huyền

Hội nhập kinh tế đang đặt ra thách thức cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với nông hộ vốn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún

Sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam so với các nước khác trên thế giới liên tục bị sụt giảm.
Sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam so với các nước khác trên thế giới liên tục bị sụt giảm.
Hội nhập kinh tế là một động lực to lớn thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, nhưng cũng đang đặt ra thách thức cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với nông hộ vốn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Để góp phần tuyên truyền, giải đáp cho nông dân những giải pháp thích hợp thúc đẩy quá trình hội nhập, Diễn đàn "Phát triển Nông nghiệp bền vững trong hội nhập WTO", vừa diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long đã phần nào đáp ứng yêu cầu này.

Đã có nhiều ý kiến của các nhà kinh tế, chính trị, khoa học... phân tích những khó khăn, thuận lợi, cái được, cái mất khi Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp.

Thực trạng nông nghiệp nông thôn Việt Nam

Hiện nay, nông nghiệp nông thôn Việt Nam đang đối đầu với nhiều khó khăn của sự phát triển kinh tế như: qui mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún công nghệ lạc hậu, năng suất, độ đồng đều, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng hợp tác liên kết của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn rất yếu. Dịch vụ và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp nông thôn không theo kịp với đà tăng trưởng kinh tế của toàn xã hội. Việc cải cách hành chính chuyển đổi cơ cấu thể chế còn chậm, môi trường pháp lý đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, thị trường đất, lao động, vốn, công nghệ chưa vận hành một cách thuận lợi.

Chúng ta sẽ thực hiện những cam kết trong lĩnh vực nông nghiệp như thế nào? Làm sao nắm bắt những cơ hội để phát huy cũng như đối đầu những thách thức sẽ liên tục diễn ra trong quá trình thực hiện những cam kết để có thể tác động tăng tính cạnh tranh của nông dân Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng?

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, đến năm 2006, sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam liên tục bị sụt giảm, trong khi nước láng giềng Thái Lan đứng ở vị trí thứ 30 trên thế giới, thì Việt Nam lại đứng ở vị trí thứ 70 đến 80.

Với thực trạng nền nông nghiệp như thế, Việt Nam còn phải làm rất nhiều điều mới có thể bắt kịp Thái Lan. Trước những thách thức to lớn trên nông dân Việt Nam phải làm gì? Nhà nước sẽ tận dụng những cam kết với WTO cho phép giúp đỡ nông dân về mặt tập huấn khuyến nông, còn vai trò của các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, các hội đoàn ... sẽ làm gì để thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập một cách bền vững?

GS-TS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho rằng, có thể hiểu ngắn gọn khái niệm sản xuất nông nghiệp bền vững là chúng ta cần chọn một biện pháp sản xuất để cây trồng, vật nuôi của chúng ta tiếp tục cho chúng ta mỗi năm mỗi lãi, chất lượng nguồn nước và đất đai hàng năm vẫn được duy trì tốt để thế hệ con cháu chúng ta tiếp tục hưởng cái lợi từ đất và môi trường nước, chứ không phải chúng ta chỉ khai thác trong một khoảng thời gian vài năm rồi đất đai trở nên cằn cỗi và môi trường nước bị huỷ hoại như vậy sẽ không bền vững. Thứ hai là mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm khi mà chúng ta sản xuất thì tiền lời cứ tăng mãi, chứ không phải chỉ thu lợi một thời gian vài năm rồi sau đó lại sạt nghiệp.

Những vấn đề nông dân cần quan tâm

Trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu tố thiếu bền vững cần khắc phục. Đặc biệt từ khi gia nhập WTO thì những vấn đề này càng được đặt ra một cách hết sức bức xúc.

Theo PGS-TS. Mai Thành Phụng - Trung tâm khuyến nông quốc gia, gia nhập WTO nông dân có 3 cái được. Thứ nhất, thị trường nông sản rộng mở, hàng hóa nông sản có thể bán trong nước và 149 nước thành viên còn lại trong WTO. Thứ hai là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, đặc biệt là vào lĩnh vực nông nghiệp, nhờ vậy sẽ thúc đẩy nền ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh lên. Thứ ba là bà con nông dân sẽ có dịp tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới ngày càng nhiều hơn, nhanh hơn và sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, lại có 3 khó khăn rất lớn mà bà con nông dân sẽ phải đối mặt. Một là, nông dân không phải muốn sản xuất cái gì cũng được, mà phải hướng đến sản xuất cái gì thị trường cần, bán có giá, có hiệu quả kinh tế. Do đó nông dân phải sản xuất theo tiêu chí thị trường chấp nhận. Hai là do tính cạnh tranh quyết liệt, nên chúng ta phải có quy trình chuẩn cho ra sản phẩm giá thành hạ năng suất tăng, chất lượng tăng và đặc biệt là bán được giá cao. Ba là marketing. Hiện nay marketing là khâu yếu nhất của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, làm sao để quảng bá thương hiệu, liên kết nông dân, tổ chức sản xuất ra được sản phẩm có uy tín trên thị trường có số lượng lớn.

Trong tiến trình hội nhập là cơ hội để sản phẩm nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là hàng hóa nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là cơ hội để nông dân tiếp cận những công nghệ mới của nhà đầu tư, bên cạnh những sức ép buộc các doanh nghiệp trong nước phải liên tục đổi mới và nâng cao về chất lượng cải tiến công nghệ và giá cả cạnh tranh. Như vậy, lợi thế của nông dân là được lựa chọn nhiều mặt hàng giá rẻ, phù hợp với yêu cầu và điều kiện sản xuất làm thế nào nâng cao chất lượng, hạ được giá thành sản phẩm trong quá trình sản xuất.

Có một thực tế là hiện nay trình độ sản xuất của bà con nông dân còn ở mức độ thấp, bộc lộ nhất là giống cây trồng, vật nuôi vẫn chưa kiểm dịch đầy đủ và cũng chưa kiểm soát nguồn gốc. Thứ hai là chưa kiểm soát tốt phân hóa học, phân bón. Thứ ba là công tác bảo quản sau thu hoạch, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa thương hiệu vẫn chưa đáp ứng theo chuẩn mực yêu cầu của quốc tế trong quá trình hội nhập. Thứ tư là quy mô sản xuất bình quân diện tích đất trên một nông hộ còn rất thấp khoảng 0,7- 1ha/hộ, vì vậy muốn sản xuất với quy mô lớn, chất lượng đồng đều là rất khó. Thứ năm là giá thành sản xuất vẫn còn cao, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đầy đủ khi đưa sản phẩm ra thị trường...

Đây là những vấn đề đã được các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và đông đảo bà con nông dân quan tâm từ trước thềm hội nhập, tuy nhiên khi Việt Nam đã thật sự hội nhập thì vấn đề lại càng trở nên bức xúc hơn, rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước…