07:08 04/11/2013

“Đẻ ra nhiều ghế quá, ngân sách nào chịu nổi?”

Anh Minh

Đại biểu Quốc hội muốn ngân sách phải được chi tiêu hợp lý và tiết kiệm hơn nữa, trong bối cảnh hụt thu nghiêm trọng

Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM).
Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM).
Quốc hội đã khép lại một tuần thảo luận sôi nổi về các vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề ngân sách. Trong bối cảnh hụt thu nghiêm trọng, bên cạnh các giải pháp tăng thu, làm thế nào để chi tiền một cách hiệu quả và tiết kiệm cũng là mong muốn của nhiều đại biểu.

Trong bối cảnh đó, đã có những ý kiến rất đáng chú ý, như trường hợp ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM): "Chúng ta đẻ ra quá nhiều ghế, từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi".

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nếu xét trên tổng thể của nền kinh tế thì tôi cho rằng chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam và đất nước Việt Nam có một vị trí to lớn và tốt đẹp như hiện nay, xét cả về quy mô tổng thể trong quan hệ đối ngoại, quan hệ kinh tế. Và ông đặt câu hỏi, vì sao trong trong bối cảnh như vậy, bây giờ ngân sách đã phải lâm vào tình trạng giật gấu vá vai một cách vất vả thế này?

Có ba nguyên nhân, theo đại biểu Lịch là đã "làm khó" cho ngân sách.

Thứ nhất, liên quan đến thể chế phân bổ ngân sách, Việt Nam đã duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi cái nào là ngân sách quốc gia, cái nào là ngân sách địa phương.

Thứ hai là tình trạng vung tay quá trán trong chi tiêu, sự nới rộng quá lớn bộ máy, "chúng ta đẻ ra quá nhiều ghế, từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi".

Thứ ba là kỷ cương, kỷ luật trong ngân sách, vấn đề thất thoát trong xây dựng cơ bản, ví dụ trong lĩnh vực giao thông, có 4 dự án bị nâng quy mô lên một cách vô lý, sau kiểm tra đã giảm được hơn 15.000 tỷ đồng.

"Tôi đề nghị chúng ta không nên "vung tay quá trán" trong vấn đề xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm, chúng ta phải nhận thức rằng việc chi cho việc xây dựng cơ quan, trụ sở, mua sắm thiết bị văn phòng bên trong, đó là chi tiêu dùng chứ không phải đầu tư", ông Lịch nói.

Có cùng quan điểm với ông Lịch trong vấn đề bộ máy hành chính, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng vấn đề tổ chức bộ máy như hiện nay đang "quá cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí cán bộ công chức, không kích thích người lao động thi đua, ngân sách chi trả lương ngày càng tăng".

"Hiện nay, không còn bộ nào chỉ có 4 thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ đề ra. Có bộ có đến 9 thứ trưởng, 4 bộ có 7 thứ trưởng, 9 bộ có 6 thứ trưởng, 7 bộ có 5 thứ trưởng. Bộ máy như vậy sao không tăng chi ngân sách được. Đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện khoán lương theo vị trí công việc vừa tiếp kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương. Về cơ cấu tổ chức, bộ máy các cơ quan đơn vị nếu ai làm sai quy định phải xử lý kiên quyết, ai làm không được vị trí công việc thì kiên quyết thay đổi", ông Danh Út thẳng thắn đề xuất.

Nhiều đại biểu khác đồng tình với ông Lịch trong vấn đề tiết kiệm chi tiêu. Theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), vì tình hình năm 2014 hết sức khó khăn, đề nghị Chính phủ phải "hết sức cân nhắc trong việc ban hành chính sách làm tăng chi để tránh làm tăng nợ công và làm bị động trong quản lý điều hành ngân sách.

"Với điều kiện ngân sách nhà nước 2014 khó khăn, tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương phải triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết, chưa thật cấp bách như mua sắm ô tô, xây dựng trụ sở, tổ chức lễ hội, khởi công...", ông nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) thì nói các tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công hiện "đã và đang báo động, đe dọa nền an ninh, an toàn về tài chính quốc gia".

"Tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện chính sách tài khóa một cách căn cơ bền vững đặc biệt là chính sách thu ngân sách, phải đảm bảo tỷ lệ huy động thuế, phí trên GDP đạt được chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng và nghị quyết của Quốc hội đề ra. Trên cơ sở đó mới có thể giảm được bội chi ngân sách về 4,5 %, nợ công, nợ Chính phủ mới ở mức hợp lý, an toàn, an ninh an toàn nền tài chính quốc gia mới được đảm bảo. Để lớp sau, đời sau không nói rằng họ chỉ lo để làm trả nợ do chúng ta là lớp trước, đời trước hôm nay để lại", ông Chiểu nói.