06:00 14/03/2013

Đề xuất cho ngân hàng ngoại mua ngân hàng nội yếu kém

Ngô Hải

Nếu room trong lĩnh vực ngân hàng bị bó hẹp thì rất khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược mạnh

Dù việc mở room cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực có thể sẽ đem lại 
nhiều lợi ích cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này 
hiện vẫn đang còn là nỗi e ngại của không ít các nhà hoạch định chính 
sách - Ảnh minh họa.
Dù việc mở room cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực có thể sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn đang còn là nỗi e ngại của không ít các nhà hoạch định chính sách - Ảnh minh họa.
Dù việc mở rộng room cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa có quyết định cuối cùng nhưng theo các chuyên gia, nếu đẩy nhanh được tiến độ sẽ giúp quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra hiệu quả hơn và hệ thống ngân hàng cũng sẽ lành mạnh hơn.

Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình hoàn tất dự thảo nghị định quy định tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức tín dụng trong nước, trong đó có nội dung cho phép những ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh hoạt động hiệu quả được mua tỷ lệ cổ phần ở mức trên 30%/vốn điều lệ đối với những ngân hàng trong nước hoạt động không hiệu quả.

Lợi ích từ nhà đầu tư ngoại

Theo thống kê, các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức: ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh và văn phòng đại diện. Đa phần các tổ chức này đều là các ngân hàng lớn của các quốc gia có nền kinh tế phát triển, có nhiều ngân hàng mang tầm vóc toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng này đều có trình độ quản trị tiên tiến và có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Điều đó đã được kiểm chứng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn vừa qua (năm 2007- 2012), khi mà nền kinh tế trong nước đã bị biến động mạnh với nợ xấu tăng cao, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nội địa nhiều lần bị đe dọa, lãi suất huy động cao và nhiều lần bị biến động nhưng nhìn chung đối với hệ thống ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi những tác động này.

Không chỉ vậy, thời gian qua cũng đã chứng kiến vai trò quan trọng của khối ngân hàng ngoại trong việc cung ứng nguồn tín dụng không hề nhỏ cho khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Hiện tại, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Vì vậy, theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nếu cho phép ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn mua cổ phần đa số của ngân hàng yếu kém, thì sẽ có các lợi ích như sẽ có nguồn vốn tự có lớn (khoảng vài trăm triệu USD/ngân hàng) bơm thẳng vào ngân hàng yếu kém để tái cấu trúc tình hình tài chính yếu kém, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh.

Đi cùng với việc bơm vốn, phương thức quản trị doanh nghiệp tại các ngân hàng cũng sẽ được thay đổi căn bản... Qua đó, giúp những ngân hàng yếu kém sẽ nhanh chóng trở thành những ngân hàng mạnh và góp phần làm cho hệ thống ngân hàng trong nước mạnh lên.

Cùng với việc bơm vốn trên, tính thanh khoản của ngân hàng nội được tăng lên nhanh chóng, không còn tình trạng đe dọa mất thanh khoản, không còn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động vượt rào và sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng trong nước có nhiều điều kiện để giảm nhanh mặt bằng lãi suất huy động.

“Nếu thực hiện nhanh giải pháp này trên diện rộng (khoảng 15 ngân hàng) thì toàn thể cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng được thụ hưởng mức lãi suất cho vay VND khoảng 8%/năm”, VAFI nhấn mạnh.

Nhưng không dễ dàng hút vốn


Tuy nhiên, để các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào các ngân hàng đang yếu kém tại Việt Nam là điều không hề dễ dàng. VAFI cho rằng, thách thức là các ngân hàng nước ngoài sẽ không đầu tư vào ngân hàng trong nước bằng mọi giá. Bởi lẽ, cái gốc của các ngân hàng yếu kém trong nước là vấn đề quản trị doanh nghiệp yếu kém, cho dù các ngân hàng ngoại có hỗ trợ vốn thì về cơ bản các ngân hàng đó vẫn yếu kém. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm nhân sự cao cấp trong nước để điều hành ngân hàng yếu kém là vấn đề không đơn giản.

Khi mua ngân hàng yếu kém trong nước, các ngân hàng ngoại đều mong muốn phải được nắm quyền kiểm soát (theo Luật Doanh nghiệp là trên 75%/vốn điều lệ). Đối với những ngân hàng đỡ yếu kém hơn thì tỷ lệ trên có thể giảm xuống nhưng không dưới tỷ lệ 51%/vốn điều lệ.

Đây là điều cần thiết giúp các ngân hàng ngoại nhanh chóng có những quyết định cải tổ nhân sự, cải tổ phương thức quản trị doanh nghiệp và nhằm bảo vệ nguồn vốn của họ một cách hữu hiệu...

Dù các ngân hàng ngoại không đầu tư vào ngân hàng yếu kém bằng mọi giá nhưng VAFI tin rằng, bằng nguồn vốn dồi dào của mình cộng với năng lực quản trị doanh nghiệp của ngân hàng ngoại, những tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được cải tổ triệt để và sẽ không còn là lực cản trong công cuộc cải cách quản trị của hệ thống ngân hàng.

Dù việc mở room cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực có thể sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn đang còn là nỗi e ngại của không ít các nhà hoạch định chính sách.

Theo VAFI, nếu room trong lĩnh vực ngân hàng bị bó hẹp thì rất khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược mạnh, đồng nghĩa với việc khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức và cũng đồng nghĩa với việc cơ cấu cổ đông nghèo nàn, kém cỏi, chỉ toàn những cổ đông cá nhân, cổ đông tổ chức thụ động và cổ đông gia đình.

Chính cơ cấu cổ đông kiểu này đã không kiểm soát được những cổ đông sáng lập điều hành và từ đó gây ra việc lạm quyền, tham nhũng, không những xâm phạm quyền lợi của người góp vốn mà còn xâm phạm quyền lợi của người gửi tiền, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải ra tay cứu.

“Do đó, cơ quan quản lý cần có những nghiên cứu kỹ về kinh nghiệm của các nước đi trước khi mở room trong lĩnh vực ngân hàng để có những chiến lược cải tổ sâu sắc hệ thống ngân hàng hiện nay”, VAFI đề xuất.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)