16:48 23/09/2019

Đề xuất chuyển khái niệm cổ phần hoá sang tư nhân hoá

KIỀU LINH

"Chúng ta nên chuyển khái niệm cổ phần hoá sang tư nhân hoá. Chỉ khi nào khái niệm tư nhân hóa được áp dụng thì quá trình chuyển đổi sở hữu mới thực hiện được"

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng chỉ bán 1% vốn không thể biện minh là cổ phần hoá thành công
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng chỉ bán 1% vốn không thể biện minh là cổ phần hoá thành công

Báo cáo chuyên đề của nhóm chuyên gia tư vấn thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam đánh giá, giai đoạn 2011 - 2020, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã đạt mục tiêu chuyển đổi doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu. 

Cổ phần hoá cùng các biện pháp sắp xếp khác làm giảm số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, từ 5.655 doanh nghiệp năm 2001, 1.060 doanh nghiệp năm 2011 giảm xuống còn 526 doanh nghiệp đến năm 2018.

Tuy nhiên, tại hội thảo Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước sáng 23/9, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp - Ciem, cho rằng: Cổ phần hoá chưa đạt mục tiêu. 

Với việc thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư xã hội vào doanh nghiệp chưa đạt được, thậm chí, có doanh nghiệp mà nhà nước phải giữ vốn đến 99%. Vốn nhà nước duy trì ở hầu hết các ngành, lĩnh vực thì không thể thay đổi được cơ cấu của doanh nghiệp nhà nước. "Đây là lý do lớn nhất nói rằng cổ phần hoá chưa đạt mục tiêu", ông Trung nói.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng sai lầm trong việc cổ phần hoá là khái niệm mong manh đến mức chỉ cần bán 1% cổ phần thôi cũng được coi là cổ phần hoá. Việc cổ phần hoá chỉ 1% không liên quan gì đến phân bổ nguồn lực hay chuyển đổi sở hữu. Đó cũng là lý do tại sao có thể cổ phần hoá 100% nhưng chuyển đổi chủ sở hữu có khi chỉ có 5-10%. 

"Nếu cổ phần hoá như thế mà biện minh là đã cổ phần hoá thành công thì không được. Việc này không đảm bảo cho Việt Nam cạnh tranh được, không đảm bảo cho kinh tế tư nhân phát triển lên được", ông Thiên khẳng định và nhấn mạnh thêm: "Chúng ta nên chuyển khái niệm cổ phần hoá sang tư nhân hoá. Chỉ khi nào khái niệm tư nhân hóa được áp dụng thì quá trình đó may ra mới thực hiện được. Đặt mục tiêu thì mục tiêu phải phản ánh tính thị trường rõ ràng hơn. Nếu không đạt được thì thế nào, ai chịu trách nhiệm?".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước chắc chắn phải làm, nhưng việc thoái vốn không phải là phương thức duy nhất. Nếu nhìn ra OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), họ có hẳn quyển sách về doanh nghiệp nhà nước, các loại hình và được quản lý thế nào.

Người ta chia doanh nghiệp làm 2 nhóm: Một nhóm chiến lược; một nhóm không chiến lược. Loại nào đang kinh doanh hiệu quả có lãi và không có lãi. Vậy với từng nhóm thì làm gì với nó? Nếu đnag kinh doanh có lãi thì có bán không? Tức là phải có lời giải cho từng nhóm doanh nghiệp. "Chúng ta phải giải bài toán chúng ta đang có chứ không phải bắt mọi người cùng uống chung viên thuốc ấy", chuyên gia Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhấn mạnh: "Doanh thu từ cổ phần hoá không bao giờ là thu của ngân sách. Lợi nhuận thì thu vào Ngân sách được. Đưa tiền cổ phần hoá vào ngân sách là một sai lầm, nguy cơ biến tài sản tốt thành tài sản xấu với cách chi tiêu như hiện nay. Tiền cổ phần hoá nên để tạo ra tài sản khác có giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn chứ không phải là tài sản chất lượng xấu hơn".