08:03 10/10/2013

Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 20% đối với vàng

Minh Đức

“Đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng xa xỉ”

Cảnh vác bao tải tiền trong một ngày sốt vàng điển hình trước đây tại Hà Nội (ngày 9/11/2010) - Ảnh: Hoàng Hà - VnExpress.<br>
Cảnh vác bao tải tiền trong một ngày sốt vàng điển hình trước đây tại Hà Nội (ngày 9/11/2010) - Ảnh: Hoàng Hà - VnExpress.<br>
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chức năng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Một giải pháp mà VAFI đưa ra là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng.

Cụ thể, hiệp hội này đề xuất Chính phủ xem xét đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ôtô, xe máy…, “vì bản chất của vàng miếng, vàng trang sức là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết”.

Và theo đề xuất của VAFI, để nguời dân yên tâm thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang với thuế suất 20%, còn với hoạt động bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước theo giá thế giới thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Chỉ có duy nhất giải pháp này mới chấm dứt được tình trạng vàng hóa, đô la hóa”, văn bản của VAFI nhấn mạnh.

Cũng theo hiệp hội này, giải pháp đấu thầu vàng miếng không giải quyết được tình trạng vàng hóa đất nước và chỉ có lợi cho vài công ty kinh doanh vàng, còn đại bộ phận người mua vàng đều không hưởng lợi và ngược lại là thua lỗ lớn, thực tế trong ba năm qua đã chứng minh điều này.

“Nếu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm tới giải pháp này thì sẽ có hàng trăm ngàn tỷ chảy vào hệ thống ngân hàng, tỷ giá ổn định vững chắc và là cơ sở quan trọng để đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 3%/năm, đồng thời tăng thêm dự trữ ngoại hối lên 30 tỷ USD nhờ giải pháp này, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên 60 tỷ USD, lúc đó hình ảnh nền kinh tế Việt Nam sẽ khác hẳn so với hiện nay”, VAFI phân tích.

Thêm nữa, từ giải pháp trên, nếu như doanh nghiệp chỉ vay với lãi suất khoảng 5% - 6%/năm với VND và 2% với USD, VAFI tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững, ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ tăng nhanh.

Liên quan đến đề xuất trên của VAFI, trong Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tại khoản 3 điều 17, cũng đã có hướng gợi mở: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ”.