09:37 08/06/2007

Đến 2010, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”

Nguyên Linh

Các chuyên gia đề nghị tạo một động lực nội tại bên trong của cải cách hành chính Nhà nước theo yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật

Tổ chức hành chính hiện nay vẫn còn cồng kềnh.
Tổ chức hành chính hiện nay vẫn còn cồng kềnh.
Ngày 7/6, Bộ Nội vụ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Website Đảng Cộng sản đã tổ chức một hội thảo bàn về cải cách hành chính Nhà nước (cải cách hành chính Nhà nước).

Hơn 40 tham luận của các đại biểu từ nhiều ngành, nhiều giới đã cho thấy một bức tranh tổng thể về công cuộc cải cách hành chính Nhà nước trên 4 lĩnh vực: thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, nhìn lại nửa đầu Chương trình cải cách hành chính Nhà nước 2001-2010, hệ thống thể chế pháp luật đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện, góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu kinh tế thị trường, cơ cấu được sắp xếp tinh gọn, hợp lý hơn.

Bộ máy vẫn còn cồng kềnh

Tuy nhiên nhìn chung, hệ thống thể chế vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và trong một số lĩnh vực chưa bám sát quá trình chuyển đổi khó khăn và phức tạp. So với yêu cầu trong bối cảnh hội nhập vẫn chậm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, nhất là ở cấp Chính phủ và cấp bộ. Tổ chức vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc với 26 bộ, cơ quan ngang Bộ và 13 cơ quan thuộc Chính phủ, chế độ công vụ mới chậm hình thành đầy đủ, chất lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, phương thức, lề lối làm việc vẫn còn thủ công, lạc hậu.

Theo phân tích, công cuộc cải cách hành chính Nhà nước được triển khai đồng thời với hàng loạt các cuộc cải cách khác như đổi mới từng bước hệ thống chính trị, cải cách lập pháp, tư pháp, kinh tế, doanh nghiệp nhà nước,... nhưng vẫn bộc lộ sự thiếu đồng bộ nói chung. Thời gian qua, hiệu quả chưa cao do các địa phương chưa đặt thường xuyên thực hiện nhiệm vụ này trong phạm vi trách nhiệm của mình. Đó là chưa kể các chế độ chưa tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức về tiền lương, đãi ngộ, ngăn chặn tiêu cực.

Về nhiệm vụ và các giải pháp ưu tiên trong cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2006-2010, đa số các ý kiến đều nêu tập trung vào các trọng điểm: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo hướng kiên quyết chuyển giao mạnh các chức năng, nội dung công việc không thuộc chức năng của hệ thống hành chính cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ, dịch vụ công. Tập trung xóa bỏ triệt để hơn cơ chế "xin-cho" đối với các lĩnh vực, các cấp hành chính, cơ chế "chủ quản đối với doanh nghiệp Nhà nước".

Tổ chức bộ máy nhỏ nhưng mạnh

Để thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy Nhà nước, các cơ quan hành chính phân cấp mạnh để đạt mô hình "Nhà nước nhỏ nhưng mạnh và xã hội to" theo xu hướng chung của các nước. Nhất quán nguyên tắc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Mặt khác, sắp xếp, hợp nhất một số cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ để chuyển chức năng vào bộ tương ứng. Tiếp tục triển khai đồng bộ, nâng cao chất lượng cơ chế một cửa theo yêu cầu công khai, minh bạch để đây là bước đột phá trong cải cách hành chính đi vào chiều sâu để loại bỏ mạnh thủ tục hành chính rườm rà, nhiều cửa phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, cản trở các hoạt động kinh tế-xã hội.

Mặt khác, các chuyên gia cũng đề nghị tạo một động lực nội tại bên trong của cải cách hành chính Nhà nước theo yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật khách quan để lựa chọn cơ chế, chính sách được đúng và trúng. Theo phân tích, mấu chốt nhất trong các yếu tố tạo động lực hiện nay là phải có chính sách tiền lương và các chế độ đối xử với cán bộ, công chức hành chính Nhà nước được thoả đáng, yên tâm làm việc trong thực thi công vụ, không nhận hối lộ, không muốn hối lộ, chú trọng góp sức làm tăng trưởng kinh tế; qua đó sẽ trở thành yếu tố thu hút được nhiều những người tài năng thực sự vào làm việc trong khu vực hành chính Nhà nước.

Tuy nhiên, vì đây chính là chủ thể và đối tượng cải cách hành chính nên phải có chế định tạo áp lực làm việc minh bạch, trong sạch, có trách nhiệm cao; mức lương phải gắn với hiệu quả công việc của cán bộ, công chức đảm nhận; nếu vi phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm và liên quan đến vị trí công việc còn hay mất để họ tự có sự lựa chọn tự giác.

Về định hướng cải cách hành chính Nhà nước tới năm 2020, các cơ quan hữu trách xác định đây là thời kỳ đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sau khi chính thức là thành viên của WTO. Do đó việc tiếp tục hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ là cơ sở cho việc xây dựng đồng bộ nền hành chính mới của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Viêt Nam của dân, do dân, vì dân, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu tới năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ to lớn trong thời kỳ cho tới năm 2020, việc tiếp tục cải cách nền hành chính Nhà nước cần thiết hướng vào thực hiện 5 mục tiêu cơ bản. Đó là hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, có sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình quản lý nền hành chính hiệu lực-hiệu quả của đất nước. Có chế độ công vụ chuyên nghiệp, đảm bảo triệt để tính trách nhiệm, tính công khai, minh bạch của hoạt động công vụ. Có sức đề kháng cao với tệ quan liêu, tham nhũng. Xây dựng nền hành chính thống nhất thông suốt, trên cơ sở của phân cấp, phân quyền triệt để trong bộ máy quản lý hành chímh Nhà nước. Đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách, pháp luật, thiết lập một trật tự hành chính phù hợp với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương của nền hành chính. Nền hành chính năm 2020 phải được hiện đại hóa từ công sở tới phương thức quản trị hiện đại, đạt trình độ quản lý của nền hành chính khu vực và thế giới. Chính phủ điện tử được thiết lập và vận hành hiệu quả.

Theo đánh giá, những định hướng cải cách hành chính Nhà nước trên đây được thực hiện, sẽ tạo lập được một nền hành chính dân chủ, hiện đại, một nền hành chính năng động trong một thế giới luôn biến đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập quốc tế.