10:12 31/01/2007

Dệt may Trung Quốc trong cuộc xung đột với Mỹ

TS. Phan Minh Ngọc

Trước các rào cản thương mại, đã có dự đoán rằng khoảng 1/2 số nhà sản xuất dệt may nhỏ của Trung Quốc sẽ phải ra đi

Hàng may mặc của Trung Quốc từng được dự báo sẽ chiếm 1/2 thị phần tòan cầu trong năm 2007 - Ảnh: Europarl.
Hàng may mặc của Trung Quốc từng được dự báo sẽ chiếm 1/2 thị phần tòan cầu trong năm 2007 - Ảnh: Europarl.
Năm 2003, Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 17% thị phần toàn cầu.

Khi Thỏa thuận về dệt may (MFA) tồn tại từ 30 năm về trước (nhằm thiết lập quota xuất khẩu cho các nước sản xuất hàng dệt may, ngăn không cho một nước nào trở thành nước chi phối thương mại dệt may toàn cầu) hết hiệu lực vào ngày 31/12/2004, WTO đã dự đoán rằng thị phần của Trung Quốc sẽ tăng lên 50% vào năm 2007.

Còn ở ta, trong con mắt của không ít nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam thì Trung Quốc luôn là một đối thủ bậc trên, và họ luôn tìm cách tránh đụng đầu trực tiếp với Trung Quốc trên các thị trường xuất khẩu chiến lược như Mỹ, EU, và Nhật.

Tại sao Trung Quốc lại được coi là một chiến binh “bất khả chiến bại” như vậy?

Cạnh tranh mang lại lợi ích

Trước tiên, cần nhớ Trung Quốc đã cải cách ngành dệt may từ hơn 2 thập kỷ trước. Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu được mở cửa vào đầu thập kỷ 80, các công ty may mặc Hong Kong đã di dời cơ sở sản xuất của họ sang vùng đất lân cận - Thẩm Quyến, trên lãnh thổ Trung Quốc - chỉ cách Hong Kong một chuyến phà. Sau đó, lần lượt các nhà đầu tư Đài Loan, Nhật, và Hàn Quốc cũng chen chân nhau đến Trung Quốc.

Các nhà đầu tư nước ngoài, theo luật đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, phải thành lập các doanh nghiệp liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc, phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp nhà nước. Đến giữa thập kỷ 90, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, đồng thời phải đối mặt với vấn đề dư thừa năng lực sản xuất trầm trọng. Trong vòng 3 năm, chính phủ phá bỏ gần 10 triệu trục kéo sợi, làm cho hơn 1 triệu công nhân thất nghiệp.

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất thuộc thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân, và nước ngoài để nhanh chóng mở rộng thị phần xuất khẩu đã đem lại nhiều lợi ích. Hiện nay, người ta ước tính các công ty dệt của Trung Quốc đã đầu tư tới 25 tỷ USD chỉ riêng trong 2 năm 2002-2003 để nâng cấp công nghệ và hợp lý hóa dây chuyền sản xuất.

Trung Quốc còn có thêm một lợi thế so với các nước sản xuất hàng dệt may giá rẻ khác: một lực lượng lao động có kỷ luật và lành nghề, và nước này tự đảm bảo được nhu cầu về sợi tổng hợp và tự nhiên. Ngành dệt Trung Quốc cũng là ngành đầu tiên sử dụng Internet để tiến hành các giao dịch trực tuyến (on-line).

Ngày nay, có khoảng 300.000 nhà xuất khẩu hàng dệt may ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân chiếm đến 4/5 trị giá xuất khẩu mặt hàng này. Phương cách one-stop-shopping của Trung Quốc, theo đó các nhà máy nối kết với nhau, sử dụng nguyên liệu có sẵn để thực hiện tất cả các khâu: kéo sợi, dệt, nhuộm, cắt, và may, tỏ ra rất khó bị đánh bại. Hơn nữa, các nhà máy này còn được hưởng thêm một lợi ích nữa, đó là sự tiếp cận với hệ thống giao thông khá hữu hiệu.

Trong một ngành mà việc giao hàng đúng hạn (kỳ hạn giao hàng thường gấp gáp) với chất lượng tốt nhất có ý nghĩa quyết định đến chuyện thành hay bại như ngành dệt may, Trung Quốc thường là người giao hàng đầu tiên và là hàng tốt nhất. Và với đồng USD mất giá như trong thời gian qua, các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Hàn Quốc phải rất chật vật chạy đua về giá với Trung Quốc (do đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được neo vào USD).

Việc MFA chấm dứt hiệu lực có ảnh hưởng đến tất cả các nước xuất khẩu dệt may, và họ đã phải luôn ở tư thế đối phó với sự tấn công hung hãn của hàng dệt may Trung Quốc. Tuy vậy, nỗi lo sợ của họ đã bị thổi phồng, ít nhất là trong ngắn hạn. Dự đoán của WTO rằng Trung Quốc sẽ chiếm 1/2 thị phần toàn cầu về dệt may vào năm 2007 xem ra khó có thể biến thành sự thật, bởi vì WTO có những biện pháp hạn chế riêng của mình.

Như một cái giá phải trả cho tấm vé vào WTO, Trung Quốc đồng ý trao cho các đối tác quyền được áp đặt một cơ chế tự vệ để hạn chế tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc không quá 7,5%/năm. Hạn chế này sẽ có hiệu lực đến cuối năm 2008.

Mỹ ra tay

Mặc dù một số quota của MFA áp dụng cho các mặt hàng như khăn tắm, áo lót, và hàng dệt kim đã bị dỡ bỏ năm 2002, Bộ Thương mại Mỹ đã nhanh chóng áp đặt quota trở lại cho những mặt hàng này khi một số nhà sản xuất Mỹ khiếu nại rằng hàng của Trung Quốc đang lấn áp thị trường Mỹ.

Thậm chí ngay cả trước khi MFA hết hiệu lực năm 2004, chính quyền Bush đã quyết ra tay kìm hãm cơn hồng thủy hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cuối năm 2004, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố rằng quota sẽ được áp dụng ngay khi mới có đe dọa về lấn át thị trường (thay vì phải có lấn át một cách thực sự). Các nhà nhập khẩu Mỹ đã phản ứng lại bằng cách kiện ra tòa về quyết định trên. Và tuy rốt cuộc quyết định trên không được áp dụng vì theo phán quyết của tòa, nó chỉ dựa trên sự đe dọa, nhưng nó đã làm xung đột thương mại Trung-Mỹ trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, và làm cho cuộc chiến về thương mại dệt may thế giới leo thang nhiều hơn nữa về mức độ quyết liệt.

Trung Quốc cũng nhận thức rõ về nỗi lo sợ của nước khác trước sự lấn lướt của hàng dệt may của nước này trên lãnh thổ của họ. Trung Quốc đã cố gắng giảm đà tăng trưởng của ngành bằng cách áp dụng thuế xuất khẩu, từ 2 đến 6 cent, lên các mặt hàng áo khoác, áo sơ mi, pijama, và quần áo lót.

Mặc dù nhiều nhà quan sát nước ngoài nhìn nhận sự việc này chỉ như là một hành động có tính tượng trưng nhằm xoa dịu thế giới, việc áp thuế này sẽ thực sự có tác động lớn, bởi vì nó bao trùm lên 60% tổng xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc.

Trung Quốc có hàng vạn nhà sản xuất cỡ rất nhỏ chuyên sản xuất những hàng dệt may có giá trị gia tăng thấp. Họ chỉ kiếm được khoảng 3% lợi nhuận hoặc ít hơn, bằng cách xuất khẩu với số lượng lớn các sản phẩm có giá thành thấp. Mức thuế trên sẽ tước đi phần lớn, nếu không nói là hết, biên độ lợi nhuận nhỏ bé này của nhiều trong số các nhà sản xuất nhỏ đó.

Dẫu vậy, biện pháp thuế này vẫn không làm hài lòng chính phủ các nước khác, vốn luôn chịu sức ép phải dựng lên rào cản bằng mọi cách. Vì đã đồng ý với việc áp dụng cơ chế tự vệ nên Trung Quốc không thể phê phán các nước khác khi họ sử dụng quota.

Trong khi đó, trong nội bộ Trung Quốc cũng đã có những cuộc chiến giữa khoảng 30.000 nhà xuất khẩu hàng dệt. Trong vòng 5 năm qua, cạnh tranh gay gắt đã làm giá trung bình của hàng dệt giảm đi 30%. Các công ty nào không tiếp cận được nguồn tài chính hay kiểm soát được nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào thì rất dễ bị tổn thương, cũng tương tự như vậy đối với các công ty nhỏ không có đủ khả năng thích nghi với các thay đổi trên thị trường hay đủ tiền để nộp thuế xuất khẩu mới.

Đã có dự đoán rằng khoảng 1/2 trong số những nhà sản xuất nhỏ, có doanh số xuất khẩu dưới 1 triệu USD, sẽ phải ra đi. Còn các nhà xuất khẩu lớn thì phàn nàn rằng các đơn đặt hàng dài hạn từ Mỹ đã bị cắt bỏ vì quota áp lên hàng dệt may của Trung Quốc.

Ngày 5/4/2005, Mỹ đã thật sự tấn công Trung Quốc. Ủy ban Thi hành các Hiệp định dệt của Mỹ quyết định không đợi đến lúc ngành dệt Mỹ đệ đơn kiện nữa. Lần đầu tiên, Mỹ đơn phương áp dụng điều khoản tự vệ trong thỏa thuận của Trung Quốc ký với WTO. Mục tiêu của Mỹ là xác định xem sự “tăng mạnh về nhập khẩu” của quần cotton (1,500%), áo sơ mi và áo khóac dệt kim (1,250%), và quần áo lót bằng sợi tổng hợp và sợi bông (300%) có lấn át thị trường Mỹ không.

Mặc dù đây mới chỉ là những số liệu sơ bộ trong quý I năm 2005, nhưng chính quyền Bush vẫn dựa vào đó để chứng minh rằng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang lấn át rõ ràng thị trường Mỹ và do đó việc áp dụng quota là cần thiết. Theo lời của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez thì “thương mại tự do phải là thương mại công bằng, và chúng ta sẽ hành động để đảm bảo rằng các nhà sản xuất và công nhân Mỹ được cạnh tranh trong một môi trường bình đẳng”.

Nhưng trớ trêu thay, chính những nước xuất khẩu dệt may khác, chứ không phải là các nhà sản xuất và công nhân Mỹ mà ông Gutierrez muốn bảo vệ, sẽ là những nước lấp đầy thị phần mà Trung Quốc buộc phải chừa lại.