16:22 26/05/2009

Di dân Trung Quốc qua Đông Nam Á: Làn sóng thứ ba

Cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng mang lại cơ hội cho người Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn, sinh sống

Người Hoa đánh dấu sự hiện diện ở nước ngoài bằng các khu phố Tàu - Ảnh: TL.
Người Hoa đánh dấu sự hiện diện ở nước ngoài bằng các khu phố Tàu - Ảnh: TL.
Ngoại ô Mandalay, thành phố lớn nhất miền đông Myanmar vẫn mang dáng dấp của thuộc địa Anh thế kỷ 19.

Trái lại, trung tâm thành phố đã đổi khác, với sự xuất hiện của khu thương mại lớn do người Hoa mới sang đây lập nghiệp lập nên. Bên trong, tràn ngập đồ điện, gia dụng Trung Quốc, phía ngoài bán táo Tàu

Sự hình thành trung tâm thương mại do người Hoa làm chủ ở Mandalay không phải là chuyện cá biệt ở Đông Nam Á. Nó gắn liền với các làn sóng người Hoa nhập cư tới các nước trong khu vực nổi lên từ năm 1980.

Hai làn sóng đầu

Cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng mang lại cơ hội cho người Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn, sinh sống. Bỏ thủ tục quản lý theo hộ khẩu, nới lỏng chính sách cấp hộ chiếu trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, được các nhà nghiên cứu xem là tiền đề cho làn sóng di dân của Trung Quốc.

Dựa trên mối dây liên hệ trong cộng đồng Hoa kiều ở Đông Nam Á, người dân các tỉnh ven biển phía nam Trung Quốc, có cơ hội ra các nước làm ăn. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ 1980 tới nay, có khoảng 2,5 triệu người Hoa đến Đông Nam Á làm ăn sinh sống.

Dựa vào cầu nối người Hoa ở các nước Đông Nam Á, trong hai đợt di dân cuối thế kỷ 20, người Hoa chủ yếu sang các nước có cộng đồng Hoa kiều mạnh. Nhóm di dân mới đầu tiên đến Đông Nam Á là từ các khu vực Tấn Giang, Phúc Kiến và Triều Châu ở Quảng Đông – quê hương Hoa kiều truyền thống. Người Hoa ở Philippines đa số quê Tấn Giang, người Hoa ở Thái Lan phần lớn quê Triều Châu. Với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè nơi sở tại, những di dân mới này hội nhập rất nhanh với khu người Hoa ở đó.

Đợt đầu tiên chủ yếu là người Triều Châu, Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông đến Thái Lan và người nam Phúc Kiến đến Philippines. Với sự giúp đỡ của người thân ở Thái Lan, người Triều Châu, Sán Đầu đã đến Thái Lan trên danh nghĩa thăm thân nhân. Sau khi chính quyền Thái Lan mở rộng visa du lịch cho người Trung Quốc năm 1988, các công ty du lịch ở Triều Châu, Sán Đầu có thêm dịch vụ mới: đưa người sang Thái Lan.

Trong 15 năm, ước tính của hội đồng hương Triều Châu có 200 ngàn người Hoa di dân sang Thái Lan. Khi đời sống kinh tế vùng Triều Châu khá lên, cư dân vùng này ít di dân hơn, thay vào đó là các vùng khác như Phúc Kiến.

Người Hoa đến Philippines theo cách tương tự như Thái Lan. Từ 1992, không chỉ có người thu thập thấp di dân sang Philippines, mà người có của ăn của để cũng sang định cư do Philippines sửa đổi luật cư trú. Theo đó, người nước ngoài đầu tư tại Philippines trên 75 ngàn USD sẽ được cấp giấy phép cư trú đầu tư lâu dài.

Đợt di dân mới thứ hai đến Đông Nam Á xuất hiện vào giữa thập niên 90, kéo dài liên tục cho đến nay, chủ yếu đến Singapore, Malaysia và Indonesia. Động lực của đợt di dân này là lớp thương nhân Đài Loan. Cuối thập niên 1990, khi kinh tế Đài Loan phát triển, lớp thương nhân ở đây toả đi Đông Nam Á làm ăn, có lúc lên tới 100 ngàn người.

Riêng Singapore tiếp nhận hơn 100 ngàn lao động Trung Quốc, chưa kể số du học sinh Trung Quốc sau khi học ở châu Âu, Mỹ tới Singapore làm việc. Malaysia, Indonesia cũng trở thành điểm đến của lao động nhập cư Trung Quốc.

Làn sóng thứ ba

Trong các tác nhân của hai làn sóng đầu, nổi lên hai nguyên nhân chính là cải thiện thu nhập của lớp người thu nhập thấp và tìm kiếm cơ hội làm ăn, giao thương; làn sóng thứ ba từ chính sách đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như chính sách của chính phủ.

Làn sóng di dân mới lần thứ ba đến Đông Nam Á bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ 21, chủ yếu đến các khu vực đất liền ở Đông Nam Á như: bắc Myanmar, Lào và bắc Thái Lan. Quy mô của làn sóng di dân thứ ba cũng vượt xa hai đợt trước, trong đó đông nhất là Myanmar.

Số liệu do nhà nghiên cứu độc lập Sudha Ramachandran (Ấn Độ) công bố năm 2005, trong 10 năm, có trên một triệu dân Trung Quốc sang Myanmar. Thậm chí, nhà nghiên cứu này còn nhấn mạnh đến cơ cấu chủng tộc ở bắc Myanmar đã thay đổi do di dân Trung Quốc.

Sự khác biệt so với các đợt di dân trước đó, theo tiến sĩ James Chin (viện Nghiên cứu châu Á, đại học Hong Kong), ở làn sóng thứ ba gắn bó mật thiết hơn với tổ quốc Trung Quốc. Trong khi các làn sóng đầu, tuy có gắn kết, nhưng là từ tình cảm thân tộc níu kéo.

Ở làn sóng thứ ba, gây chú ý với các nghiên cứu là những tập thể người Hoa đến bắc Myanmar, Lào và Campuchia làm nghề trồng trọt. Ở Myanmar, có một nông trường trồng mía thu hút 5.000 lao động Trung Quốc.

Phi Giao (SGTT)