09:46 29/01/2009

Đi tìm phường rối tổ Việt Nam

Đình Đình

Làng Nguyễn đang là một trong những “ứng cử viên” nặng ký cho danh hiệu phường rối tổ của rối nước Việt Nam

Trong nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền ở nước ta, múa rối nước là một trong những môn nghệ thuật được mời biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới nhất.
Trong nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền ở nước ta, múa rối nước là một trong những môn nghệ thuật được mời biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới nhất.
Rối nước truyền thống Việt Nam đã được đưa vào danh sách xếp hạng đăng ký để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, song vẫn còn những tranh cãi về việc đâu là phường rối tổ của rối nước Việt Nam.

Và phường rối nước làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình đang là một trong những “ứng cử viên” nặng ký cho vinh dự này.

Tìm đến phường rối làng Nguyễn chẳng khó bởi ở Đông Hưng, làng Nguyễn nổi danh với bánh cáy và rối nước. Thủy đình - nơi tổ chức các buổi múa rối nước - chiếm một vị trí trang trọng ở ngay đầu làng.

Dẫn người viế ra thủy đình gặp ông trưởng phường rối, ông Phó chủ tịch xã Nguyễn Như Hùng vừa đi vừa nói đầy tự hào: “Ngoài bánh cáy, mỗi khi có khách quý về làng chúng tôi còn có đặc sản là rối nước để chiêu đãi. Du khách thập phương đến thăm cũng nhiều mà thăm rồi thì ai cũng nhớ mãi. Theo những câu chuyện kể truyền miệng trong làng thì phường rối của chúng tôi phải có tuổi đời hằng trăm, thậm chí cả ngàn năm. Chỉ tiếc là không còn văn bia nào ghi lại điều đó.”

Truyền thuyết ra đời rối nước

Ông Nguyễn Trọng Đường, trưởng phường rối nước làng Nguyễn đã đến thủy đình đợi trước. Ở tuổi bát tuần, nhưng khi nói về rối ông Đường linh hoạt và nhanh nhẹn một cách lạ thường.

Các nghệ nhân trong làng vẫn kể cho con cháu nghe rằng rối nước thể hiện nét văn hóa đặc thù của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vì quan niệm sơn thủy hữu tình, người Việt thường có thói quen làm nhà ở, chùa chiền cạnh các con sông, con suối.

Tương truyền, vào một năm trời mưa lũ rất to, các thủy thần đã dâng nước lên phá hủy nhiều nhà cửa, đình chùa miếu mạo. Một số bức tượng phật bị cuốn trôi ra sông dập dềnh trên mặt nước trông như đang nhảy múa. Ông tổ của nghề múa rối nước khi nhìn thấy những hình ảnh ấy đã ghi lại và tìm cách sáng tạo ra môn rối nước.

Thế nhưng, theo như ông Nguyễn Trọng Đường thì không chỉ một người nghĩ ra tất cả những bài rối nước cổ. Đây là môn nghệ thuật mang tính tập thể và rất có thể là do nhiều người cùng nghĩ ra. Mỗi người đã nghĩ ra một bài rối cổ khác nhau sau đó mới truyền lại cho con cháu.

Từ người đầu tiên cho đến tận ngày nay, các bài rối cổ dường như vẫn được truyền lại đầy đủ cho các thế hệ sau. Mỗi thế hệ lại sáng tác thêm các bài rối mới cho nên các trò ngày một nhiều và hoàn thiện.

Vang danh bốn biển

Dù chỉ là phường rối làng nhưng cả phường hiện đã có tới gần 1.000 con rối các loại. Nếu chỉ tính riêng những con vẫn thường xuyên mang ra sử dụng cũng không dưới 500 con. Đây là một con số khổng lồ so với các phường rối khác.

Ông Đường còn khẳng định thủy đình - nơi biểu diễn múa rối nước của phường rối làng Nguyễn - là to nhất cả nước. Các nghệ nhân trong phường tự hào về điều đó lắm.

Phường rối làng Nguyễn có khoảng gần 20 trò rối cổ khác nhau. Trong các trò rối cổ của phường múa Trung ương thì có tới 9 trò được phường rối làng Nguyễn truyền lại. Đó là những trò như bật cờ, tễu, sản xuất, câu ếch, đánh cá, chọi trâu, đua thuyền, dệt cửi trao con, đu đôi, nhi đồng hý thủy, lân tránh cầu, múa công, bát tiên, song tiên, tứ linh đại hội...

Trong những trò này thì trò “Ngũ phương” được coi là độc nhất vô nhị không phường rối nào làm được. Những người trong phường rối làng Nguyễn cũng vẫn truyền nhau nhưng kiên quyết không truyền ra bên ngoài.

Thành viên đội rối nước làng Nguyễn hiện có 24 người. Hai người già nhất đã 80. Người trẻ nhất mới 24 tuổi. Ông Đường tiết lộ rằng đó chỉ là “biên chế chính thức”.

Người dân trong làng hầu như ai cũng biết múa rối nước. Từ đứa trẻ lớp 1 cho đến những lão niên trong làng. Nó được coi như nét sinh hoạt văn hóa thường xuyên và độc đáo của làng. Những ngày hội làng đều có tiết mục rối nước.

Đôi khi cả những buổi mừng thọ hoặc đám cưới, khánh thành... phường rối cũng được mời biểu diễn. Ngoài những buổi đi biểu diễn thì một tháng phường rối vẫn tổ chức sinh hoạt thường xuyên 2 lần.

Dù chỉ là phường rối làng nhưng phường rối làng Nguyễn đã nổi danh khắp năm châu bốn bể. Mỗi năm có hàng chục đoàn khách du lịch quốc tế đến yêu cầu biểu diễn. Nhiều nhất là du khách của các nước Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Ý, Đài Loan, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc... Phường rối còn được mời đi biểu diễn ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Một di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn

Tục lệ bí truyền ở các phường múa rối nước chỉ cho phép người nào làm trò gì biết trò ấy. Không ai được tiết lộ cách mắc dây, lắp “máy”, cách điều khiển con rối cho người khác biết.

Do đó, trải qua gần ngàn năm lịch sử, nghệ thuật múa rối nước của phường rối làng Nguyễn vẫn giữ nguyên chất nguyên sơ, rất cụ thể, rất chi tiết, nhưng không có lý luận, khái quát để phát triển xa hơn.

Trước đây, những người trong phường rối làng Nguyễn khi gia nhập phải cắt máu ăn thề không truyền nghề cho con rể. Người ngoài thì càng không được truyền. Đối với con trai chính tông nếu không đủ tư cách đạo đức cũng không được truyền nghề. Việc tuyển chọn truyền nghề được chọn lọc rất kỹ và phải do cả phường cùng đồng tình.

Từ đặc thù này mà đến cuối thế kỷ 20 các nghệ nhân trong phường đều đã cao tuổi. Nếu các nghệ nhân không truyền lại sẽ mai một loại hình nghệ thuật này. Nhất là các tích trò, nghệ thuật tạo hình, kỹ thuật điều khiển con rối cũng như âm nhạc và lời thoại.

Cách đây gần 10 năm, nghệ nhân cuối cùng chuyên về tạo hình con rối của phường rối làng Nguyễn đã qua đời mà không có người kế nghiệp. Hiện tại phường rối làng Nguyễn vẫn phải nhờ một nghệ nhân tạo hình rối bên Hà Nam đảm trách nhiệm vụ này. “Chúng tôi đang cố gắng để khôi phục lại mắt xích quan trọng này”, ông Đường nói.

“Chúng tôi coi đây như một vốn chơi cổ truyền. Xem hát múa thì có thể xem ti vi nhưng đã múa rối thì kiểu gì cũng phải đến xem trực tiếp. Vừa thư thái tinh thần vừa học hỏi, giao lưu làng trên xóm dưới với nhau.” Đó là tâm sự của bậc cao niên Nguyễn Hữu Thịnh trong làng.

Trong nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền ở nước ta, múa rối nước là một trong những môn nghệ thuật được mời biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới nhất. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã khẳng định rối nước Việt Nam là một trang sáng trong cuốn sách về di sản văn hoá thế giới mà trước đây nằm trong quên lãng. Chính nhờ điểm này mà hện nay, múa rối nước Việt Nam đang được đề nghị công nhận là di sản văn hoá của nhân loại.

Giáo sư Trần Văn Khê đã viết những dòng về rối nước Việt Nam: “Cảnh tượng quanh ao làng thật là náo nhiệt. Nông dân, thợ thủ công, tiểu thương, đàn ông, đàn bà, các cụ già và trẻ em như đã hẹn hò đến đây. Nơi thường ngày rất yên tĩnh này bỗng rộn rã tiếng trống, tiếng chiêng và âm điệu những nhạc cụ dân gian khác: đàn nhị, sáo trúc... ở bờ ao nổi lên một công trình bằng gạch lợp ngói có hình dáng như một ngôi đền. Đây là ngôi thủy đình. Khán giả đứng vây quanh bờ ao. Tiếng trống nổi lên mỗi lúc một rộn ràng. Rẽ tấm mành trúc, xuất hiện một con rối bằng gỗ lớn bằng một chú bé bốn tuổi, đôi mắt đầy vẻ tinh nghịch, nét mặt tươi cười, mặc chiếc áo nẹp không tay, không khuy cài để hở cái bụng quả dưa rồi cất tiếng hát...

Hát xong, chú tiến lại bánh pháo treo trên một cây sào cắm giữa ao và châm lửa. Pháo nổ ran mặt nước và ban đồng ca cất tiếng hát báo hiệu sắp kéo cờ. Những lá cờ nổi lên từ mặt nước và đi tới cột cờ “phần phật” trước gió. Tiếng trống càng thêm rộn rã. Một con rồng lướt trên mặt nước. Hai con lân tranh một quả cầu lụa theo nhịp trống do một con rối đánh. Con hạc xòe hai cánh, mổ lên cổ một con rùa đang rẽ nước mặt hồ, vừa bơi vừa lắc lư đầu. Sau trò tứ linh của Rồng, Lân, Rùa, Hạc, một ngư ông đi đến. Ông thả câu và một lúc sau, một chú cá cắn câu giẫy giụa. Đó là cảnh tượng một buổi biểu diễn múa rối nước, đỉnh cao và tiêu biểu nhất của nghệ thuật múa rối Việt Nam”.

Điều độc đáo của múa rối nước là sự kết hợp tổng hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật tạo con rối, nghệ thuật biểu diễn dân gian với kỹ thuật lắp máy, lắp dây điều khiển con rối. Người biểu diễn không xuất hiện trước sân khấu nhưng lại là cái hồn của nghệ thuật.

Chính vì thế, múa rối nước tạo ra những giây phút được sống vui, vui sống một cách thần tình, kỳ ảo, như thật, đem đến cho người xem niềm vui dân dã, hồn nhiên, sảng khoái.