10:44 09/05/2011

Dị ứng với chiêu “bán giấy lấy tiền”

Trọng Nghĩa

Rất nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn lớn được nhà đầu tư phong làm "vua giấy lộn"!

Vừa qua không nhiều doanh nghiệp có thể tăng vốn mà có được thặng dư, hoặc hút thêm tiền mới từ cổ đông.
Vừa qua không nhiều doanh nghiệp có thể tăng vốn mà có được thặng dư, hoặc hút thêm tiền mới từ cổ đông.
Hiện tượng doanh nghiệp niêm yết ồ ạt phát hành thêm được giới đầu tư châm biếm là chiêu “bán giấy lấy tiền”. Thậm chí không ít doanh nghiệp được phong làm “vua giấy lộn”!

Không khó để tìm thấy hàng chục chủ đề trên các diễn đàn, nhà đầu tư than vãn về việc doanh nghiệp niêm yết phát hành thêm quá nhiều trong bối cảnh nguồn tiền trên thị trường đang suy yếu. Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn, đặc biệt khi lãi suất đang quá cao, nên nhiều doanh nghiệp ra sức tận dụng.

Tuy nhiên trong khi khả năng vốn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân đang bị thị trường “gặm nhấm” hàng ngày, những bản giải trình kế hoạch tăng vốn quá viển vông càng khiến nhà đầu tư bức xúc.

Từ đầu tháng 4 đến nay, khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đã phải lùi đi lùi lại thời hạn nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Hiện tượng này đã xảy ra đầu năm nay khi giá phát hành thêm còn cao hơn cả giá cổ phiếu trên sàn. Rút kinh nghiệm, kế hoạch tăng vốn của nhiều doanh nghiệp chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc chấp nhận bán tại mệnh giá. Dù vậy việc kéo dài liên tục thời hạn nộp tiền cũng cho thấy việc hút thêm vốn từ cổ đông là không dễ dàng.

Cuối tuần trước, HSX thông báo đợt chào bán chứng khoán của Công ty Cổ phần Đệ Tam (DTA) sẽ được gia hạn thêm đến hết ngày 4/7/2011. DTA dự tính phát hành thêm tỉ lệ 2:1 tại mệnh giá. Thời hạn đăng ký mua là từ 4/4 đến 5/5. Thời điểm kế hoạch được đưa ra, giá DTA trên sàn đã loanh quanh mức 10.000 đồng. Đến ngày 26/4 vừa qua, liệu chừng giá khó khởi sắc, hội đồng quản trị công ty đã xin gia hạn đến 24/6. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thậm chí còn cho thêm mấy ngày nữa. Tuy nhiên DTA đã về 7.600 đồng/cổ phiếu.

Trường hợp như DTA không hiếm. PXS phát hành 1:1 tại mệnh giá, sau khi điều chỉnh kỹ thuật cũng về loanh quanh 12.000 đồng. Tuy nhiên đến gần hết hạn nộp tiền thì giá rơi về gần mệnh giá. PSX đã phải lùi thời hạn đến hai lần. Lần cuối cùng thời hạn là ngày 4/5 vừa. Không rõ đợt phát hành này sẽ bán được bao nhiêu vì giá vài phiên quanh ngày cuối khoảng 11.000 đồng. Tuy nhiên cuối tuần rồi PSX đã lùi về mức mệnh giá và khó có thể nói nhà đầu tư nộp tiền mua cảm thấy vui.

Kế hoạch tăng vốn của nhiều doanh nghiệp cũng gặp phản ứng mạnh từ phía cổ đông trong kỳ đại hội vừa qua. VNG cuối tuần trước cũng đã gửi văn bản lên HSX hủy ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách phát hành thêm (ngày 6/5). Trước đó đại hội cổ đông đã biểu quyết tạm dừng đợt tăng vốn từ 130 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. BCI giữa tháng 4 cũng không bán nổi 3 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với giá 20.000 đồng vì không ai đăng ký mua. Mặc dù thời điểm đó giá BCI vẫn trên 25.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, không phải đại hội nào cũng thành công trong việc hạn chế doanh nghiệp tăng vốn ồ ạt. PVX là một ví dụ khi vấn đề tăng vốn có nhiều ý kiến không đồng tình. PVX dự kiến tăng gấp đôi vốn điều lệ trong năm nay, trong đó phần lớn bán tại mệnh giá. Riêng phần phát hành cho cán bộ nhân viên lên tới 12,5 triệu cổ phiếu lại không giới hạn chuyển nhượng. Bán cho cổ đông chiến lược 100 triệu cổ phiếu giá tối thiểu 12.000 đồng và cũng chỉ hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Mới nhất, đại hội cổ đông CLG hôm 8/5 đã quyết định hủy bỏ tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ năm 2010. Thay vào đó CLG có khả năng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có bảo lãnh trị giá 200 tỷ đồng, hoặc phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Phát hành trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn cũng là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thời gian qua. Nhà đầu tư sẽ “cởi mở” hơn với hình thức này vì được lựa chọn có chuyển đổi khoản nợ thành cổ phiếu hay không, tùy thuộc vào tình hình giá cổ phiếu đang niêm yết lúc đó. Tuy nhiên thị giá giảm hơn giá chuyển đổi thì kế hoạch cũng phá sản. Do đó nếu thị trường tiếp tục èo uột, doanh nghiệp cũng phải “toát mồ hôi” để tìm kế sách đối ứng trong trường hợp xấu nhất.

SSI là ví dụ khi phải thu xếp vốn trả lại khoản vay như vậy. SHB đến nay vẫn chưa công bố kết quả đăng ký chuyển đổi trái phiếu khi ngày 5/5 là hạn cuối đăng ký. REE tháng 8 tới là ngày đáo hạn trái phiếu chuyển đổi. Giá chuyển đổi khoảng 13.800 đồng. Không rõ xu hướng thị trường vài tháng tới có khả quan hay không vì hiện giá REE đang ở mức 12.100 đồng/cổ phiếu.

Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn thường thường được gắn với những kế hoạch phát triển, đầu tư khá hoành tráng. Tuy nhiên điều mà không ít cổ đông lo ngại là hiệu quả thực sự từ các dự án đó rất khó kiểm chứng. Thậm chí một số báo cáo tiến độ sử dụng vốn của doanh nghiệp niêm yết vừa công bố còn cho thấy đằng sau mục đích “cơ cấu tình hình tài chính” là nhằm trả nợ. Chẳng hạn, một doanh nghiệp trên HSX ngày 4/5 vừa báo cáo việc sử dụng 145,01 tỷ đồng vốn thu được từ phát hành thêm thì có tới 76% số vồn này được dùng để thanh toán tiền vay và nợ.

Nhu cầu tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết thường lớn, đặc biệt trong bối cảnh mở rộng sản xuất. Đối với cổ đông, yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả của việc sử dụng vốn, và thời điểm tăng vốn. Trong bối cảnh thị trường sôi động, doanh nghiệp tăng vốn thậm chí có thể là một lực đẩy đối với giá cổ phiếu.

Ngược lại, thanh khoản xuống thấp, giá cổ phiếu lao dốc, áp lực phát hành thêm khối lượng lớn ảnh hưởng không nhỏ đến giá. Khi đã niêm yết, việc phát hành gần như sẽ được thực hiện. Những cổ đông không muốn mua thêm cổ phiếu chỉ có cách duy nhất là từ bỏ quyền cổ đông trước ngày chốt.