14:42 29/07/2008

Địa phương "loay hoay" tìm nhân lực cho dự án

Quỳnh Lam

Cùng với việc thu hút nhiều dự án, các địa phương cũng đang phải đối mặt với bài toán nhân lực nhiều hóc búa

Nhiều địa phương vẫn bị động trong khâu đào tạo.
Nhiều địa phương vẫn bị động trong khâu đào tạo.
Cùng với việc thu hút nhiều dự án, các địa phương cũng đang phải đối mặt với bài toán nhân lực nhiều hóc búa.

Địa phương bị động

Thái Nguyên  là tỉnh có nhiều thuận lợi để thu hút đầu tư, với nhiều dự án lớn, có nhu cầu tuyển dụng tới cả chục nghìn lao động. Đây tưởng như là cơ hội đối với lực lượng lao động địa phương này trong tìm kiếm, giải quyết việc làm.

Tuy vây, thiếu lao động qua đào tạo, thiếu lao động lành nghề  đang là khó khăn chung cho việc tìm kiếm nhân lực của nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh này.

Tại hội thảo về chủ đề thu hút đầu tư vào Thái Nguyên, ông Woo Poh Sun, Tổng giám đốc Công ty TNHH Intra Việt Nam, doanh nghiệp đang xây dựng dự án hồ điều hòa Xương Rồng và khu đô thị tại Thái Nguyên, cho biết doanh nghiệp ông cần một lượng lao động khá lớn cho dự án này, tuy nhiên địa phương chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 30% lao động, số còn lại phải huy động từ các địa phương khác.

Nguyên nhân sự thiếu hụt này, theo bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, do cùng lúc phải giải quyết lao động cho nhiều dự án khác đầu tư trên địa bàn, một phần do chất lượng, độ tuổi đội ngũ lao động không thoả mãn được yêu cầu tuyển dụng.

Dự án khu liên hợp thép Vũng Áng và cảng Sơn Dương  ở Hà Tĩnh vừa khởi công hồi đầu tháng 7/2008, dự kiến sau khi đi vào hoạt động cần một nguồn lao động khá lớn, khoảng l5.000 người.

Lãnh đạo tỉnh này cho biết, hiện cả tỉnh có 1,3 triệu dân, mỗi năm có khoảng 30 đến 40 vạn lao động cần việc làm , tuy nhiên, khi các dự án lớn được đầu tư, khó khăn lớn nhất của đại phương vẫn là nguồn nhân lực. Nguồn lao động có nghề sẽ vẫn thiếu ít nhất là 2, 3 năm nữa.

Đấy chỉ là hai trong số hàng chục địa phương đang có nhu cầu cao về lao động cho các dự án.
Nhiều ý kiến cho rằng, lao động địa phương không đáp ứng được nhu cầu của các dự án, vì lao động được đào tạo bài bản của chúng ta còn thiếu rất nhiều.
 
“Không phải vì chúng ta không có lao động, điều cốt lõi là sự khâu nối giữa lực lượng lao động và nhu cầu lao động của chúng ta chưa thật tốt, thêm vào đó, là khâu đào tạo của nhiều địa phương còn quá thô sơ”, một giám đốc doanh nghiệp nói.

Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh chia sẻ, thực tế, địa phương  vốn bị động trong  khâu đào tạo nhân lực cho các dự án. Có một thời, rất nhiều thanh niên nông thôn háo hức đi học nghề, thế nhưng sau khi ra trường vẫn không kiếm được việc làm.

"Với một tỉnh thuần nông như Hà Tĩnh, chúng tôi cũng không thể đảm bảo được với lao động rằng, học nghề xong sẽ có việc làm. Vì thế, sau khi một số dự án chính thức đầu tư và khởi công tại đây, chúng tôi  phải cần một khoảng thời gian dài hơn để giải quyết bài toán lao động cho các dự án này", ông nói.

Trăm dâu đổ đầu … doanh nghiệp

Phía nhà đầu tư Formosa của “siêu dự án” thép Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã tính đến phương án mở trường đại học tại địa phương, một cán bộ UBND tỉnh này cho biết như vậy. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đã “hứa” với Thủ tướng Chính phủ, trước mắt sẽ tài trợ khoảng 200 suất học bổng đi đào tạo ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể dễ dàng đưa ra một phương án để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực.  Nhiều doanh nghiệp “bí” quá đã phải “lấp chỗ trống” bằng cách tuyển dụng cả những sinh viên chưa ra trường, vừa học, vừa làm; thậm chí chấp nhận trả một mức thu nhập cao hơn để thu hút lao động ngoài tỉnh.

Thậm chí có không ít dự án “dẫm chân tại chỗ” , mà một trong rất nhiều lý do chính là “không có người làm”.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Vụ trưởng Vụ Lao động - Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, việc điều tiết, bố trí lao động để đáp ứng được nhu cầu của các dự án đang là bài toán khó với nhiều địa phương.

Nguyên nhân, theo ông Đồng, do chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, các cơ quan quản lý, các tổ chức, cơ sở đào tạo, hướng nghiệp, và các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng nguồn lao động địa phương rất dồi dào mà vẫn thiếu.

Vì thế, để cung cầu không bị “lệch pha”, hàng năm các khu công nghiệp, các dự án lớn chuẩn bị đầu tư phải xây dựng kế hoạch ngành nghề cần tuyển dụng đăng ký với tỉnh để tỉnh có phương án đào tạo lao động kịp thời, để việc đào tạo lao động sát với nhu cầu thực tế.
 
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, khi họ có nhu cầu đầu tư vào địa phương nào, ngoài sự thuận lợi về vị trí, tài nguyên thiên nhiên, chính sách thì nhân lực chính là một trong những điều quan tâm hàng đầu của chủ dự án. Khi nguồn lao động địa phương không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, sự hấp dẫn của địa phương đó bị giảm đi một cách đáng kể và ngược lại.