Điểm danh các kỳ lân công nghệ Đông Nam Á và những nhà đầu tư giai đoạn sớm
Đông Nam Á từ lâu đã là một mảnh đất “màu mỡ” với các startup công nghệ. Cùng điểm lại những gương mặt kỳ lân sáng giá đã đặt nền móng cho sự phát triển của lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ mới tại khu vực này…
Đông Nam Á được biết đến là một khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đó cũng chính là lý do nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp ra đời và phát triển tại đây. Nhiều doanh nhân sở hữu những ý tưởng tuyệt vời, sau đó thành lập các công ty, và cũng không mất nhiều thời gian để biến startup của mình trở thành một "kỳ lân".
Với số lượng các công ty khởi nghiệp tiềm năng lớn ngày càng tăng, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến khu vực này và sẵn sàng tài trợ cho các công ty ngay cả trong giai đoạn đầu. Các startup mới đang tận dụng lợi thế đó và cố gắng hết sức để thể hiện những gì họ có thể đạt được nếu có đủ nguồn vốn. Dưới đây là một số ví dụ về các công ty kỳ lân tại Đông Nam Á được đánh giá cao và những nhà đầu tư đầu tiên của họ.
SEA LTD. (TRƯỚC ĐÂY LÀ GARENA)
Nhà đầu tư: Tencent Holdings, Cathay Financial Holding, GDP Venture
Khi mới thành lập vào năm 2009, công ty này được đặt tên là Garena và tới năm 2017, nó đã đổi tên thành Sea. Trụ sở chính của Sea đặt tại Singapore - một trong những quốc gia phát triển rất nhanh ở Đông Nam Á. Hiện tại, Sea Ltd. là một tập đoàn công nghệ chuyên phát triển và xuất bản trò chơi.
Kể từ đầu năm nay, Sea sở hữu đội ngũ nhân viên với hơn 67 nghìn người và là một trong những công ty đóng góp khá nhiều cho nền kinh tế quốc gia. Công ty này cũng hậu thuẫn một số công ty lớn khác, như Sea Monkey và Shopee. Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Sea là huy động được 884 triệu USD khi niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) vào năm 2017, sau khi trở thành một trong những kỳ lân đầu tiên trong khu vực vào năm 2016 nhờ vào khoản đầu tư từ Cathay Financial Holding.
RAZER INC.
Nhà đầu tư: Li Ka-Shing, Temasek Holdings, Horizons Ventures, Accel, IDG Capital
Hầu như ai cũng đều biết đến Razer hoặc ít nhất một lần sử dụng các sản phẩm của họ. Dù được biết đến nhiều hơn với vai trò là một công ty đầu tư thiết bị cho các game thủ và sản xuất ngoại vi chơi game, các sản phẩm của Razer vẫn xuất hiện ngay cả trong văn phòng hay các hộ gia đình nhờ chất lượng và hiệu suất tuyệt vời.
Công ty được thành lập tại Singapore vào năm 2005 bởi Min Liang Tan và Robert Krakoff nhờ vào khoản đầu tư đáng kể từ ông trùm Hong Kong Li Ka Shing và công ty mẹ Temasek Holdings của Singapore. Khoản tài trợ ban đầu này cho phép họ mua bản quyền đối với thương hiệu Razer. Sau đó, công ty này đã chuyển trụ sở đến San Francisco. Tuy nhiên, nhiều người vẫn coi họ như một "viên ngọc" sáng giá của Đông Nam Á, bởi lẽ họ đã khiến nhiều người phải kinh ngạc khi phát triển và chuyển mình thành một kỳ lân chỉ trong vòng một thời gian ngắn. Điều này đạt được là nhờ một số thương vụ mua lại các công ty phần mềm và thiết bị thông minh, tạo cơ hội cho Razer cải tiến các sản phẩm của mình hoặc giới thiệu những sản phẩm mới.
GRAB HOLDINGS INC.
Nhà đầu tư: Microsoft, Hyundai Motor Company, Beacon Venture Capital, Invesco, Toyota
Một ví dụ điển hình khác về kỳ lân Đông Nam Á được thành lập tại Singapore là Grab. Khi nhìn vào danh sách các nhà đầu tư, chắc hẳn ai cũng dự đoán rằng đây là một công ty cực kỳ tiềm năng và nhận được sự chú ý của rất nhiều ông lớn công nghệ.
Grab được thành lập vào năm 2012 và là một dịch vụ vận chuyển kỹ thuật số tích hợp. Hiện Grab có mặt tại 500 thành phố lớn nhỏ trên 8 quốc gia. Theo CNN, vào năm 2021, giá trị đầu tư của công ty rơi vào khoảng 14 tỷ USD - một con số rất ấn tượng. Hai nhà sáng lập là Anthony Tan và Tan Hooi Ling đã thực hiện nhiều giải pháp và thương vụ mua lại để mở rộng quy mô công ty, biến Grab trở thành một "siêu ứng dụng". Các nhà đầu tư của Grab hiện tại bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm và đầu cơ, các công ty sản xuất ô tô và nhiều công ty khác.
BUKALAPAK
Nhà đầu tư: Ant Financial, 500 Startups, Emtek Group, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund
Bukalapak là một kỳ lân thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, được thành lập vào năm 2010 tại Indonesia bởi 3 nhà sáng lập: Achmad Zacky, Muhammad Fajrin Rasyid và Nugroho Herushyono. Công ty là kỳ lân thứ 4 của Indonesia. Sứ mệnh của họ là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp sản phẩm cho công chúng, đồng thời tạo điều kiện tương tác giữa người bán và người mua.
Chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp gia đình nhỏ của họ không chỉ đơn thuần tạo ra lợi nhuận mà còn giúp các doanh nghiệp trong thời điểm đó áp dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật số. Năm 2021, công ty đã sở hữu hơn 100 triệu người sử dụng và 7 triệu đối tác. Số lượng giao dịch hàng ngày tại các khu vực hoạt động của họ cũng rất ấn tượng - trung bình 2 triệu đơn/ngày.
LAZADA
Nhà đầu tư: Tesco, Temasek Holdings, JPMorgan Chase, Rocket Internet
Không thể thiếu đi sự góp mặt của một trong những kỳ lân nổi tiếng nhất Đông Nam Á - Lazada. Công ty đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi được thành lập vào năm 2012 bởi Maximilian Bittner. Lazada là một trong những nền tảng thương mại điện tử do Tập đoàn Alibaba sở hữu và hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia.
Lazada đã gây được sức hút lớn với nhiều nhà đầu tư khó tính và nhận được con số 647 triệu USD trong vòng đầu tư. Kể từ năm 2013, khi mô hình bán hàng thay đổi và có thêm mô hình thị trường (các nhà bán lẻ bên thứ 3 có thể bán sản phẩm của họ thông qua trang web), tầm ảnh hưởng của công ty này bắt đầu tăng lên. Bất kỳ thứ gì cần mua, người tiêu dùng cũng có thể tìm kiếm được trên Lazada. Đây cũng là lý do tại sao Tập đoàn Alibaba lại mua cổ phần kiểm soát của công ty.
TRAVELOKA
Nhà đầu tư: East Ventures, Sequoia Capital, DealStreetAsia, JD.com
Đây là một kỳ lân khác của Indonesia thuộc lĩnh vực khách sạn. Traveloka được sử dụng để đặt máy bay trực tuyến và đặt phòng khách sạn. Công ty đang phát triển mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á và không ngừng mở rộng ra ngoài châu Á. Trên website của họ, người dùng có thể tìm thêm nhiều tùy chọn khác như vé thăm quan, thuê xe hơi, đặt bàn tại nhà hàng địa phương...Ứng dụng này sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị trước một chuyến du lịch hoặc kỳ nghỉ.
Traveloka ra mắt công chúng vào năm 2012, và chỉ 5 năm sau, công ty đã trở thành một kỳ lân nhờ thỏa thuận giá khoảng 2 tỷ với DealStreetAsia. Người dùng có thể tìm những nơi lưu trú tại hơn 100 quốc gia thông qua website và ứng dụng của Traveloka.
VÀ CÁC TÊN TUỔI KHÁC...
Nhiều công ty đã tìm cách tiếp cận bối cảnh khởi nghiệp tại thị trường Đông Nam Á và biến nơi đây thành địa điểm kinh doanh và phát triển. Họ cũng đã lọt vào mắt xanh của vô số các nhà đầu tư lớn nhỏ - những người tin tưởng vào ý tưởng sản phẩm của họ và cung cấp cho họ số vốn cần thiết. Và rõ ràng, đó là những quyết định sáng suốt của các nhà đầu tư khi giờ đây, những công ty ấy đã trở thành những kỳ lân triển vọng, mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài khu vực Đông Nam Á.