08:28 20/04/2007

Diễn đàn thuế tập trung vào thuế tiêu thụ đặc biệt

Duy Linh

Nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá và ôtô nói riêng đang đóng một vai trò quan trọng

Xe hơi được xếp vào các mặt hàng được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Xe hơi được xếp vào các mặt hàng được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngày 19/4, Diễn đàn Thuế châu Á lần thứ tư (ATF 4) đã khai mạc tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính các quốc gia, vùng lãnh thổ, các viện nghiên cứu, Trung tâm thuế và đầu tư quốc tế... để thảo luận về những vấn đề liên quan tới thuế gián thu.

Bộ Tài chính Việt Nam - đơn vị đăng cai tổ chức ATF 4 giải thích việc lựa chọn chủ đề cho diễn đàn năm nay về thuế gián thu bởi đây là kênh duy trì đối thoại giữa các Chính phủ với nhau, giữa các cơ quan Chính phủ với người nộp thuế và đặc biệt tập trung vào các đối tượng lâu đời, quan trọng nhất của thuế tiêu thụ đặc biệt là rượu, bia, thuốc lá và các mặt hàng xa xỉ khác trên cả ba phương diện chính sách, quản lý và chi phí thuế trong điều kiện thực tế hiện nay cũng như khuynh hướng phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Emil Sunley - nguyên Vụ phó Vụ Tài chính Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Cố vấn Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế giải thích thêm rằng trong các diễn đàn ATF trước đây, thuế tiêu thụ đặc biệt và một số loại thuế gián thu khác chỉ được xem như “đứa con ghẻ” của ngành thuế và chưa được coi trọng xem xét trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng lại chiếm một tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách các quốc gia.

Ông Daniel Witt, Giám đốc Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế lý giải thêm về vấn đề thương mại thế giới hiện ngày càng phát triển dẫn đến các giao dịch xuyên biên giới từ nước này sang nước khác, song vấn đề hàng giả, hàng lậu chưa được đề cập nhiều từ phương diện thuế gián thu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, tại Việt Nam, thuế thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá và ôtô nói riêng đóng một vai trò quan trọng trên phương diện nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trong những năm qua, số thu từ sắc thuế này thường chiếm khoảng 24% trong tổng số thu từ thuế gián thu, riêng các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá và xăng dầu chiếm tới 19,7%.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô từ năm 1996 đến nay không chỉ góp phần hạ mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu hội nhập, mở cửa nền kinh tế mà còn góp phần hạn chế bớt nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong bối cảnh Chính phủ chưa có đủ điều kiện về thời gian và nguồn lực để giải quyết các vấn đề trên một cách toàn diện và ổn định.

Sửa thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia

Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, để đáp ứng các cam kết gia nhập WTO, Việt Nam sẽ sửa đổi các quy định về thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng rượu bia. Cụ thể, với rượu, trong vòng 3 năm tới tất cả các loại rượu được chưng cất có nồng độ cồn từ 20 độ trở lên sẽ chịu một mức thuế tuyệt đối hoặc một mức thuế phần trăm tính theo lít của rượu cồn nguyên chất.

Cũng trong khoảng thời gian trên, các loại bia sẽ được áp chung một mức thuế suất phần trăm mà không phân biệt hình thức đóng gói, bao bì. Trên cơ sở ấy, cơ quan này dự kiến việc xây dựng các mức thuế suất mới phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm đem lại số thu ổn định và bền vững cho ngân sách Nhà nước; giảm thiểu các hoạt động trốn lậu thuế với cả rượu nội địa và rượu nhập khẩu; đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước và kiểm soát được mức tiêu thụ các loại đồ uống có cồn nói chung.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trình độ công nghệ, trang bị máy móc của các cơ sở sản xuất rượu bia trong nước không đồng đều, chi phí sản xuất rất khác nhau... nên việc quy định áp dụng thuế tuyệt đối hay tương đối với rượu cần được xem xét, cân nhắc kỹ để vừa đảm bảo nguyên tắc của WTO đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo được tính công bằng, hiệu quả trong nghiên cứu xây dựng và áp dụng chính sách thuế.

Vụ Chính sách thuế nhận định, việc áp dụng thuế tuyệt đối có thể làm cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong khi thuế đánh trên giá trị (hay thuế suất tương đối theo tỷ lệ phần trăm) sẽ phù hợp hơn.

Việc áp thuế suất tương đối tính theo lít rượu cồn nguyên chất cho tất cả các loại rượu từ 20 độ trở lên như cam kết với WTO có ưu điểm là sẽ đảm bảo tính công bằng trong điều kiện không đồng đều về trình độ, công nghệ, chi phí của các doanh nghiệp sản xuất rượu; đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước được ổn định và giúp cho chính sách thuế trở nên chặt chẽ, minh bạch, đơn giản hơn.

Chưa tính đến việc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô

Có ý kiến cho rằng mức thuế suất thuế thuế tiêu thụ đặc biệt 50% hiện hành đối với ôtô 5 chỗ trở xuống là quá cao.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính giải thích rằng, do đặc điểm hạ tầng giao thông nước ta hiện chưa tốt, giao thông đô thị còn hạn chế, thu nhập của người dân chưa cao nên việc có thay đổi thuế suất thuế thuế tiêu thụ đặc biệt hay không còn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Song về phương diện quản lý thuế, việc thuế thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định với ôtô có 3 mức khác nhau và được xác định theo số chỗ ngồi của xe dễ tạo ra sự gian lận khi kê khai thuế đồng thời cũng chưa phù hợp với đặc tính của xe ôtô - đó là việc cùng số chỗ ngồi như nhau nhưng công suất xe khác nhau lại có mức thuế giống nhau.

Vụ Chính sách thuế cho biết đang nghiên cứu, tham khảo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của một số nước về quy định áp thuế suất thuế thuế tiêu thụ đặc biệt theo dung tích máy và các tiêu chí khác để phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Ngoài thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng xa xỉ, ATF 4 cũng mở rộng thảo luận các vấn đề như mối quan hệ tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế gián thu; nhận định mới về thuế gián thu với các dịch vụ tài chính và thuế năng lượng với môi trường châu Á... trước khi bế mạc Diễn đàn vào chiều ngày 20/4.