Diễn đàn "Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương"
Có thương hiệu đã khó, việc giữ gìn và bảo vệ thương hiệu lại càng khó hơn
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác quảng bá cho chương trình Thương hiệu Quốc gia, khuyến khích động viên các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia và phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm địa phương, ngày 13/7, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức diễn đàn "Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương" nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua sản phẩm.
Chương trình có sự đồng hành của các thương hiệu uy tín: VietinBank (Ngân hàng Công Thương Việt Nam), Phân bón Phú Mỹ (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí), PVGAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam), Đạm Cà Mau (Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, một trong những yếu tố để hội nhập thành công, tranh thủ được cơ hội hợp tác, liên kết mang lại, vượt qua thách thức của sự cạnh tranh gay gắt là phải xây dựng và phát triển sức cạnh tranh tổng thể của quốc gia, trong đó có thương hiệu của các vùng miền có tiềm năng, thế mạnh.
“Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề đó, trong những năm qua chúng ta đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các vùng miền, nhờ vậy các vùng miền đó đã có bước phát triển ấn tượng ở tầm quốc gia, tạo ra sức mạnh để Việt Nam vươn ra thế giới, tạo vị thế cao ở trong nước và trên thị trường xuất khẩu quốc tế. Tên tuổi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam gắn với các thương hiệu vùng miền theo đó cũng được khẳng định”, Thứ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu của địa phương gắn với thương hiệu quốc gia còn nhiều bất cập. Đặc biệt, nhiều địa phương không quan tâm và dành nguồn lực cao cho công tác này.
Chia sẻ thêm về mục đích diễn đàn, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho hay, diễn đàn được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về chương trình thương hiệu quốc gia, các mô hình xây dựng thương hiệu địa phương, vùng miền liên quan tới xây dựng thương hiệu quốc gia, chia sẻ của các địa phương về xây dựng thương hiệu sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) gắn với địa phương.
Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn về nông nghiệp và thực tế đã trở thành quốc gia xuất khẩu một số nông sản hàng đầu thế giới. Bên cạnh gạo, hồ tiêu, điều…, vài năm trở lại đây, Việt Nam xuất khẩu thành công vải, xoài, chôm chôm… vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật… cũng là một thành công lớn, dù mới chỉ ở ngưỡng ban đầu. Đây sẽ là tiền đề cho quá trình tạo dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt tiến bước.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, khi hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với nền kinh tế khu vực và quốc tế, nhất là khi Việt Nam tham gia đầy đủ các Hiệp định thương mại tự do đã ký gần đây thì mức độ cạnh tranh giữa các sản phẩm phẩm được đặt lên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, có thương hiệu đã khó, việc giữ gìn và bảo vệ thương hiệu lại càng khó hơn. Đặc biệt với sản phẩm nông nghiệp, không giống như sản phẩm công nghiệp, quá trình sản xuất ảnh hưởng rất nhiều rủi ro bởi thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giống và các yêu tố đầu vào khác cũng như chăm sóc…trong đó sản phẩm nhãn nói chung, nhãn lồng Hưng Yên nói riêng cũng trong tình trạng đó.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vương tầm ra thị trường quốc tế thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu.
Mặt khác, cần có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội.