09:36 31/01/2008

Điều chỉnh Chỉ thị 03: Chỉ là giải quyết tâm lý?

Nguyễn Hoài

Theo thông báo mới nhất của Vụ Chính sách tiền tệ, ngân hàng thương mại muốn cho vay chứng khoán thì phải mở “4 ổ khóa”

Việc áp dụng dư nợ cho vay chứng khoán từ 15 – 20%/vốn điều lệ sẽ làm mất công bằng giữa các nhóm ngân hàng thương mại với nhau.
Việc áp dụng dư nợ cho vay chứng khoán từ 15 – 20%/vốn điều lệ sẽ làm mất công bằng giữa các nhóm ngân hàng thương mại với nhau.
Theo thông báo mới nhất của Vụ Chính sách tiền tệ, ngân hàng thương mại muốn cho vay chứng khoán thì phải mở “4 ổ khóa”.

Các ngân hàng thương mại cho rằng, những “ổ khóa” này còn ngặt nghèo hơn trước. Có vẻ như đây chỉ là động thái giải quyết vấn đề tâm lý hơn là sửa đổi theo mong đợi bấy lâu của thị trường...

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi vào chiều 30/1 về việc sửa đổi Chỉ thị 03/CT - NHNN một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho hay: “ngân hàng thương mại muốn vào sân chơi thì phải mũ áo chỉnh tề. Ngân hàng nào vốn nhiều, sức khỏe tốt thì cho vay chứng khoán nhiều và ngược lại!”.

Theo quan điểm của vị quan chức này và những thông tin từ Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến trong buổi giao ban báo chí ngày 29/1 thì “sức khỏe tốt” ở đây bao gồm 4 điều kiện mà một số lãnh đạo ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại) ví von là “4 ổ khóa”.

Chúng bao gồm: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu: 8%; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng: dưới 5%; hệ số rủi ro các khoản cho vay chứng khoán: 200 – 250%, cao hơn so với mức quy định hiện hành là 150%) và dư nợ cho vay chứng khoán tương ứng trong khoảng 15 – 20%/vốn điều lệ.

Một chuyên viên phòng phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia nói: “Ngân hàng Nhà nước đưa ra điều kiện hệ số rủi ro các khoản cho vay chứng khoán được áp dụng trong khoảng 200% - 250% để tính hệ số an toàn vốn tối thiểu, cao hơn mức 150% theo quy định hiện nay, thực sự là một rào cản kỹ thuật ngặt nghèo”.

Theo ông này, công thức tính hệ số an toàn vốn tối thiểu bằng vốn điều lệ chia cho tổng tài sản đã tính hệ số rủi ro. Theo đó, nếu như trước đây, mức tính hệ số rủi ro cho vay chứng khoán là 150% thì tổng tài sản đã tính hệ số rủi ro thấp. Do đó, hệ số an toàn vốn tối thiểu sẽ cao hơn là việc áp dụng mức tính hệ số rủi ro cho vay chứng khoán là 200 – 250%.

Bởi lẽ theo phép tính thông thường, ai cũng biết rằng: hệ số của một phân số cùng chung tử số nhưng mẫu số của phân số A bé hơn mẫu số của phân số B thì đương nhiên hệ số của phân số A sẽ lớn hơn hệ số của phân số B. Một khi, hệ số an toàn vốn tối thiểu cao so với mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 8%, chẳng hạn như 10% hay 12% thì ngân hàng thương mại đó còn có cơ hội cho vay chứng khoán.

Còn theo cách tính mới (nâng hệ số rủi ro cho vay chứng khoán lên 200 – 250%) thì làm cho hệ số an toàn vốn tối thiểu càng nhanh chạm hoặc xuống dưới mốc 8% và ngân hàng thương mại càng ít cơ hội cho vay chứng khoán.

Giải quyết bất lợi này thì ngân hàng thương mại chỉ có cách cho vay chứng khoán ít đi và nên gia tăng cho vay thương mại, cho vay tiêu dùng (vì hệ số rủi ro của các khoản cho vay này là 100%) nhưng nếu chỉ như thế thì chẳng nên bàn chuyện cho vay chứng khoán để làm gì!

Chuyên viên trên phân tích thêm: “Dĩ nhiên, mỗi ngân hàng thương mại đều theo đuổi một chính sách an toàn vốn riêng của mình. Ví dụ, mục tiêu an toàn vốn của ngân hàng V. là 12% và hệ số này của họ đang là 12% thì việc sửa đổi Chỉ thị 03 không giúp gì cho ngân hàng này trong việc đẩy mạnh hoạt động cho vay chứng khoán. Vì nếu cho vay chứng khoán thì ngân hàng thương mại đó phải hy sinh phần cho vay thương mại (hệ số rủi ro cho vay chứng khoán là 200 – 250%, còn cho vay thưong mại là 100%), trong khi lãi suất cho vay chứng khoán không đủ cao để ngân hàng đó có thể hy sinh phần cho vay thương mại”.

Ông Đặng Xuân Giang, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà đầu tư chứng khoán nhận xét: “Điều kiện cho vay chứng khoán từ 15% - 20%/vốn điều lệ đã khóa tất cả lại!”.

Ông Giang cho rằng, hạn mức cho vay chứng khoán của các ngân hàng thương mại có thể tăng nếu tổng dư nợ tín dụng tăng và điều này là có thể. Chẳng hạn, muốn tăng tổng dư nợ thì chỉ cần mua lại trái phiếu chính phủ (chịu chấp nhận giá cao hơn giá gốc một chút) thì tổng dư nợ sẽ tăng ào ào mà lại an toàn.

Một chuyên gia ngành tài chính ngân hàng cho biết thêm, những nội dung trong sửa đổi Chỉ thị 03 lần này còn chứa đựng một bất cập khác: việc áp dụng dư nợ cho vay chứng khoán từ 15 - 20%/vốn điều lệ sẽ làm mất công bằng giữa các nhóm ngân hàng thương mại với nhau.

Cụ thể, trên thị trường ngân hàng hiện nay có hơn 10 ngân hàng thương mại nông thôn chuyển đổi lên thành thị.Những ngân hàng này chưa có hệ thống quản lý rủi ro, trong khi vốn điều lệ của họ ít nhất cũng 2.000 tỷ đồng trở lên, tổng dư nợ cho vay chưa nhiều và vì thế, hạn mức cho vay chứng khoán của họ sẽ lớn hơn rất nhiều những ngân hàng thương mại hoạt động cả chục năm qua, có hiệu quả, được xếp loại A nhưng vốn điều lệ thấp.

“Nếu sửa đổi theo cách này thì thà áp dụng theo phương pháp cũ còn hơn!”, ông này nói.

Chưa kể rằng, trong sửa đổi lần này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có sự bóc tách giữa các loại chứng khoán nợ và chứng khoán vốn. Đơn cử, vay ngân hàng mua trái phiếu chính phủ hay mua công ty, đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác đều bị liệt vào vay chứng khoán như vay để “lướt sóng” cổ phiếu! Trong khi đó, đầu tư vào trái phiếu chính phủ thì rủi ro gần như bằng 0 hoặc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng có rủi ro nhưng không thể rủi ro như đầu tư vào cổ phiếu.

Thêm một động thái khác ngay trong ngày 30/1 của Ngân hàng Nhà nước là đồng loạt tăng các loại lãi suất theo Quyết định số: 305/QĐ-Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, kể từ 01/2/2008, lãi suất cơ bản từ 8,25%/năm tăng lên 8,75%/năm, tăng 0,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm tăng lên 7,5%/năm, tăng 1,0%/năm và lãi suất chiết khấu từ 4,5%/năm tăng lên 6,0%/năm, tăng 1,5%/năm.

Việc tăng lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước nhằm đạt mấy mục tiêu: hạn chế cung tiền ra cơ sở, các ngân hàng thương mại muốn có vốn buộc phải tăng lãi suất để hút bớt tiền ngoài lưu thông, đồng thời, sẽ đẩy cao lãi suất cho vay để góp phần thu hẹp khoảng cách giữa tăng trưởng và lạm phát.

Như vậy, với hai động thái liền nhau của Ngân hàng Nhà nước, phải chăng cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đang nỗ lực thực hiện quyết tâm và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát?

Và việc sửa đổi Chỉ thị 03 một mặt không nằm ngoài mục tiêu trên và thực chất, chỉ là động thái giải tỏa tâm lý mong đợi của thị trường mà thôi?